Tỷ lệ nhiễm tăng nhanh ở Hà Nội, TP.HCM vượt nửa triệu ca mắc

Đồ thị số ca mắc Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam có chiều hướng giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao, trên 15.000 ca/ngày.

Trong ngày 26/12, thống kê của Bộ Y tế cho thấy cả nước ghi nhận thêm 15.218 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 36 ca nhập cảnh và 15.182 ca ghi nhận tại 62 tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, một số tỉnh, thành phố từng ghi nhận số lượng ca mắc rất cao đã có sự suy giảm, trong khi đó, một số địa phương lại tăng nhanh ca nhiễm như Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa.

Tỷ lệ nhiễm tăng nhanh ở Hà Nội cao nhất cả nước

Trong ngày 26/12, Hà Nội ghi nhận 1.887 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1.321 ca bệnh được phát hiện tại các khu cách ly.

Các trường hợp còn lại được phát hiện qua sàng lọc cộng đồng (794) và khu phong tỏa (122), theo Sở Y tế Hà Nội. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Y tế, Hà Nội bước sang ngày thứ 7 đứng đầu cả nước về số ca nhiễm mới với 1.910 F0.

Nguồn: CDC Hà Nội.

Thành phố có 19.730 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn và cách ly, theo dõi tại nhà, có 205 bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tầng điều trị.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà lý giải mầm bệnh đã ở trong cộng đồng, các hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại sau giai đoạn giãn cách.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng khí hậu mùa đông - xuân cũng là điều kiện thuận lợi để virus phát triển, đặc biệt là tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân khi đã tiêm vaccine.

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất của UBND TP Hà Nội, toàn thành phố Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch. 21 quận, huyện ở cấp độ 2; huyện Phúc Thọ ở cấp độ 1; không có quận, huyện nào ở cấp độ 4.

Trong 14 ngày gần đây, có 67 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng, phân bổ theo các quận, huyện thị xã như sau: Ba Đình 9 đơn vị, Đống Đa 11 đơn vị, Gia Lâm 1 đơn vị, Hà Đông 3 đơn vị, Hai Bà Trưng 12 đơn vị, Hoàn Kiếm 4 đơn vị, Hoàng Mai 12 đơn vị, Long Biên 3 đơn vị, Nam Từ Liêm 2 đơn vị, Tây Hồ 5 đơn vị, Thanh Trì 5 đơn vị.

Ngoài ra, 116 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2 trong phòng chống dịch; 396 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; không có đơn vị nào ở cấp độ 4.

Dịch tại TP.HCM đang suy giảm

Ngày 26/12, TP.HCM có 544 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Đây là số lượng F0 thấp nhất tại thành phố này trong suốt hơn 5 tháng qua.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, TP.HCM đã có tổng cộng 500.697 ca mắc Covid-19. Như vậy, kể từ đầu đợt bùng phát dịch lần 4 đến nay, thành phố này là nơi ghi nhận số ca nhiễm CoV cao nhất và mức độ lây nhiễm nghiêm trọng nhất cả nước.

Sau nhiều đợt giãn cách xã hội với cấp độ khác nhau, từ ngày 1/10, TP.HCM chính thức chuyển sang giai đoạn "bình thường mới". Hàng nghìn nhân viên y tế các địa phương cùng lực lượng quân đội cũng rút khỏi thành phố sau thời gian dài chi viện.

Chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao được triển khai từ đầu tháng 12 đã tác động khả quan đến tình hình điều trị tại TP.HCM. Hiện số ca nhiễm mới, ca bệnh nặng và tử vong tại thành phố này đều có chiều hướng giảm.

Nhiều địa phương chưa giảm ca nhiễm

Từ đầu tháng 11 đến nay, số ca nhiễm tại tỉnh Tây Ninh có chiều hướng tăng dần và duy trì liên tiếp ở mức trên 500 ca/ngày cho đến nay. Ngoài TP.HCM và Bình Dương, đây là địa phương liên tiếp nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhất trong ngày theo công bố của Bộ Y tế.

