Tuyển Việt Nam dám chơi bóng trước Australia?

Quan điểm phổ biến sau thất bại của tuyển Việt Nam trước Saudi Arabia: chúng ta đã không dám chơi bóng và phó mặc thế trận cho Saudi Arabia sau bàn mở tỷ số của Quang Hải.

Thống kê sau bổ trợ cho quan điểm này: Trong hiệp 1 trận Việt Nam đấu với Saudi Arabia, thủ thành Bùi Tấn Trường có 16 lần chuyền bóng. Tất cả đều là các pha phá bóng dài sang thẳng phần sân đối thủ. Chỉ 4 trong số này thành công khi quyền kiểm soát bóng vẫn thuộc về các cầu thủ áo đỏ, còn 12 lần là đúng nghĩa trả bóng cho Saudi Arabia.

Nhiều CĐV ít theo dõi bóng đá Việt Nam tin chuyền bóng không phải thế mạnh của Tấn Trường, nên cực chẳng đã thủ thành này mới phải liên tục phát bóng dài. Song trên thực tế, Tấn Trường là thủ môn phát bóng dài hay bậc nhất V.League, và những đường phát động tấn công/phản công của thủ môn này là đặc sản ở bất kỳ CLB nào anh từng thi đấu.

Tỷ lệ 75% chuyền bóng lỗi không chỉ liên quan tới Tấn Trường.

Tuyển Việt Nam mất chưa đến 3 phút để sút tung lưới Saudi Arabia nhưng không chơi bóng chủ động trước đối thủ. Ảnh: AFC.

Hệ quả

Trên bình diện thế giới, Atletico Madrid là CLB đặc biệt ưa chuộng việc phát bóng dài sang thẳng phần sân đối phương. HLV Diego Simeone coi đây là cách giải tỏa áp lực đặt lên hàng phòng ngự. Điều khiến Atletico ưa cách đá này là bởi hàng tiền vệ của họ rất giỏi trong việc tranh chấp bóng hai, và hàng công luôn có những ngôi sao sở hữu thể hình tốt.

Thời gian bóng ở trên không giúp Atletico tổ chức lại hệ thống, áp sát đối thủ và chọn vị trí để đón bóng hai. Các buổi tập của Atletico luôn bao gồm tranh chấp bóng bổng. Hệ thống được triển khai bài bản này khiến nửa đỏ Madrid là CLB chơi khó chịu bậc nhất châu Âu hơn một thập kỷ qua.

Khi Tấn Trường có bóng để chuẩn bị phát động tấn công, cầu thủ Saudi Arabia đứng ngay cạnh để gây khó dễ.

Một ví dụ khác cho chuyện này.

Một ví dụ cho thấy Saudi Arabia pressing tốt thế nào ngay trên phần sân của Việt Nam.

Tuyển Việt Nam dĩ nhiên không đủ tầm để sánh với Atletico. Những đường chuyền dài từ phần sân nhà của thủ môn Tấn Trường trong trận đấu với Saudi Arabia vì vậy không mang nhiều điều tích cực.

Việc thường xuyên đưa bóng cho đối thủ kiểm soát khiến hàng phòng ngự Việt Nam luôn phải đối mặt với áp lực ngay lập tức. Điều này lý giải sức ép khổng lồ hàng phòng ngự Việt Nam phải nhận trong hiệp 1. Nếu Tấn Trường không xuất sắc, và các hậu vệ phong tỏa kịp thời, chúng ta nhiều khả năng sẽ thủng lưới trước khi biến cố Duy Mạnh xảy đến.

Việc tự vứt đi quyền kiểm soát bóng cũng khiến các cầu thủ tuyến trên trở nên thiếu hiệu quả. Văn Đức, Quang Hải hay Tiến Linh đều chạm ít bóng trận này. Việc hàng công không gây đủ áp lực khiến các cầu thủ Saudi Arabia càng thoải mái trong việc triển khai tấn công.

Vậy vì sao Tấn Trường không chuyền ngắn? Có nhiều lý do khiến một thủ môn không chọn chuyền ngắn: không có khả năng, đồng đội thoát pressing kém, đối thủ áp sát, giải tỏa áp lực đến yêu cầu của ban huấn luyện.

Trường hợp của Tấn Trường nằm nhiều ở việc đối thủ áp sát và yêu cầu của ban huấn luyện. Trong tất cả các pha phát bóng lên, Tấn Trường đều không chọn cách điều chỉnh hàng phòng ngự để chuyền gắn từ đó triển khai bóng từ phần sân nhà.

Không khó để thấy các cầu thủ Saudi Arabia luôn chủ động theo sát các hậu vệ tuyển Việt Nam. Thậm chí ở những pha bắt bóng sống và có thể triển khai phản công nhanh, các cầu thủ tấn công đội chủ nhà chủ động áp sát chính Tấn Trường để ép thủ môn Đồng Tháp không thể thực hiện các pha phá động tấn công quãng ngắn.

Lý do thứ hai là yêu cầu của ban huấn luyện. Sau trận thua Saudi Arabia, HLV Park nhấn mạnh vì đã có bàn dẫn trước đối thủ mạnh trên sân khách nên "không việc gì phải tấn công".

Trong trận thua 0-2 trước Iran tại vòng bảng Asian Cup, tuyển Việt Nam tự tin triển khai bóng từ thủ môn đến hậu vệ bất chấp việc Văn Lâm bị áp sát. Quang Hải lúc này sẽ lùi xuống nhận bóng.

