Tuyên truyền an toàn giao thông bằng sân khấu hóa

Trong nhiều giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông, tuyên truyền luôn được xác định là 'chìa khóa vàng' góp phần nâng cao nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông. Và 'sân khấu hóa' là một trong những điểm nhấn của hoạt động tuyên truyền. Đây là hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động, giúp người dân, học sinh (HS) trang bị thêm kiến thức, kỹ năng thực tiễn, chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).

Các thành viên Câu lạc bộ Tuyên truyền pháp luật trực thuộc Huyện Đoàn Bến Lức dàn dựng một tiểu phẩm ngắn về tình huống vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ

Hiệu quả từ phiên tòa giả định

Thời gian qua, để kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn, nhất là ở đối tượng HS, thay vì tuyên truyền bằng băng rôn, biểu ngữ, Câu lạc bộ (CLB) Tuyên truyền pháp luật trực thuộc Huyện Đoàn Bến Lức (tỉnh Long An) tổ chức nhiều buổi tuyên truyền theo hình thức kịch diễn đàn tại các trường THCS trên địa bàn huyện. Đồng thời, CLB tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về ATGT cho người dân, đoàn viên, thanh niên.

CLB đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức phiên tòa giả định tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã Phước Lợi. Nhận thấy nhiều HS chưa đủ điều kiện tham gia giao thông bằng xe gắn máy, các thành viên CLB Tuyên truyền pháp luật phối hợp Chi đoàn Khối Tư pháp huyện dàn dựng tiểu phẩm về tình huống vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ và thực hiện một phiên tòa giả định xét xử vụ việc này.

Phó Chủ nhiệm CLB Tuyên truyền pháp luật - Huỳnh Tấn A Dũng cho biết: Vở kịch tái hiện cảnh người cha chở con trai (17 tuổi) đi tiệc. Khi về, người cha say rượu và nhờ con điều khiển xe máy chở về. Người con biết mình chưa đủ tuổi và chưa có bằng lái xe môtô nhưng vẫn chạy. Trên đường về vô tình va chạm với một cặp vợ chồng làm người chồng bị chấn thương sọ não và tử vong.

Câu lạc bộ Tuyên truyền pháp luật trực thuộc Huyện Đoàn Bến Lức tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông

Sau khi hoàn thành kịch bản, CLB gửi tòa án thẩm định nội dung. Phiên tòa giả định tổ chức xét xử vụ án “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Tham dự phiên tòa giả định có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy, Tòa án nhân dân huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, lãnh đạo xã Phước Lợi cùng trên 60 đoàn viên, thanh niên và người dân trên địa bàn xã.

Để rút ngắn thời gian, tránh người dân nhàm chán khi xem, CLB bỏ qua phần xét hỏi và tập trung vào phần tranh luận giữa Viện Kiểm sát nhân dân với luật sư và tuyên án. Các thành viên CLB tập trung làm rõ những quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mức án,...

CLB được Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân huyện hỗ trợ nội dung, trang phục. Các diễn viên đều là sinh viên hoặc đã tốt nghiệp ngành Luật nên có kinh nghiệm, mạnh dạn, tự tin trong diễn xuất. CLB cũng đưa những địa danh thực tế vào vở kịch, là những "điểm đen" thường xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Bến Lức. Ngoài ra, CLB phối hợp Công an huyện hỗ trợ vai cảnh sát hỗ trợ tư pháp để tăng tính thực tế của tiểu phẩm.

Chủ nhiệm CLB Tuyên truyền pháp luật - Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ: "CLB tập trung từ việc xây dựng kịch bản, tái hiện cảnh vi phạm đến phong thái chủ tọa, cách diễn của các diễn viên để thu hút người dân. Cuối phiên tòa, CLB còn lồng vào bài hát sâu lắng đánh vào tâm lý người dân. Quan điểm của chúng tôi là làm sao diễn tự nhiên nhất, thật nhất để người dân dễ cảm nhận và dễ nhớ".

