Tỷ phú vươn lên từ vùng trũng Mê Linh

Ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô Hà Nội, huyện Mê Linh giờ đây đã tạo ra tiếng vang lớn bởi mô hình kinh tế nông nghiệp trồng 50ha hoa sen kết hợp chè sen, giải quyết dứt điểm vấn đề bỏ hoang đồng ruộng vùng trũng.

Đó là mô hình kinh tế của nông dân Thủ đô tiêu biểu năm 2023 - Lã Quang Khanh (sinh năm 1975). Với khả năng kết nối, anh Khanh còn thành lập Hợp tác xã (HTX) làng nghề sen Mê Linh (thôn Liễu Trì và Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) với 10 thành viên, theo phương châm “muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

Không may mắn được ghé HTX làng nghề sen Mê Linh vào ngày những bông hoa sen bung nở tỏa ngát hương thơm, phủ kín một vùng, nhưng chúng tôi vẫn được thưởng thức trọn vẹn hương vị đó qua từng ngụm chè sen - một sản phẩm nổi bật mới của huyện Mê Linh.

 Khởi nghiệp với khoảng 5 ha trồng sen quỳ, giờ đây anh Khanh đã phát triển thành 50ha, lợi nhuận thu về trên dưới 8 tỷ đồng/năm.

Khởi nghiệp với khoảng 5 ha trồng sen quỳ, giờ đây anh Khanh đã phát triển thành 50ha, lợi nhuận thu về trên dưới 8 tỷ đồng/năm.

Xuất phát từ ước vọng đổi đời trên quê hương mình

Sinh ra trong một gia đình có tới 12 anh em, mỗi năm chỉ ngóng chờ vào hai vụ lúa nên lúc nào cũng rơi vào cảnh lam lũ, thiếu đói. Đến năm 1994, cùng với người dân Mê Linh, anh Khanh cũng chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang hoa hồng cắt cành.

“Cơn sốt” trồng hoa khiến cho ruộng đồng cày cấy bị bỏ hoang rất nhiều, cỏ mọc lên um tùm. Xót xa trước cảnh tượng ấy, anh Khanh đã nảy ra ý tưởng tận dụng toàn bộ diện tích này để phát triển thành mô hình kinh tế nông nghiệp trồng sen.

 Đầm sen 50ha, khu trồng hoa sen bách diệp của gia đình anh Khanh.

Đầm sen 50ha, khu trồng hoa sen bách diệp của gia đình anh Khanh.

Khó khăn chồng chất khó khăn, người làng gán cho cái mác gàn dở, là điên nhưng anh Khanh vẫn chưa một ngày bỏ cuộc. Được sự nhất trí, ủng hộ từ chính quyền địa phương, năm 2017, anh Khanh nhờ trưởng thôn phát loa thông báo và thuê được 20ha đầu tiên của 200 hộ dân với mức thuê là 25kg thóc/sào/năm.

Chính vì chưa có kinh nghiệm nên ở vụ sen đầu tiên trồng sen quỳ, anh Khanh phải đối mặt với việc không đủ chi phí trả tiền thuê ruộng, nhân công… khiến anh bị thua lỗ 300 triệu đồng.

Nhận ra những điểm yếu còn thiếu như kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn giống sen trồng không hợp với thổ nhưỡng, anh tìm đến nhiều chuyên gia nông nghiệp, tìm tòi rất nhiều tài liệu liên quan và nghiên cứu lựa chọn ra được ba loại sen thích hợp nhất để trồng, đó chính là bách diệp hồng Hồ Tây (chuyên dùng để ướp chè), bạch liên trắng và quan âm trắng (dùng để cắm trang trí).

 Sen bách diệp dùng để ướp chè sen.

Sen bách diệp dùng để ướp chè sen.

Anh Khanh cho biết, khi mạnh dạn chuyển đổi cây giống sang sen bách diệp là lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ, loài sen này có màu hồng và đạt tới 139 cánh/bông, năng suất ước tính 18.000 bông/ha chưa kể mùa bội thu con số có thể tăng lên rất nhiều. Hơn nữa, loài sen có có lợi thế về số lượng nhị và mùi thơm vượt trội. Thời gian thu hoa của sen bách diệp ngắn hơn rất nhiều, chỉ từ tháng 4 đến tháng 9.

 Sen quan âm trắng.

Sen quan âm trắng.

Sen quan âm trắng lại mang lại giá trị thẩm mỹ, một bông có thể đạt 316 cánh và 1ha thu được khoảng 25.000 bông. Cánh hoa được xếp dày, đường kính của hoa to và độ bền cao, cây sinh trưởng và phát triển khỏe, ít sâu bệnh. Thời gian hoa nở đẹp nhất từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 11.

