Tuyển sinh đại học năm 2025 cần quy định thống nhất tổ hợp xét tuyển

PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, năm 2025 cần duy trì kì thi chung dùng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH; tổ hợp xét tuyển nên quy định thống nhất.

Học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)

Kỳ thi riêng: “Trăm hoa đua nở”

Theo nhận xét của PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng thì từ trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học nên các kỳ thi riêng xuất hiện. Đi kèm đó là tổ chức ôn, lò luyện “online” và “offline”, gây boăn khoăn, lo lắng cho nhiều người.

ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tổ chức thi đánh giá năng lực (ĐGNL) để lấy kết quả xét tuyển vào năm 2015. Thời điểm này, Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH/CĐ; các CSĐT xét tuyển sinh căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2016, ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức thi ĐGNL để lấy kết quả xét tuyển. Năm 2018, các trường đại học được tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Năm 2019, các cơ sở đào tạo được sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Năm 2020, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức thi đánh giá tư duy; Bộ GD&ĐT bổ sung điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng.

Từ năm 2022, các Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM… tổ chức kỳ thi riêng. Cũng năm này, các trường thuộc Bộ Công an tổ chức thi riêng để lấy kết hợp với điểm thi THPT, điểm học tập bậc THPT để xét tuyển. Năm 2024, hình thành nhóm 6 trường (trường ĐH Sài Gòn, trường ĐH Cần Thơ, ĐH Thái Nguyên, HV Ngân hàng, trường ĐH Tài chính - Marketing TP Hồ Chí Minh) tổ chức thi và công nhận kết quả lẫn nhau.

Học sinh khu vực miền Trung tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh năm 2024, tại điểm thi số 33, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng.

“Kỳ thi riêng để lấy kết quả xét tuyển sinh có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng mục đích chính là chủ động tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học. Và cứ tiếp tục mở rộng dần ra, thì dễ quay lại kiểu thi đại học như trước đây, trái với quan điểm của Nghị quyết 29 của BCH TW Đảng” – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nhận định.

Trong mấy năm qua, do được tự chủ xác định các tổ hợp xét tuyển nên có rất nhiều tổ hợp “lạ” xuất hiện. Bên cạnh đó, năm 2025 kì thi phổ thông chỉ còn có 4 môn (2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn). Thêm vào đó, xã hội vẫn chưa hoàn toàn tin cậy vào chất lượng ở học bạ và điểm tốt nghiệp của kì thi chung. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học có xu hướng “tự chủ” và “tự lo” chất lượng đầu vào. Do đó, nhiều trường lo tổ chức kỳ thi riêng hoặc hợp tác khai thác kết quả kỳ thi riêng.

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, kì thi riêng với các tên gọi “đánh giá năng lực”, “đánh giá tư duy” nghĩ thì rất hay nhưng cũng không phải dễ để làm cho đúng với bản chất.

“Đo lường và đánh giá trong giáo dục là một lĩnh vực khoa học, có nguyên lí, có phương pháp chứ không phải cứ dạy được các môn cơ bản là có thể ra đề và chấm thi một cách đơn giản. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có cách tiếp cận mới; kiểm tra, đánh giá cũng theo đó mà đi cùng. Hiện nay, nhiều trường không đào tạo giáo viên cho dù có khoa cơ bản nhưng chưa hẳn đã có giảng viên tiếp cận đúng khoa học giáo dục cũng như cách tiếp cận mới ấy”, PGS.TS Võ Văn Minh phân tích.

Do vậy, nếu cứ để “nở rộ” kì thi riêng, có khi mọi thứ cũng chỉ xoay quanh câu chuyện “tranh thủ” tuyển sinh chứ chưa hẳn vì chất lượng.

“Bước chuyển” từ kỳ thi năm 2025

PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, căn cứ vào Quyết định số 4068 của Bộ GD&ĐT thì Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cơ bản đã rõ. Tuy nhiên, năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 nên vẫn cần có “bước chuyển tiếp” để đảm bảo quyền lợi cho người học, tránh “gây sốc” cho các bên liên quan.

Học sinh Kon Tum tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng tổ chức.

PGS.TS Võ Văn Minh đề xuất Kỳ thi chung dùng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học nên gọi chung. Kỳ thi này cần phải được thiết kế bài bản để làm cơ sở đo lường chuẩn mực nhất. Thang điểm nên lấy 100 và đề thi phải đảm bảo mức độ phân hóa rất cao. Chỉ cần 500 điểm là mức trung bình để xét tốt nghiệp; 500 điểm còn lại phân hóa đến hàng đơn vị để làm cơ sở phân loại và tuyển chọn chất lượng.

Ngoài ra, tổ hợp xét tuyển nên được quy định thống nhất. Về năng lực chuyên biệt như năng khiếu hay đặc thù nghề nghiệp, các trường có thể kết hợp thi tuyển, hay dựa vào học lực, bài luận hoặc thư giới thiệu… Hạn chế những kì thi có cùng tính chất như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, để giảm chi phí xã hội cũng như gây thêm lo lắng, áp lực cho người học; thậm chí tránh các trường hợp lợi dụng ôn thi, luyện thi tràn lan, dễ phát sinh tiêu cực.

PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, xét tuyển đại học cần thống nhất và cần sự quản lý nhà nước; không nên để cạnh tranh “tự do” trong giáo dục và đào tạo. “Hiện nay, dữ liệu của ngành GD&ĐT cơ bản đảm bảo; công nghệ số đã hỗ trợ rất tốt, nên công tác tuyển sinh cần minh bạch hóa, chẳng hạn tình trạng “đặt cọc” nhập học cần phải được chấn chỉnh” – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng đề xuất.

PGS.TS Võ Văn Minh: "Chọn ngành, chọn trường để học cũng là chọn tương lai, là một hình thức đầu tư, do vậy vấn đề này cần phải được xem là nhiệm vụ quan trọng ở khía cạnh quản lí nhà nước. Thông tin chính xác về chất lượng, minh bạch về học phí… cần phải được chuyển tải rộng rãi và chính thống từ kênh của cơ quan quản lí nhà nước. Nhà nước “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học” là rất hợp lí, nhưng không có nghĩa để “tự do” cho một số cơ sở tuyển sinh như cách doanh nghiệp “huy động vốn”.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2025-can-quy-dinh-thong-nhat-to-hop-xet-tuyen-post681451.html