Tuyên Quang viết tiếp trang sử hào hùng

Đã 78 năm trôi qua, niềm tự hào về những năm tháng vinh dự được bảo vệ Đảng, cách mạng, bảo vệ Bác Hồ; tự hào là điểm khởi nguồn cho việc ra đời Nhà nước của dân, do dân, vì dân không bao giờ tắt trong mỗi trái tim người dân vùng đất xứ Tuyên. Trong thanh âm của đất trời những ngày thu, lời tuyên thệ của Người trong ngày ra mắt Quốc dân Đại hội (17.8.1945) như còn vang vọng. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân Tuyên Quang đã đoàn kết, đồng lòng viết tiếp trang sử hào hùng và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

"Bóng Người tỏa sáng nơi nơi”

“Đã có một thời Bác ở nơi đây, rừng phách bao quanh, hoa tím phủ đầy. Lán nứa đơn sơ, hai gian nhà nhỏ mà bóng Người tỏa sáng nơi nơi”… Đó là câu ca nói về Tân Trào - thuở ấy còn là Kim Long. Theo các cụ cao niên, vùng đất ấy vốn có địa thế giống như một con rồng cuộn mình từ núi Khau Nhì về đến thôn Tân Lập. Khi Bác Hồ về đây đã đặt tên mới cho thôn Cả là Tân Lập, với mong muốn người dân có một cuộc sống mới; xã Kim Long cũng được Người đổi tên thành Tân Trào.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Tuyên Quang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Thành Công

Thôn Tân Lập có núi chắn, sông ngăn xưa kia muốn vào thôn chỉ có một con đường duy nhất là từ Châu lỵ Sơn Dương đi qua nhiều khu rừng vào xã Thanh La vượt sông Phó Đáy mới vào được. Từ làng Tân Lập chỉ có một đường độc đạo vượt đèo De sang Định Hóa, Thái Nguyên. Bởi lẽ thế mà người dân nơi đây có câu vè: “Kim Long đất hiểm tứ bề/ Kẻ thù muốn chết thì về Kim Long”… Chính vì thế núi, sông hiểm trở, hội tủ đầy đủ yếu tố “gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái” nên đến tháng 5.1945, trước những yêu cầu cấp bách của cách mạng, Bác Hồ quyết định rời Pác Bó, Cao Bằng về Tân Trào chọn nơi đây “trái tim Thủ đô khu giải phóng” và là trung tâm lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám.

Đã 78 năm trôi qua, những sự kiện lịch sử trọng đại của Cách mạng diễn ra nơi đây vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Trong những căn nhà sàn khang trang sạch sẽ được xây dựng theo lối kiến trúc mới ở làng Văn Hóa Tân Lập hôm nay, sẽ không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh những lớp người cao niên ngồi say sưa kể cho con cháu hoặc du khách thập phương nghe những mẩu chuyện về Bác Hồ - về một cụ già dáng người mảnh dẻ, đôi mắt rất sáng, hiền từ. Thời đó, cả làng không ai biết Bác là ai, họ gọi Bác bằng tên thân mật là “ông Ké”.

Ghé thăm Đình Tân Trào - một di tích đặc biệt nổi tiếng để được đắm mình cảm niệm với không gian đầy ắp lịch sử, bởi đây chính là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định chọn để tổ chức Quốc dân Đại hội - sự kiện được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta. Theo các bậc cao niên, mặc dù chỉ mới đến đây trong thời gian ngắn, song Bác rất am hiểu phong tục của làng. Hàng năm, vào những ngày lễ chính của đình, chỉ những người có chức sắc của làng mới được phép lên trên sàn lửng để thắp hương và đặt đồ cúng tế. Đặc biệt, phía trước cửa đình có một phiến đá phẳng, hình tròn, nằm nổi ngay trên bề mặt cỏ ở sân trước cửa đình được người dân địa phương coi như là mâm thiêng, mâm trời để đặt đồ cúng tế các vị thần linh, thổ địa trước khi vào bên trong ngôi đình để làm lễ.

Hiểu được ý nghĩa của hòn đá thiêng đó nên ngay trong ngày ra mắt Quốc dân Đại hội (17.8.1945), Bác cùng với các đồng chí trong Ủy ban dân tộc giải phóng đã đứng ngay bên cạnh phiến đá thiêng đó để đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của Nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước. Xin thề”. Cũng từ đây, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu đồng bào cả nước đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Để rồi trong sáng thu ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử trước gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!

Đổi mới mạnh mẽ, vững bước vươn lên

Núi Hồng xanh thắm sau lưng Tân Trào đã rực rỡ sắc hoa xuân. Dòng suối Khuôn Pén hiền hòa đang miệt mài cấp nước cho cánh đồng vàng ươm mỗi mùa thu hoạch. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Tân Trào đã đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Từ năm 2014, Tân Trào đã trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 100% đường nội thôn, liên thôn được bê tông hóa; đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao, mức thu nhập bình quân đạt gần 53 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 11%...

Còn đối với xã Trung Sơn (Yên Sơn) là địa danh hai lần ghi dấu sự kiện Bác Hồ nghỉ lại trong hai chuyến công tác. Đây cũng chính là động lực cả hệ thống chính trị nỗ lực dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp. Trung Sơn trở thành địa phương tiêu biểu về triển khai trồng rừng hiệu quả theo tiêu chuẩn rừng bền vững FSC. Toàn xã hiện có hơn 3.700ha đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích rừng FSC gần 2.000ha. Nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ rừng, trở thành những triệu phú trồng rừng FSC. Bên cạnh phát triển kinh tế rừng, xã tích cực triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, định hướng cho bà con thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, liên kết phát triển sản xuất, nhằm đem lại hiệu quả bền vững...

Về Tuyên Quang hôm nay, tận mắt chứng kiến, từ bản làng nông thôn, miền núi xa xôi đến phố phường thành thị, diện mạo đang từng ngày đổi thay. Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì từ 7 - 8%/năm. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,55%; đứng thứ 13 cả nước, đứng thứ 2 trong 14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh: Tuyên Quang đang đứng trước những cơ hội mới, mở ra tương lai tươi sáng bằng nhiều chủ trương, chính sách lớn phù hợp, nhân dân đồng thuận hưởng ứng. Trong đó, có việc triển khai, xây dựng nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, như: Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang... Nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mục tiêu xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển khá toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang nỗ lực phấn đấu thi đua lao động sản xuất, tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng, nguồn lực, mở rộng liên kết, đổi mới mạnh mẽ và vững chắc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong thời kỳ hội nhập để phát triển kinh tế nhanh và bền vững…

Thành phố đã lên đèn, từng dòng người đổ về Quảng trường Nguyễn Tất Thành ở trung tâm thành phố ngày một đông đúc. Mọi người đều hướng về tượng Bác, về Đền thờ Bác với tình cảm thật thiêng liêng. Tạm biệt vùng đất Xứ Tuyên, chúng tôi xuôi về Hà Nội với sự gửi gắm tình cảm của những người dân hồn hậu nơi đây qua những lời bài thơ Tố Hữu: Mình về với Bác đường xuôi/ Thưa giùm Việt Bắc khôn nguôi nhớ Người/ Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!/ Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước lên đèo/ Người đi rừng núi trông theo bóng Người...

Bách Hợp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/tuyen-quang-viet-tiep-trang-su-hao-hung-i341736/