Tỷ lệ lao động lĩnh vực nông nghiệp có việc làm sau đào tạo đạt từ 80% đến 85%

Tiếp tục thực hiện Chương trình giám sát 'Về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với người lao động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang', ngày 25-4, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Tham dự buổi giám sát có đồng chí Trần Thanh Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu tại buổi giám sát.

Theo Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp đặt ra mục tiêu đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Bình quân hằng năm toàn tỉnh đào tạo khoảng 1.500 lao động. Trong giai đoạn năm 2021 - 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 87 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với hơn 2.690 học viên tham dự, tổng kinh phí thực hiện hơn 2,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 1,8 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện hơn 930 triệu đồng, huy động nguồn vốn khác hơn 40 triệu đồng. Nghề đào tạo mà người lao động chọn chủ yếu thuộc lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Theo đó, nghề trồng trọt chủ yếu là trồng và chăm sóc cây ăn quả như: Sầu riêng, thanh long, dừa, lúa, rau an toàn, nấm rơm; đối với nghề chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi bò, gà, dê…

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân phát biểu tại buổi giám sát.

Người lao động sau khi học nghề đã nắm bắt được các tiến bộ khoa học để áp dụng vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, giảm chi phí, nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm, từ đó tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đồng thời nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh từ 51,5% năm 2021 lên 54% năm 2023. Theo thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đối với lĩnh vực nông nghiệp đạt từ 80% đến 85%.

Đại biểu phát biểu tại buổi giám sát.

Phát biểu kết luận tại các buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, không chỉ là Hội Nông dân, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân dễ dàng tiếp cận được chính sách; cải tiến chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng đào tạo cho đội ngũ giảng viên phù hợp với đối tượng được đào tạo, tập huấn; thường xuyên phối hợp với các địa phương, cơ sở đào tạo nghề rà soát, đánh giá nhu cầu học nghề của người lao động, từ đó xây dựng kế hoạch phù hợp; đồng thời, hoàn thiện báo cáo gửi lại Đoàn giám sát tổng hợp làm cơ sở kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xem xét sửa đổi chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế.

HỮU TÂM - HUY LÊ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202404/ty-le-lao-dong-linh-vuc-nong-nghiep-co-viec-lam-sau-dao-tao-dat-tu-80-den-85-1008971/