UAV - cứu tinh hay là canh bạc của Ukraine?

Theo chuyên gia, UAV là cứu tinh của Ukraine trong khi chờ viện trợ phương Tây tới, nhưng suy cho cùng đó vẫn là giải pháp tạm thời.

Trong bối cảnh phải gồng mình chiến đấu vì thiếu đạn pháo và chờ gói viện trợ hơn 60 tỉ USD của Mỹ tới nơi, Ukraine đang đặt cược số phận vào máy bay không người lái (UAV), đặc biệt là FPV (UAV góc nhìn thứ nhất).

UAV, trong đó có FPV, được gắn chất nổ, ngày càng trở nên nguy hiểm đối với quân Nga, cả ở chiến trường lẫn sâu sau tiền tuyến.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bùng nổ vào tháng 2-2022 đến ngày 30-4-2024, Nga đã phát hiện và hạ tổng cộng 23.619 UAV Ukraine.

UAV - cứu tinh của Ukraine…

Việc tận dụng UAV dường như đã giảm được nguy cơ thương vong cho lính vì những người điều khiển UAV có thể hoạt động xa hơn mục tiêu một chút, so với bộ binh truyền thống. Cạnh đó, với ma trận UAV dày đặc, Ukraine có thể quan sát mọi ngóc ngách trên chiến trường, theo dõi và tấn công mục tiêu, nhất là những mục tiêu đắt tiền như các chiến tăng, thiết giáp.

Trên chiến trường, để đối phó mối đe dọa ngày càng tăng do FPV gây ra, quân Nga đã nâng cấp xe tăng, bao gồm các mẫu T-72, T-90, bằng cách trang bị thêm các hệ thống tác chiến điện tử ở trên tháp pháo để gây nhiễu, ngăn chặn các cuộc tấn công từ những UAV này, theo trang Defense Security Asia.

Lính Ukraine điều khiển FPV trong một hầm ngầm ở chiến trường tỉnh Donetsk. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Trong những tuần gần đây, Nga cũng đã trình làng ý tưởng khắc chế UAV cho các chiến tăng khi bao bọc toàn bộ mặt ngoài các xe tăng một lớp kim loại và chỉ chừa ra một chút ở mặt trước để nòng súng có thể chìa ra khai hỏa. Thiết kế độc lạ này được một số nhà quan sát chiến tranh gọi là “xe tăng rùa” vì giống với hình dáng con rùa.

Hồi đầu tháng 4, một quan chức NATO nói với chuyên san Foreign Policy rằng FPV Ukraine đã phá hủy hơn 2/3 tổng số xe tăng Nga mà quân đội Ukraine phá hủy trong những tháng gần đây.

Không chỉ tận dụng UAV trên mặt trận, Ukraine còn dùng UAV tầm xa để thọc sâu vào phía sau tiền tuyến, tấn công cơ sở hạ tầng nằm sâu trong lãnh thổ Nga, đặc biệt các nhà máy lọc dầu. Nhiều tháng qua, các nhà máy lọc dầu Nga ở các tỉnh như Ryazan, Nizhny Novgorod, Oryol, Leningrad, Krasnodar... liên tục bị tấn công và thiệt hại đã được ghi nhận.

Các cuộc tấn công bằng UAV này nhằm mục đích ngăn chặn nguồn cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga và làm mất đi doanh thu xuất khẩu của Moscow để tài trợ cho cuộc chiến. Cạnh đó, khi tấn công lãnh thổ Nga, Kiev cũng có thể buộc Moscow bố trí lại các hệ thống phòng không ở xa tiền tuyến.

…hay là một canh bạc

Dường như UAV đã giúp Ukraine tạm giải quyết những khó khăn khi thiếu đạn pháo nhưng viện trợ phương Tây càng lâu tới thì không biết Ukraine có thể cầm cự được bao lâu.

Việc tác chiến phần lớn dựa vào UAV giá rẻ cho thấy Ukraine đang ngày càng ít lựa chọn tấn công và UAV không phải là đối thủ của đạn pháo trong việc duy trì tốc độ bắn và sức công phá. Một quan chức Ukraine nói: “Bạn không thể lấy UAV thay thế một quả đạn pháo 155 mm. Nó giống như việc thay thế một khẩu súng trường tự động Kalashnikov bằng một khẩu súng ngắn”.

Ông Samuel Bendett - cố vấn tại tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận CNA (Mỹ) cho biết FPV có tầm hoạt động ngắn, vì vậy, Ukraine cũng chỉ có thể sử dụng một số ít FPV có phạm vi hoạt động khoảng 10 km, thua tầm bắn phần lớn đạn pháo.

Lính Ukraine điều khiển UAV tại chiến trường Donetsk hồi tháng 11-2023. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Thêm nữa, độ chính xác của UAV cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Ông Rob Lee - thành viên cao cấp trong chương trình Á-Âu của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ) cho rằng trung bình độ chính xác của FPV là dưới 50%, đó là khi người điều khiển chúng đã có kinh nghiệm chứ không phải lính mới.

Ngay cả những FPV vượt qua các biện pháp đối phó ngày càng tinh vi của Nga, chẳng hạn như những thiết bị tác chiến điện tử gắn trên xe tăng, chúng cũng không thể gây ra một đòn chí mạng. Theo ông Lee, có thể phải cần tới 10 FPV trở lên mới tiêu diệt được 1 chiếc xe tăng.

Theo Foreign Policy, đây là điều dễ hiểu vì đó không phải là những UAV Predator trị giá 20 triệu USD mỗi chiếc mà Mỹ dùng để săn lùng các mục tiêu khủng bố ở Trung Đông mà là những chiếc UAV rẻ tiền với giá 400 USD.

Những chiếc UAV này được gắn camera rẻ tiền, khiến việc ngắm bắn khó khăn hơn vào ban đêm hoặc trong thời tiết nhiều mây. Bên cạnh đó, chúng thường mang theo những loại đạn tự chế như lựu đạn hoặc bom tự chế đôi khi phát nổ khi đang bay. Trong một video được chia sẻ trên Telegram, 1 chiếc FPV của Ukraine còn bị kẹt ở cửa sổ phía trước của một chiếc xe tải của Nga và không phát nổ.

Tuy nhiên, việc Nga bọc thêm cho xe tăng một lớp kim loại và trang bị thêm thiết bị gây nhiễu là có lý do chính đáng. Theo ông Lee, Nga đang cạn kiệt xe bọc thép và xe tăng. Nếu Ukraine tiếp tục đánh tiêu hao và Nga tiếp tục gửi thêm xe tăng để thay thế những chiếc bị phá hủy, Moscow có thể mất lợi thế về số lượng xe tăng, khiến Nga gặp khó khăn hơn khi tiến hành tấn công trong tương lai.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/uav-cuu-tinh-hay-la-canh-bac-cua-ukraine-post788505.html