Việt Nam lúc này triển khai chiến thuật đều mặt sân với Văn Hậu và Trọng Hoàng (khoanh đỏ) dâng cao ở hai biên, còn Quang Hải đóng vai trò kéo bóng lên từ hàng phòng ngự.

Đây có thể là lý do khiến tuyển Việt Nam chọn cách chơi có phần cực đoan này khi liên tục phung phí các cơ hội kiểm soát bóng. Trong quá khứ, tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo không ngại trong việc kiểm soát bóng từ phần sân nhà, thậm chí đá sòng phẳng với các đối thủ mạnh hơn.

Tại Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam đã chơi đầy tự tin trước Iran mạnh hơn hẳn với cách triển khai bóng bình tĩnh từ hàng phòng ngự. Trước Nhật Bản ở tứ kết, các cầu thủ áo đỏ cũng thể hiện bản lĩnh này.

Vậy vì sao HLV Park lại chọn cách chơi có phần chịu trận này trước Saudi Arabia?

Cái khó của HLV Park

So với tập thể đá bóng tự tin trước Iran hay Nhật Bản ở Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam thua Saudi Arabia 1-3 và sắp tiếp đón Australia ở Mỹ Đình có những thay đổi cơ bản.

Nổi bật trong số này là nhân sự. Tại Asian Cup 2019, Việt Nam chơi bóng sòng phẳng với Nhật Bản khi có cặp tiền vệ trung tâm Huy Hùng - Hùng Dũng. Ở trận đấu với Iran, cặp tiền vệ là Hùng Dũng - Đức Huy.

Trước Nhật Bản, hàng phòng ngự Việt Nam duy trì biên độ rộng để dàn xếp chơi triển khai bóng từ phần sân nhà.

Đây là cách Văn Hậu-Hùng Dũng-Huy Hùng giúp Việt Nam kiểm soát và dàn xếp thế trận trước Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup 2019.

Cùng việc Quang Hải thường xuyên lui xuống để nhận bóng từ hàng tiền vệ, chiến thuật của Việt Nam trong các trận đấu này có lúc chuyển thành 3-5-2 với bộ ba tiền vệ giăng ngang.

Với cách sắp xếp này, hàng tiền vệ của tuyển Việt Nam vừa có khả năng tranh chấp, di chuyển không bóng, và chuyền bóng. Hùng Dũng là chất bôi trơn trong cách sắp xếp chiến thuật này. Tiền vệ của CLB Hà Nội giúp hàng tiền vệ Việt Nam cứng cáp hơn khi đối đầu với những đối thủ đẳng cấp cao như Iran hay Nhật Bản, đồng thời giảm bớt áp lực lên bộ ba trung vệ.

Trong danh sách tiền vệ tuyển Việt Nam được tập trung lần này, Huy Hùng không còn, Đức Huy sa sút phong độ. Những cá nhân còn lại như Tuấn Anh, Hoàng Đức đều không phải tiền vệ tạo ra sự cứng cáp ở khu trung tuyến.

Sự vắng mặt của Đoàn Văn Hậu cũng vậy. Thể hình cùng khả năng chơi chân tốt của Hậu là điều giúp tuyển Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề trong công đoạn phòng ngự lẫn triển khai tấn công từ bên cánh trái. Không còn Hậu, Văn Thanh hay Hồng Duy đều không đảm đương được vai trò này.

Chiến thuật nào trước Australia?

Ngoài những vắng mặt từ trước như Hùng Dũng, Văn Hậu, HLV Park đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nặng về lực lượng trước trận đấu với Australia khi Duy Mạnh bị treo giò và Bùi Tiến Dũng không có được thể lực tốt nhất khi dính chấn thương.

Việc phải sử dụng hàng phòng ngự chắp vá là điều gần như chắc chắn diễn ra trước Australia. Điều quan trọng lúc này là tuyển Việt Nam sẽ chọn đấu pháp gì trước đối thủ mạnh tương đương Saudi Arabia?

Sẽ là lối đá chủ động sòng phẳng như thời Asian Cup hay lại tư duy có phần thiếu chủ động cho các học trò như trước Saudi Arabia? Điều này chưa ai biết.

Tuy nhiên, điều chắc chắn là Australia sẽ không từ bỏ lối đá pressing ngay trên phần sân nhà đối thủ từng giúp họ thắng 9 trận liên tiếp ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, ghi 31 bàn và chỉ để lọt lưới 2 lần.

HLV Park phải chọn cách thích nghi trước đối thủ, đồng thời phát huy những điểm mạnh của các học trò. Chiến lược gia người Hàn Quốc vốn giỏi mưu lược trong các trận đánh lớn. Và đây là thời cơ để ông Park bộc lộ khả năng này.

Nếu chọn góc nhìn tích cực, đây đúng là cơ hội để HLV Park và các học trò học hỏi từ những nền bóng đá hàng đầu châu lục. Chúng ta đã thống trị bóng đá Đông Nam Á trong những năm qua, và không có cơ hội nào tốt hơn để dần vươn lên bằng những trận đấu khó khăn với các đối thủ hàng đầu như Saudi Arabia hay Australia.

Xuân Trường: 'Tuyển Việt Nam muốn giành thật nhiều điểm' Trong video được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đăng chiều 5/9, Lương Xuân Trường chia sẻ mục tiêu của tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Việt Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuyen-viet-nam-dam-choi-bong-truoc-australia-post1259774.html