Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Cập nhật kịp thời các văn bản mới, lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với nhu cầu; đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) dựa trên phong tục, tập quán của người dân, phục vụ kịp thời việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước... là những giải pháp tích cực mà các cấp, ngành, địa phương chú trọng thực hiện nhằm xây dựng ý thức tự giác sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Cán bộ công chức xã Ngọc Thanh phối hợp với lực lượng Công an xã thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cho đồng bào DTTS

Cán bộ công chức xã Ngọc Thanh phối hợp với lực lượng Công an xã thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cho đồng bào DTTS

Xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên có diện tích rộng, với gần 40% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Nơi đây tập trung nhiều điểm, khu du lịch nổi tiếng của tỉnh, lại giáp ranh với nhiều tỉnh, thành phố. Do vậy, bên cạnh những thuận lợi thì mặt trái của nền kinh tế thị trường, tệ nạn xã hội… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS vốn còn nhiều hạn chế về hiểu biết pháp luật.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Thanh đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL đảm bảo liên tục, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm; nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề thiết thực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân.

Cùng với đó, chính quyền địa phương luôn quan tâm nâng cao trình độ, năng lực, phát huy vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn…

Trưởng thôn Đồng Giãng, xã Ngọc Thanh Phó Văn Vườn cho biết: "Muốn dân hiểu, dân tin thì mỗi cán bộ phải làm gương trong các hoạt động, từ phát triển kinh tế đến giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội.

Đối với những trường hợp tư tưởng “chưa thông”, thì phải kiên trì, mềm dẻo, trực tiếp “gõ từng nhà” để vận động. Có như vậy, người dân mới tin tưởng và chấp hành tốt các quy định của pháp luật, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh”.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, từ năm 2020 đến nay, nhận thức pháp luật của người DTTS nơi đây ngày càng nâng cao; trung bình mỗi năm, xã Ngọc Thanh giảm 30 tin báo liên quan đến an ninh trật tự; tệ nạn xã hội; công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đạt 100%...

Đồng bào DTTS của tỉnh sinh sống tập trung chủ yếu ở chân dãy núi Tam Đảo và núi Sáng. Hiện nay, kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi ngày càng được cải thiện rõ rệt; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc được tăng cường; đồng bào các DTTS luôn tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai nhiều chương trình, chính sách dân tộc, trong đó, công tác tuyên truyền PBGDPL nâng cao tỷ lệ người dân tiếp cận thông tin và hiểu biết pháp luật được coi là giải pháp quan trọng.

Với phương châm “ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và đúng pháp luật”, công tác tuyên truyền PBGDPL đã giúp đồng bào DTTS hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Đồng thời, giúp người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi được tiếp cận với các nguồn thông tin về pháp luật và chấp hành pháp luật, về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, góp phần tích cực vào giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Cũng thông qua tuyên truyền PBGDPL vùng đồng bào các DTTS đã cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước; phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực phản động, tuyên truyền đạo trái pháp luật. Đồng thời, bài trừ hủ tục, bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào và xây dựng đời sống văn hóa mới ở làng bản cho đồng bào DTTS.

Thực tế, các đối tượng xấu thường nhắm đến một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế về trình độ dân trí, lợi dụng, lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vì không hiểu biết mà vi phạm pháp luật; tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới trong đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác PBGDPL tại vùng DTTS và miền núi còn ít, chủ yếu là kiêm nhiệm dẫn tới hiệu quả chưa cao. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác này ở vùng đồng bào DTTS và miền núi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng cường hiệu lực pháp luật trong đời sống xã hội ở vùng đồng bào DTTS.

Giai đoạn 2021 - 2025, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL với nội dung phù hợp và kết hợp linh hoạt các hình thức tuyên truyền.

Ngoài ra, kịp thời cung cấp thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và về công tác dân tộc, chính sách dân tộc nói riêng; tập huấn, bồi dưỡng và tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở cơ sở tại các xã, thôn bản vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh...

Bài, ảnh: Thu Nhàn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phap-luat/77573/tuyen-truyen-phap-luat-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui.html