Tỷ lệ văn phòng bỏ trống tại TP HCM sẽ duy trì ở mức cao trong giai đoạn 2024-2026

Thị trường văn phòng tại TP HCM liên tục đón nhận thêm nhiều nguồn cung từ các sản phẩm mới trong giai đoạn này, dẫn tới việc tỷ lệ bỏ trống của thị trường văn phòng sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 20%.

Theo số liệu của CBRE cho thấy, tỷ lệ văn phòng bỏ trống tại TP HCM trong năm 2023 đã đạt gần mức 20%, tăng 12,5% theo năm. Đặc biệt là tại phân khúc văn phòng hạng B cũng trong xu hướng gia tăng tỷ lệ trống ở cả hai thành phố. Còn theo JLL, tình trạng trống văn phòng hạng A tại TP HCM có xu hướng cải thiện hơn vào quý IV/2023 nhưng so với năm 2022, tỷ lệ này vẫn tăng gần 8%.

Mới đây, Cushman & Wakefield Việt Nam cũng nhận định mặc dù tỷ lệ hấp thụ được nhận định sẽ tăng dần từ năm 2024 nhờ nguồn cung mới chất lượng cao hơn và điều kiện kinh tế được cải thiện, nhưng tỷ lệ trống văn phòng dự kiến trên 20% trong suốt năm 2024–2026, do đón nguồn cung mới liên tục.

Nguyên nhân của việc tỷ lệ bỏ trống liên tục tăng và duy trì ở mức cao được các tổ chức nghiên cứu nhận định là do nguồn cung liên tục tăng cao. Báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, nguồn cung hạng A mới dự kiến tại khu vực trung tâm TP HCM vào năm 2024–2025 nằm ở ba dự án, đóng góp tổng cộng 118.700 m2 diện tích văn phòng cao cấp cho thị trường. Khoảng 81.000 m2 nguồn cung hạng A bổ sung cũng được dự kiến hoàn thành từ khu vực ngoài trung tâm trong giai đoạn 2024–2026.

Tỷ lệ bỏ trống của thị trường văn phòng tại TP HCM dự kiến sẽ kéo dài do nguồn cung tăng cao.

Cũng vì ảnh hưởng của việc tăng nguồn cung, khách thuê có nhiều lựa chọn hơn về mặt bằng chất lượng cao, giá thuê cạnh tranh và xuất hiện sự chuyển dịch văn phòng sang khu vực mới. Đặc biệt như tại khu vực Thủ Thiêm hay quận 7, có vị trí gần trung tâm thành phố nhưng liên tục đưa ra các sản phẩm mới với giá thuê cạnh tranh, áp dụng công nghệ mới. Cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông, các sản phẩm mới này đã tác động không nhỏ đến các sản phẩm văn phòng cũ, đặc biệt là trong phân khúc hạng B tại trung tâm.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết thêm, doanh nghiệp toàn cầu đang thực hiện các cam kết Net Zero, vì vậy, bất động sản có tích hợp yếu tố ESG sẽ là điểm quan trọng giúp đáp ứng mục tiêu của họ. Đơn cử như một công ty dịch vụ công nghệ, ngân hàng hay công ty bảo hiểm – thì có tới 80 hoặc 90% lượng khí thải carbon của họ có thể đến từ bất động sản.

“Đây là một phần lý do tại sao chúng tôi nhận thấy khách thuê đang dần chuyển ưu tiên từ tập trung vào vị trí, giá thuê và tiện nghi sang những gì tòa nhà có thể cung cấp nhằm giúp họ đạt được mục tiêu bền vững”, bà Trang nhấn mạnh.

Cũng theo Cushman & Wakefield, tỷ lệ trống của thị trường văn phòng do nguồn cung tăng là tình trạng chung của thị trường Châu Á Thái Bình Dương. Khoảng một nửa trong số 25 thị trường khu vực này được dự báo sẽ có tỷ lệ trống tăng trong khoảng thời gian từ 2023 đến 2027.

Tỷ lệ trống tăng lớn nhất được dự báo ở Quảng Châu (lên gần 30% vào năm 2027 từ 20% vào năm 2023) và Thâm Quyến (lên gần 35% vào năm 2027, từ mức 27% vào năm 2023). Hyderabad, Kuala Lumpur và Bangkok cũng được dự báo sẽ vượt quá tỷ lệ trống 25% vào năm 2027.

Cá biệt tại Singapore và Seoul đều dự kiến sẽ duy trì tỷ lệ trống dưới 5% trong khi Tokyo và Manila được dự báo dưới 7% cho đến năm 2027. Các thị trường trọng điểm của Australia có thể sẽ giảm vẫn ổn định ở mức khoảng 10%.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ty-le-van-phong-bo-trong-tai-tp-hcm-se-duy-tri-o-muc-cao-trong-giai-doan-2024-2026-post285912.html