Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tại Mỹ tăng cao kỷ lục

Cục Thống kê Lao động Mỹ ngày 7/7 công bố số liệu cho thấy tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 6/2023, đạt 77,8%.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tại Mỹ tăng cao kỷ lục. Ảnh: TTXVN

Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tại Mỹ tăng cao kỷ lục. Ảnh: TTXVN

Bà Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng của nền tảng việc làm trực tuyến ZipRecruiter, chỉ ra rằng tỷ lệ người dân có việc làm trên tổng dân số tiếp tục tăng, đạt 80,9%. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2001. Đối với phụ nữ, tỷ lệ này đạt mức cao kỷ lục 75,3%.

Tăng trưởng việc làm dự kiến sẽ duy trì sức mạnh, một phần nhờ các ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch bắt đầu tăng tốc tuyển dụng lao động. Thực tế hiện nay, các nhà hàng hoặc sân bay tại Mỹ vẫn đang thiếu nhân lực.

Tháng Sáu là tháng thứ ba liên tiếp tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 25-54 tham gia lực lượng lao động đạt mức cao kỷ lục. Sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động đã hồi phục sau đại dịch. Trong những năm trước khi COVID-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ tăng nhanh hơn so với nam giới.

Các lý do cụ thể như các ngành dịch vụ như y tế hay chăm sóc sức khỏe cần nhiều lao động là phụ nữ hơn, trình độ học vấn của phụ nữ tăng đáng kể; và phụ nữ cũng thâm nhập nhiều hơn vào các lĩnh vực do nam giới thống trị như xây dựng, nông nghiệp, sửa chữa và bảo trì.

Đến tháng 2/2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ là 77% - chỉ thấp hơn so với mức kỷ lục 77,3% được ghi nhận trong “kỷ nguyên dot-com”. Nhưng đến tháng 4/2020, tỷ lệ này giảm mạnh xuống còn 73,5% khi đại dịch “đóng băng” nền kinh tế Mỹ, khiến hơn 20 triệu người mất việc làm. Tuy nhiên, khi kinh tế đất nước phục hồi trong những tháng tiếp theo, mức tăng của lực lượng lao động nữ không ngang bằng với nam giới.

Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các lĩnh vực như giải trí, khách sạn, giáo dục và dịch vụ y tế - những ngành mà phụ nữ chiếm phần lớn lực lượng lao động. Ngoài ra, tình trạng mất việc làm và sự phục hồi việc làm ảm đạm trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em đã cản trở khả năng quay trở lại thị trường của người lao động nữ.

Tuy nhiên, giờ đây, sự phát triển và phục hồi kinh tế sau đại dịch đã tạo ra động lực thuận lợi để phụ nữ tham gia trở lại lực lượng lao động. Nhìn chung, các công việc ngày càng linh hoạt khi làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn. Điều đó giúp các hộ gia đình cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em với lịch trình cho phép đưa và đón trẻ dễ dàng hơn.

Hơn nữa, tình trạng thiếu lao động - chủ yếu do một số lượng lớn người sinh năm 1946-1964 nghỉ hưu, đại dịch kéo dài và tâm lý coi trọng sức khỏe hơn đã tạo điều kiện cho người lao động được tăng lương, đặc biệt là với những công việc được trả lương thấp.

Dù vậy, lao động nữ vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản khi tìm kiếm việc làm. Thu nhập của phụ nữ vẫn thấp hơn nhiều so với nam giới. Vào năm 2022, phụ nữ ở Mỹ kiếm được khoảng 82 xu Mỹ so với 1 USD mà lao động nam giới kiếm được, theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew công bố vào tháng 3/2023. Con số này không thay đổi so với mức 80 xu Mỹ ghi nhận trong năm 2002.

Theo nghiên cứu của Trường Kinh doanh Kenan-Flagler thuộc Đại học Bắc Carolina, mặc dù số lượng phụ nữ đông hơn nam giới trong lực lượng lao động Mỹ, nhưng công việc của phụ nữ có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn khi các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) được áp dụng phổ biến. Ước tính 79% phụ nữ đang có việc làm (gần 59 triệu người) đang làm trong những ngành nghề dễ bị gián đoạn bởi tự động hóa. Tỷ lệ này cao hơn so với 58% lao động nam giới.

Dù vậy, nhà kinh tế trưởng Dana Peterson của tổ chức nghiên cứu Conference Board (Mỹ) nhận định, theo thời gian AI có thể thay thế một số công việc nhưng mọi người luôn tìm ra việc khác để làm. AI có thể phá hủy việc làm trong thời gian ngắn, nhưng cũng tạo ra việc làm mới và những cơ hội khác. Công nghệ sẽ giúp mọi người nâng cao năng suất trong công việc hiện tại của họ./.

Mai Ly (Theo CNN)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ty-le-phu-nu-tham-gia-luc-luong-lao-dong-tai-my-tang-cao-ky-luc/298586.html