Tỷ lệ sinh giảm mạnh, 'bát cơm sắt' của Trung Quốc gặp nguy

Được coi là một trong những 'bát cơm sắt' của Trung Quốc, giảng dạy vẫn là lựa chọn được nhiều người tìm việc ở Trung Quốc săn đón trong thời đại kinh tế bất ổn. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh giảm mạnh được cho là sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa giáo viên và hàng triệu người có thể sẽ mất việc trong 10 năm tới.

Chuyển đổi nhân khẩu học

Với số lượng người về hưu tăng nhanh và số trẻ sơ sinh giảm mạnh, Trung Quốc đang trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học có tác động sâu rộng, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm hơn và hệ thống an sinh xã hội căng thẳng.

Số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ năm 2017.

Số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc đã rơi tự do kể từ năm 2017, với số ca sinh giảm hơn 500.000 vào năm ngoái xuống còn hơn 9 triệu.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, trong năm 2021, số lượng trẻ em học mẫu giáo chứng kiến sự sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2003, tiếp theo là mức giảm 3,7% vào năm 2022.

Năm 2022, tổng số học sinh tiểu học cũng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2013, giảm 478.800 so với một năm trước đó xuống còn 107 triệu.

Ông Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, cho biết: “Với ít học sinh hơn, chắc chắn sẽ có tình trạng dư thừa tại các trường học trong một khoảng thời gian nhất định hoặc một khu vực nhất định”.

Tuy nhiên, ông cho biết mức độ ảnh hưởng phần lớn phụ thuộc vào hành động của chính quyền trong những năm tới.

“Theo nghiên cứu thực địa của tôi, vì gánh nặng tài chính, chính quyền địa phương chắc chắn sẽ tuyển ít giáo viên hơn trong năm nay”, ông Chu phán đoán.

Chính quyền địa phương vào cuộc

Chính quyền các địa phương Trung Quốc đang chịu áp lực tài chính ngày càng tăng khi cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản, nguồn thu nhập quan trọng nhất của họ, chưa có dấu hiệu giảm bớt. Đồng thời các thách thức khác bao gồm nhu cầu trong nước và bên ngoài yếu đã cản trở sự phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Các trường học ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã bị quá tải học sinh.

Sở giáo dục tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc đã ban hành chỉ thị vào tháng 11 năm ngoái kêu gọi phân bổ nguồn lực giáo dục tốt hơn trong 5 đến 10 năm tới dựa trên tỷ lệ sinh, đô thị hóa và số trẻ em trong độ tuổi đi học.

Trong năm qua, một loạt chính quyền địa phương khác, chẳng hạn như ở Sơn Đông và Tứ Xuyên, đã công bố kế hoạch không còn cung cấp các chương trình cấp bằng lớn liên quan đến giáo dục tại một số trường đại học và cao đẳng nhằm hạn chế nguồn cung giáo viên.

Các trường học ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã đông đúc học sinh, với số lượng lên tới 50 học sinh trong một lớp ở một số khu vực thành thị và khoảng 30 học sinh ở hầu hết các vùng nông thôn.

Nếu việc này vẫn tiếp tục duy trì, sẽ có dư thừa 1,5 triệu giáo viên tiểu học và 370.000 giáo viên trung học vào năm 2035, theo nhóm nghiên cứu của giáo sư Qiao Jinzhong tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh thực hiện.

Bên cạnh nỗ lực sáp nhập các trường để tập trung nguồn lực, số lượng trường học bị thu hẹp còn do áp lực giảm số lượng học sinh.

Xu hướng này có thể khiến các trường công giảm quy mô lớp học để tránh tình trạng sa thải, điều này cũng sẽ cho phép giáo viên tăng thời gian dành cho mỗi học sinh, bà Maggie Chen, giáo viên ở tỉnh Chiết Giang, cho biết.

“Nhưng mọi thứ có thể tàn khốc hơn nhiều ở các trường tư, nơi có áp lực tài chính lớn hơn và có lớp học với số lượng học sinh ít hơn. Sẽ có khả năng lớn là sẽ bị đào thải”, bà cho biết thêm.

Cơ hội cải thiện chất lượng giáo dục

Ông Huang Bin, giáo sư tại Viện Giáo dục Đại học Nam Kinh, cho rằng đây là cơ hội để Trung Quốc cải thiện chất lượng giáo dục, điều rất quan trọng để hiện thực hóa tham vọng thu hút nhân tài của Bắc Kinh, một khái niệm ám chỉ lực lượng lao động được giáo dục tốt hơn.

Ông Huang Bin, giáo sư tại Viện Giáo dục Đại học Nam Kinh, cho rằng đây là cơ hội để Trung Quốc cải thiện chất lượng giáo dục.

“Nhiều giáo viên có trình độ kỹ năng tương đối thấp, đặc biệt là những giáo viên ở các trường nông thôn. Điều có ý nghĩa to lớn là thúc đẩy việc nâng cấp giáo viên nông thôn thông qua việc thanh lọc lại hệ thống giáo viên”, ông Huang cho hay.

Bất chấp chiến dịch trấn áp sâu rộng hoạt động dạy thêm vào năm 2021 nhằm giảm bớt gánh nặng cho học sinh và cải thiện sự bình đẳng trong giáo dục, phần lớn phụ huynh vẫn căng thẳng về việc học tập của con cái họ.

Theo một cuộc khảo sát của nền tảng tin tức công nghệ trực tuyến Youth36kr vào tháng 5/2023, hơn 72% trong số 535 phụ huynh được thăm dò bày tỏ mức độ lo lắng cao, đánh giá mức độ lo lắng trên 5 trên thang điểm 10.

Điều này không chỉ gây áp lực nặng nề lên trẻ em, dẫn đến các vấn đề về thể chất và tâm lý, mà còn góp phần khiến giới trẻ ngày càng không muốn nuôi con bất chấp chính sách thúc đẩy sinh thêm của chính phủ.

Minh Đăng

Theo SCMP

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ty-le-sinh-giam-manh-bat-com-sat-cua-trung-quoc-gap-nguy-20180504224295180.htm