Tuyến đường sắt 36 tỷ đô và tầm nhìn của Nga

Nga đang quyết liệt thúc đẩy xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối hai thành phố lớn Moscow với St. Petersburg, dù còn nhiều ý kiến trái chiều.

Khi hoàn thành, tuyến đường sắt cao tốc Moscow - St. Petersburg sẽ giúp giảm thời gian đi lại giữa hai thành phố đông đúc của Nga xuống 2 giờ 15 phút thay vì 4 giờ như hiện tại.

Nhiều ý kiến trái chiều

Trung tuần tháng 3 vừa qua, Nga đã chính thức khởi công xây dựng tuyến đường sắt cao tốc với tốc độ thiết kế lên tới 360km/h. Dự sự kiện khởi công qua hình thức trực tuyến, Tổng thống Nga Putin khẳng định, đây là dự án quan trọng quốc gia, sẽ chạy qua 6 khu vực của liên bang nơi có 30 triệu người sinh sống, tương đương 20% tổng dân số nước Nga.

Tuyến đường này sẽ kết với nhiều khu vực khác của Nga, tạo điều kiện phát triển du lịch và hoạt động kinh doanh. Trên toàn tuyến dự kiến có 16 nhà ga với 4 nhà ga mang tính chiến lược nằm ngay bên trong thủ đô.

Kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc nối thủ đô Moscow với thành phố St. Petersburg (đô thị lớn thứ hai của nước Nga) được khởi xướng từ năm 2020.

Sau đó, kế hoạch này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tờ Kommersant dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng, nên từ bỏ kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc để giảm gánh nặng nợ trong ngành đường sắt Nga. Thay vào đó, nên tập trung nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Moscow với St. Petersburg hiện tại, vốn có tốc độ vận hành trung bình khoảng 200 - 220km/h.

Dự án gần như đứng im trong gần 2 năm. Đến tháng 8/2023, trong buổi lễ khánh thành tuyến thứ 3 của dự án đường sắt đường kính trung tâm Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ủng hộ triển khai tuyến đường sắt chở khách tốc độ cao giữa Moscow và St. Petersburg.

Nhà lãnh đạo Nga giải thích thêm: "Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này trong suốt thời gian dài, xem xét mọi góc cạnh từ kinh tế, tài chính cho đến thuần túy giao thông. Và thực sự, nếu xây dựng một tuyến đường sắt mới dành riêng vận tải khách sẽ giúp giải phóng những tuyến đường sắt hiện có để vận chuyển hàng hóa, đẩy nhanh đáng kể tốc độ vận chuyển hàng hóa. Đây là điều cực kỳ quan trọng đối với tổng thể nền kinh tế đất nước".

Không chỉ vậy, nhà lãnh đạo Nga còn đưa ra tầm nhìn xa hơn: "Sau đây, chúng tôi sẽ mở rộng đường sắt cao tốc kết nối từ Nizhny Novgorod và Voronezh, từ Nizhny Novgorod đến Kazan và từ Kazan đến vùng Urals".

Thậm chí, Tổng thống Nga còn mong muốn xây dựng đường sắt cao tốc tới các vùng Donetsk và Lugansk mới ly khai từ Ukraine sáp nhập vào Nga và tới cả thủ đô Minsk nếu Tổng thống Belarus đồng ý.

Tiền đâu thực hiện dự án?

Từ tuyên bố của ông chủ Điện Kremlin, chỉ 4 tháng sau, Bộ trưởng Bộ Giao thông Nga Vitaly Savelyev thông báo đã xây dựng cơ bản những thông số chính cho dự án cùng phương án vận hành và tài chính.

Nga chưa công bố ước tính vốn đầu tư cho dự án tính đến thời điểm hiện tại. Nhưng báo Moscow Times cho biết, số vốn có thể lên tới 2,3 nghìn tỷ rubles (tương đương 36 tỷ USD). Đây là số tiền khổng lồ, nhất là trong bối cảnh Moscow đang phải thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga vẫn quyết tâm thực hiện dự án và cho rằng, lợi ích nó mang lại rất lớn và sẽ có rất nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính muốn tham gia.