Việc chuyển đổi giống cây mới tức phải nhổ bỏ toàn bộ giống cây cũ, điều này là vô cùng khó khăn với người nông dân. Nếu không quyết liệt thì các loại cỏ dại, ốc bươu vàng, cá… dưới đầm sẽ không được làm sạch, hạn chế sự phát triển toàn diện giống mới, dẫn đến bị lai tạp.

Muốn làm được điều ấy đòi hỏi sự kiên trì và thời gian, công sức bỏ ra vô cùng lớn khi diện tích cũ đã lên tới hơn 20ha. Chưa kể, năm 2021, khi thời tiết diễn biến phức tạp một lần nữa ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây sen. Nhất là từ tháng 5 đến tháng 7, thời tiết nắng nóng, mưa dông khiến mực nước liên tục biến động, cây sen vì thế cũng bén rễ, hồi xanh, phát triển chậm. Vì vậy, anh phải bơm nước liên tục ra khỏi đầm nhằm đảm bảo cho cây sen sinh trưởng tốt nhất.

Quả ngọt sau những vấp ngã

Những nỗ lực của anh Khanh giờ đây đã có thể hái được quả ngọt, toàn bộ quy mô đã được nâng từ 20ha lên hơn 50ha, phủ kín những giống sen mới. Cứ vào độ thu hoạch từ tháng 5 - tháng 9 hằng năm, khu vực đầm sen tựa như một bức họa tuyệt sắc.

 Anh Khanh giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

Anh Khanh giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

Vào thời gian cao điểm, trung bình một ngày anh Khanh thu được khoảng gần 10.000 bông sen, cả vụ sen rồi anh đã đạt hơn 1 triệu bông, doanh thu cả bán hoa sen và chè sen khi chưa khấu trừ các loại chi phí là 8 tỷ đồng.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, các lái buôn ở nhiều nơi cứ thể đổ về mua sen với số lượng lớn. Giá hoa sen Mê Linh bán ra cho thương lái cũng cao hơn nhiều so với hoa sen truyền thống ở một số vùng.

Tận dụng tối đa về nguồn lực cũng như vật lực, anh Khanh còn đầu tư hai kho lạnh vói sức chứa 2 tấn chè sen để ướp chè sen mang thương hiệu Mê Linh. Việc tận dụng giống sen bách diệp để làm trà cũng là một trong những cách giúp gia đình anh Khanh có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, để làm ra những sản phẩm chất lượng và nhận được sự tin tưởng của người dùng, thời gian đầu, anh Khanh cũng chưa thực sự thuần thục kỹ thuật ướp chè sen, nhất là đối với người dân Mê Linh quanh năm chỉ trồng hoa hồng cắt cành.

 Chè sen được sấy khô bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Chè sen được sấy khô bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Trải qua nhiều lần thử nghiệm cách ướp trà, mày mò học hỏi kinh nghiệm ở những nơi có nghề làm chè sen nổi tiếng, anh Khanh cùng nhiều bà con ở Mê Linh dần dần đã bén duyên với nghề ướp chè sen, tạo ra những bông chè sen chất lượng cả về hương và vị.

Sau khi nắm bắt được kỹ thuật làm chè sen và sản xuất được những sản phẩm chất lượng, bài toán tiếp theo chính là tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Khanh bắt đầu từ chính thương lái mua sen, mời họ dùng thử khi tới mua hoa. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều thương lái và người tiêu dùng biết tới chè sen của Mê Linh.

 Thành phẩm chè sen thương hiệu Mê Linh được đóng hộp và trưng bày tại HTX làng nghề sen Mê Linh.

Thành phẩm chè sen thương hiệu Mê Linh được đóng hộp và trưng bày tại HTX làng nghề sen Mê Linh.

Hiện nay, chè sen của anh Khanh được sản xuất đại trà từ chè Tân Cương (Thái Nguyên). Sau khi trải qua các quy trình ướp đặc biệt, những bông chè sen thành phẩm sẽ được hút chân không, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thời gian sử dụng lâu dài. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể tùy ý chọn loại chè cùng với số lượng bông sen đóng trong từng gói. Sự linh hoạt này giúp cho HTX của anh Khanh có nhiều đơn đặt hàng hơn.

Bắt kịp xu thế 4.0, chuyển đổi số trong kinh tế nông nghiệp địa phương, anh Khanh còn tạo ra các nền tảng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu của làng quê Mê Linh. Không chỉ có vậy, nhằm tận dụng tối đa thời gian sen lụi vào những tháng cuối năm, anh Khanh thực hiện thêm mô hình thả xen canh các loại cá lóc, cá trắm đen trong đầm hoặc chăn nuôi vịt, góp phần gia tăng giá trị kinh tế.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ty-phu-vuon-len-tu-vung-trung-me-linh-743109