Đến nay, Tây Ninh đã vượt Long An, đứng thứ 4 trong danh sách các tỉnh, thành phố có tổng ca nhiễm cao nhất tại Việt Nam.

Tương tự tỉnh Tây Ninh, từ đầu tháng 11 đến nay, Vĩnh Long liên tiếp ghi nhận hàng trăm ca nhiễm nCoV trong ngày. Từ ngày 26/11, tỉnh này luôn duy trì ở mức trên 500-800 ca nhiễm/ngày.

Trung bình 14 ngày qua, Vĩnh Long phát hiện khoảng 600-700 ca mắc mới, tổng số F0 ghi nhận trong nửa tháng gần 10.000 ca.

Trong tuần qua, tỉnh Khánh Hòa cũng là địa phương ghi nhận số ca nhiễm rất cao. Trung bình trong 7 ngày qua, tỉnh này có đến 777 ca mắc Covid-19 mới. Tổng số ca trong tuần cũng có hơn 5.400.

Hải Phòng cũng có đến 267 ca mắc Covid-19 trong ngày 26/12. Mới đây, UBND tỉnh này đã đề nghị các địa phương khẩn trương tiêm vaccine phòng Covid-19 liều cơ bản, liều bổ sung và nhắc lại; Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác cách ly, điều trị F0 tại nhà và tại các cơ sở y tế.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế Hải Phòng tăng cường giám sát, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu hàng không, hàng hải; tăng cường cập nhật thông tin về biến thể Omicron SARS-CoV-2, chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, can thiệp hiệu quả.

Sau đợt bùng phát dịch lần thứ 3, Hải Dương là địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và có số ca lây nhiễm cao nhất. Đến từ ngày 29/4, khi dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng cả nước, các tỉnh từng là tâm dịch như Hải Dương, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang cũng tiếp tục ghi nhận ca nhiễm tăng cao.

Theo CDC Hải Dương, tính đến sáng 26/12, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam tiếp tục ghi nhận thêm 16 ca dương tính cư trú ở huyện Cẩm Giàng và Bình Giang, được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc công nhân, người lao động.

Huyện Cẩm Giàng chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương phối hợp thực hiện công tác truy vết, xét nghiệm và tổ chức việc cách ly. Hiện tỉnh Hải Dương có tổng cộng ca dương tính, đa số là công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, từ ngày 26/10 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.600 ca mắc Covid-19.

Tuy nhiên, các chùm ca bệnh ghi nhận tại khu công nghiệp vẫn khiến ngành y tế tỉnh gặp nhiều khó khăn. Theo dự báo của ngành y tế tỉnh này, những ngày tới, có thể sẽ tiếp tục xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng liên quan vùng dịch Hà Nội, Bắc Ninh, các tỉnh miền Nam về và ca bệnh chưa rõ nguồn lây.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêm được trên 2,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó người trên 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt trên 99%, mũi 2 đạt trên 87%, mũi 3 đạt trên 25%.

Bảo vệ người nguy cơ cao trên toàn quốc

Trong công điện mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình dịch trong nước cơ bản được kiểm soát, song số ca bệnh mới có xu hướng tăng, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ở một số địa phương chưa giảm.

Xác định ca bệnh tăng nặng và tử vong vẫn chủ yếu thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, kể cả người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19), người đứng đầu Chính phủ đề nghị lãnh đạo các địa phương quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn.

Song song với đó, địa phương cần tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang được điều trị và nhu cầu hỗ trợ.

Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm vét vaccine, thành lập các tổ tiêm vaccine đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không di chuyển được.

Trước đó, Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" bằng các biện pháp gồm: rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vaccine phòng Covid-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch) để tiêm đầy đủ vaccine ngay cho đủ liều.

Cập nhật đến 14h ngày 26/12, cả nước đã tiêm trên 145,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 133.473.771 liều, trong đó có 69.577.941 mũi một, 61.618.429 mũi 2, 1.115.915 mũi 3 (đối với vaccine Abdala), 377.729 liều bổ sung và 783.757 liều nhắc lại.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ty-le-nhiem-tang-nhanh-o-ha-noi-tphcm-vuot-nua-trieu-ca-mac-post1285720.html