Twitter (nay là X) 18 tuổi vẫn chưa trưởng thành

Hai cuốn sách mới về mạng xã hội X dưới sự quản trị của hai lãnh đạo Jack Dorsey và giờ là Elon Musk miêu tả một nền tảng đang lung lay vì người dùng bất mãn và quản lý kém.

Ảnh: Variety.

Tháng 3, nền tảng X, trước có tên gọi Twitter sẽ tròn 18 tuổi - tính theo tuổi người là đến tuổi trưởng thành, dẫu mạng xã hội này dường như còn kẹt lại với tuổi thiếu niên ngây ngô. Theo The New York Times, hai cuốn sách mới xuất bản gần đây đã mô tả quá trình nền tảng này đấu tranh để dung hòa hai mục tiêu quan yếu: thúc đẩy tự do ngôn luận theo chủ nghĩa tự do công nghệ và thôi thúc kiếm lợi nhuận của chủ nghĩa tự do công nghệ.

Battle for the Bird

Cuốn sách Battle for the Bird (tạm dịch:Cuộc chiến vì cánh chim - ám chỉ đến logo của Twitter) của nhà báo Kurt Wagner (cây bút của Bloomberg) ghi lại lịch sử của X dưới thời Dorsey và Musk. Trong những trang mở đầu, Wagner kể chuyện Jack Dorsey, một trong số người sáng lập và hai lần làm giám đốc điều hành Twitter thích đưa ra những tuyên bố khoa trương về việc nuôi dưỡng “sự tỉnh thức toàn cầu”.

Sách Battle for the Bird. Ảnh: NYT.

Hơn 200 trang sau, Wagner thuật lại chuyện doanh nhân tỷ phú Elon Musk, sau khi mua lại nền tảng này vào tháng 10/2022 và từ đó đổi tên thành X, nhất quyết đích thân giải quyết các khiếu nại của một người dùng nổi tiếng có tên @catturd2.

Wagner tiếp cận Twitter ở góc độ câu chuyện kinh doanh, đặc biệt chú ý đến sự khó chịu của Dorsey trước áp lực điều hành một công ty đại chúng. Dorsey chưa bao giờ trả lời yêu cầu phỏng vấn của Wagner.

Trong cuốn sách, Wagner mô tả Dorsey là người có kỳ vọng lớn (dẫu mơ hồ) dành cho mạng xã hội này. Song ngày ông càng giữ mình ở thế xa cách - đi khóa tu tịnh khẩu kéo dài 10 ngày ở Myanmar; ẩn náu trong khu nghỉ dưỡng ở Polynesia thuộc Pháp; bất ngờ thông báo trên Twitter mà không báo cho nhân viên biết trước rằng ông dự định sống nửa năm ở châu Phi (ý tưởng đã bị gác lại do đại dịch).

Một số quyết định trọng đại Dorsey khi giữ ghế giám đốc điều hành là tập trung vào tin tức, thậm chí định danh thương hiệu Twitter trong cửa hàng ứng dụng của Apple, biến mạng xã hội này thành nơi đưa tin trực tiếp về các sự kiện nóng hổi.

Tuy nhiên, ông cũng thấp thỏm với cái giá phải trả và trách nhiệm của một tổ chức tin tức thực sự, nhấn mạnh Twitter chỉ đơn thuần là nền tảng cho hỗn tạp các tiếng nói. Dorsey dường như không bận tâm đến việc Twitter đang khuếch đại những lời hùng biện mang tính kích động của Donald Trump cho đến tận lúc Trump bị cấm vào tháng 1/2021 vì kích động một cuộc nổi dậy. Năm 2016, Dorsey nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần nghe đa chiều để tìm được điểm cân bằng” .

Nhưng tìm kiếm cân bằng với các nhà quảng cáo lại là vấn đề khác. Wagner cho thấy Dorsey ngày càng bận tâm với các vấn đề mới như Bitcoin (“Hy vọng của tôi là nó tạo ra hòa bình thế giới”) và bớt tha thiết Twitter, nơi các nhà quảng cáo gây áp lực liên tục kiếm lời. Vào thời điểm bắt đầu khuyến khích Musk mua lại công ty, Wagner cho rằng “Dorsey đã mất hứng thú với việc điều hành Twitter” và Dorsey nói ông tin tưởng Musk “lan rộng ánh sáng của tỉnh thức”.