“Sân khấu hóa là hình thức tuyên truyền gần gũi, thông qua tiểu phẩm để tuyên truyền pháp luật về giao thông một cách cụ thể, thiết thực. Cái hay của việc tuyên truyền pháp luật bằng sân khấu hóa là người dân, đoàn viên, thanh niên, HS có thể tương tác, xem, nghe, nhìn và cảm nhận trực tiếp. Phiên tòa đưa ra mức hình phạt cụ thể giúp người dân nhớ lâu hơn các tội, mức án, hình phạt. Qua đó, giúp đoàn viên, thanh niên, người dân hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật” - anh Nguyễn Trung Hiếu nói.

Thời gian tới, CLB phối hợp các trường học trên địa bàn huyện tổ chức nhiều hơn các hoạt động tuyên truyền ATGT cho HS. Đặc biệt là xây dựng thể loại kịch diễn đàn, đặt những câu hỏi và đưa ra tình huống cho HS xử lý.

Lan tỏa video tuyên truyền

Không còn là những buổi tuyên truyền sinh hoạt dưới cờ vừa khô khan lại khó nhớ về trật tự, ATGT, nhiều năm nay, giáo viên và HS Trường THPT Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc) được trải nghiệm tình huống, bối cảnh thực tế khi tham gia giao thông qua những tiểu phẩm do CLB Thanh niên tình nguyện của trường phối hợp dàn dựng và biểu diễn.

Trường THPT Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc) phối hợp thực hiện chương trình Ngày hội An toàn giao thông, hướng dẫn học sinh lái xe an toàn

Từ năm học 2018-2019 đến nay, trường phát động HS trong CLB Thanh niên tình nguyện thực hiện những tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật, ATGT. Với chủ đề ATGT, các tiểu phẩm chủ yếu tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, dựng các tình huống vi phạm phổ biến như đi xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm,...

Em Nguyễn Linh Đan - thành viên CLB Thanh niên tình nguyện Trường THPT Đông Thạnh, cho biết: “Chúng em từng làm tiểu phẩm Say hóa sai, tuyên truyền không được uống rượu khi tham gia giao thông. Chúng em cùng lên ý tưởng, viết kịch bản, chia nhóm quay phim, nhóm diễn. Sau khi hoàn thành, clip đăng lên trang Facebook của trường, các nền tảng mạng xã hội. Các bạn có thể xem đi xem lại. Đây là phương tiện tuyên truyền để nhiều bạn biết và chia sẻ đến nhiều người một cách dễ dàng. Ngoài ra, chúng em còn diễn lại trực tiếp tại trường. Đặc biệt, khi bắt tay vào làm, chúng em có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn, phổ cập kiến thức pháp luật về giao thông cho bản thân, một công đôi việc”.

Bí thư Đoàn trường THPT Đông Thạnh - Huỳnh Trung Hiếu khẳng định: Thực tế cho thấy, tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa là hình thức trực quan, có sức hút đặc biệt, vừa nhẹ nhàng mà sâu sắc, hấp dẫn và hiệu quả, nhất là với đối tượng tham gia là HS. Thông qua vở kịch, HS hiểu được tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật về ATGT, nhắc nhở các em chấp hành Luật Giao thông đường bộ, góp phần bảo vệ chính mình và những người tham gia giao thông.

Ngoài ra, để bảo đảm ATGT trong trường học, hàng năm, trường còn ký kết thực hiện bảo đảm ATGT giữa 5 bên: HS, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường, công an huyện. Vừa qua, Trường THPT Đông Thạnh phối hợp thực hiện chương trình Ngày hội ATGT với nhiều hoạt động thiết thực như hướng dẫn HS lái xe an toàn, rung chuông vàng tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ,.../.

Hà Lan

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tuyen-truyen-an-toan-giao-thong-bang-san-khau-hoa-a165519.html