UAE 'ngư ông đắc lợi' từ nỗ lực giải cứu giá dầu của OPEC+

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đang hưởng lợi từ nỗ lực siết nguồn cung dầu của OPEC+ mặc dù quốc gia Trung Đông này từ chối tham gia cắt giảm tự nguyện sản lượng cùng Ả Rập Saudi.

Theo tờ Oilprice, UAE - nước sản xuất dầu lớn thứ 3 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), hồi tháng 7 vừa qua tuyên bố sẽ không tham gia cùng Ả Rập Saudi trong việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện, cho rằng việc cắt giảm của Riyadh là đủ để cân bằng thị trường.

OPEC+ hồi đầu tháng 6 đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu.

Điều này hầu như không gây ngạc nhiên khi UAE từ lâu đã lập luận rằng họ nên được phép khai thác nhiều hơn so với hạn ngạch hiện tại của OPEC. UAE đã nhận được một nhượng bộ lớn từ OPEC thông qua việc cho phép tăng hạn ngạch. Theo đó, UAE được phép tăng dần sản lượng 200.000 thùng/ngày đạt mức 3,2 triệu thùng/ngày vào năm 2024.

Nhưng UAE không cần phải đợi đến năm 2024 để hưởng lợi từ việc tiếp tục “bơm” thêm dầu ra thị trường. Giá “vàng đen” thế giới đã leo dốc tới 15% kể từ khi OPEC cùng các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, cắt giảm nguồn cung dầu cũng như việc Ả Rập Saudu tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng/ngày.

Trước đó, hồi tháng 6, OPEC cùng các nước đồng minh (OPEC+) đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu. Bên cạnh đó, Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, cũng thông báo mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7.

Trên thực tế, Ả Rập Saudi đang phải hy sinh “sản lượng dầu mỏ” của mình, nhưng UAE lại là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ nỗ lực giải cứu giá dầu của OPEC+.

Không những vậy, UAE đang lên kế hoạch tăng công suất khai thác dầu thô lên 5 triệu thùng/ngày vào năm 2027, cao hơn nhiều so với hạn ngạch 3 triệu thùng/ngày của OPEC.

"Ả Rập Saudi đang giảm kỷ lục nguồn cung dầu mỏ. Nga thông báo họ đang cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, UAE chỉ tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng chung của OPEC+ ở mức tối thiểu. Kết quả cuối cùng là Ả Rập Saudi nỗ lực hết mình để giúp giá dầu leo dốc hơn 15% so với tháng trước, và chính UAE lại nhận được lợi ích kinh tế lớn nhất” - chuyên gia Viktor Katona, trưởng bộ phận phân tích dầu thô tại Kpler, nói với trang Middle East Eye.

Hơn nữa, mức thu nhập trung bình của người dân UAE cao hơn nhiều so với Ả Rập Saudi. Do đó, chính quyền Riyadh sẽ phải lo ngại hơn về giá dầu trong ngắn hạn đối với chi tiêu của chính phủ. Với tốc độ khai thác dầu hiện tại, Ả Rập Saudi cần giá dầu ở mức giá 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách quốc gia.

Cắt giảm sản lượng sâu hơn?

UAE có thể chứng kiến doanh thu từ dầu mỏ tiếp tục tăng vọt nếu Ả Rập Saudi quyết định cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa trong trường hợp nhu cầu nhiên liệu suy yếu.

Ả Rập Saudi gần đây cảnh báo có thể giảm sản lượng lớn hơn. Ảnh: AP

Vào tháng trước, một số nhà phân tích hàng hóa đã dự đoán Riyadh sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện, nhưng sẽ nới lỏng bằng cách khôi phục 250.000-500.000 thùng/ngày vào tháng 9.

Tuy nhiên, đầu tháng 7, Ả Rập Saudi đã quyết định gia hạn việc cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến hết tháng 9, đồng thời cảnh báo có thể "kéo dài việc giảm nguồn cung, hoặc thậm chí giảm sản lượng lớn hơn.

Giới phân tích cho rằng triển vọng tăng trưởng nhu cầu yếu ớt của các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới như Trung Quốc có thể buộc Ả Rập Saudi giảm thêm sản lượng trong thời gian tới.

Theo dữ liệu mới nhất, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 7 giảm 2,412 triệu thùng/ngày xuống mức thấp nhất trong 6 tháng là 10,429 triệu thùng/ngày do lượng dự trữ suy yếu.

Trong khi đó, nhu cầu dầu của Ấn Độ trong tháng 7 đạt 4,70 triệu thùng/ngày, thấp hơn dự báo của giới phân tích Phố Wall là 4,83 triệu thùng/ngày. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu theo năm của quốc gia Nam Á giảm từ 190.000 thùng/ngày trong tháng 6 xuống còn 84.000 thùng/ngày trong tháng 7.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia năng lượng nhận định rằng khả năng Ả Rập Saudi tiếp tục siết nguồn cung dầu ra thị trường hiện không chắc chắn.

Các nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Standard Chartered đặt cược rằng Ả Rập Saudi sẽ không siết nguồn cung mạnh hơn vì tồn kho dầu mỏ có thể giảm mạnh trong thời gian tới. Hầu hết các chuyên gia năng lượng đã dự đoán rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ dần thắt chặt. Điều này sẽ thúc đẩy giá dầu trong những tháng cuối năm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước dự đoán nguồn cung dầu sẽ thiếu hụt khoảng 1,7 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay.

Theo các chuyên gia hàng hóa tại Standard Chartered, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ chứng kiến mức thâm hụt nguồn cung 2,81 triệu thùng/ngày trong tháng 8, khoảng 2,43 triệu thùng/ngày vào tháng 9, hơn 2 triệu thùng/ngày trong tháng 11 và tháng 12.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/uae-ngu-ong-dac-loi-tu-no-luc-giai-cuu-gia-dau-cua-opec.html