Wagner viết rằng Musk “thường nói điều đối tác muốn nghe rồi lại làm chuyện khiến họ lắc đầu không tin nổi”. Tác giả tiếp tục mô tả Musk đã rút ruột công ty: sa thải phần lớn nhân viên; chỉ đạo nhân viên ở lại “thử nghiệm những thứ kỳ lạ” rồi quay lưng khi những rủi ro đó không mang lại hiệu quả; khôi phục các tài khoản bị cấm đồng thời trấn áp những phát biểu mà ông không thích.

Extremely Hardcore

Một cuốn sách mới khác, Extremely Hardcore của Zoë Schiffer, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về nội bộ công ty dưới thời Musk. Tựa sách lấy từ bản ghi nhớ Musk gửi cho nhân viên của Twitter ngay sau khi mua lại công ty.

Sách Extremely Hardcore. Ảnh: NYT.

Schiffer sắc sảo nhận định: “Điều khiến Musk giỏi tweet - kết hợp tính liều lĩnh và vô liêm sỉ - lại khiến ông điều hành Twitter cực kỳ tệ”.

Độc giả được thấy Twitter dưới thời Musk qua góc nhìn của một số nhân viên. Trong đó có một người thích thú chuyện Musk khiến đời sống văn phòng trở nên tàn nhẫn và “cắt cổ” hơn. Do đó anh càng thêm sốc khi chính mình bị sa thải, được cho là vì đã rò rỉ thông tin cho Schiffer, một điều anh không hề làm.

Là tổng biên tập của Platformer - bản tin bao gồm các mạng xã hội, Schiffer chú ý đến mối liên hệ giữa văn hóa và mô hình kinh doanh của X. Musk đối xử với nhân viên như vật dụng chứ không phải con người. Ông sa thải họ nhanh chóng và thô bạo đến mức đôi lần nền tảng chừng như không còn hoạt động được.

Vốn nghiện đăng tải, Musk tưởng lầm rằng một nhân viên bất mãn đang hạn chế số lượt “thích” các bài đăng của mình khi ông không nhận được phản hồi như mong đợi. Một kỹ sư lâu năm nói với Musk rằng mức độ tương tác giảm hoàn toàn do “tự nhiên” ngay lập tức bị sa thải.

Schiffer xem xét vào đầu năm 2023, trong đó các nhân viên lao vào một “cuộc đua marathon công việc dẫn đến việc Twitter quảng cáo các dòng tweet của Musk một cách giả tạo”.

Dường như mạng xã hội này kém hiệu quả khi dành nguồn lực lớn để cải thiện trải nghiệm Twitter của một người, chưa kể đến tính độc đoán đa nghi. Sau khi Schiffer công bố một báo cáo về Platformer, Musk đã đe dọa sẽ có hành động pháp lý với nguồn tin này.

Theo Schiffer, dù khăng khăng rằng đã hủy bỏ các quy tắc kiểm duyệt nội dung để thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, nhưng Musk cũng đã cần mẫn tuân thủ theo các yêu cầu kiểm duyệt từ các chế độ độc tài. Đây là động thái nhượng bộ dễ dàng hơn so với thời trước khi ông tiếp quản X.

Ở phần cuối cuốn sách, cô kể lại chuyện Musk thay đổi bảng hiệu trên trụ sở chính của Twitter ở San Francisco: bỏ chữ “w” ra để tạo trò đùa, sau đó gỡ bỏ tấm biển rồi đặt dấu X nhấp nháy trên mái nhà mà không xin cấp phép. Cuối cùng, sau khi từ chối cho phép các thanh tra tiếp cận, Musk đã gỡ tấm biển xuống. Schiffer viết: “Tòa nhà đã chuyển từ TWITTER sang TITTER rồi X. Và bây giờ, là không gì cả”.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/twitter-nay-la-x-18-tuoi-van-chua-truong-thanh-post1460513.html