Theo chia sẻ mới nhất từ Chủ tịch Ngân hàng Sberbank - ông Herman Oskarovich Gref, chính phủ đã thu hút nguồn đầu tư 1,5 nghìn tỷ rubble (tương đương 16,4 tỷ USD) từ các quỹ ngân hàng và quỹ hưu trí.

"Hầu hết các cơ chế đầu tư cho dự án đã sẵn sàng và chúng tôi không ngần ngại bắt tay rót vốn để hiện thực hóa dự án, phối hợp cùng với công ty đầu tư VEB sử dụng Project Finance Factory - cơ chế tài chính đầu tư vào các dự án là ưu tiên của Nga", ông Herman nói.

Đột phá về công nghệ đường sắt nội địa

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nga, sở dĩ Tập đoàn Sinara được chọn là nhà thầu chính vì trong năm 2023, khi Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt, cô lập từ phương Tây, Sinara đã nỗ lực phát triển và thay thế tàu điện Lastochka (là loại tàu liên kết chế tạo với Đức) bằng tàu Finist do Nga hoàn toàn tự chủ công nghệ.

Đáng chú ý, ở dự án trên, toàn bộ đường ray và toa tàu đều do các công ty nội địa Nga chế tạo. Trong đó, Tập đoàn Sinara là nhà thầu chính. Ngoài ra, công ty Transmashholding sẽ tham gia và cung cấp phụ tùng cùng hệ thống thiết yếu cho hệ thống tàu mới. Đồng thời, có khoảng 100 nhà cung cấp nguyên, vật liệu và linh kiện của Nga cùng bắt tay thực hiện dự án.

Tính đến nay, đã có 16 đoàn tàu Finist được giao cho công ty đường sắt Nga và thêm 6 đoàn tàu nữa dự kiến được giao trong quý II/2024. "Năng lực và công nghệ phát triển đó cho phép Sinara có thể tiến vào phân khúc tàu điện ở tốc độ lên tới 400km/h", Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Denis Manturov nhận định.

Ngay đầu tháng 2/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng với Bộ trưởng Bộ Công thương Denis Manturov đã đến thăm tổ hợp lắp ráp tàu điện tại nhà máy sản xuất đầu máy tàu Ural thuộc Tập đoàn Sinara.

Tại đây có trưng bày mô hình đoàn tàu cao tốc với 8 toa và cả đầu máy toa xe đã thành phẩm. Theo thiết kế, đoàn tàu 8 toa sẽ di chuyển với tốc độ tối đa 400km/h và tốc độ khai thác 360km/h. Ngoài ra, có thể tăng gấp đôi, từ phiên bản 8 lên 16 toa và mỗi đoàn sẽ có bốn loại toa.

"Ngành công nghiệp đường sắt, với sự hỗ trợ của nhà nước đã sẵn sàng chế tạo tàu cao tốc nội địa. Bắt đầu từ năm 2027, nhà máy Ural sẽ có thể sản xuất khoảng 100 toa tàu/năm", Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nga khẳng định.

Nhấn mạnh vào nỗ lực tự chủ công nghệ, trong bài phát biểu tại lễ khởi công dự án, Tổng thống Nga Putin cho biết: "Dự án đường sắt tốc độ cao này có sự hợp tác sản xuất trên quy mô lớn của nhiều đơn vị trong nước Nga. Từ đây, Nga sẽ tiến thêm một bước nữa để củng cố công nghệ của quốc gia".

Những giá trị mang lại

Dự kiến, khi hoàn thành, tuyến đường sắt cao tốc Moscow - St. Petersburg sẽ giúp giảm thời gian đi lại giữa hai thành phố đông đúc của Nga xuống 2 giờ 15 phút thay vì 4 giờ như hiện tại. Trong khi đó, thời gian di chuyển giữa Moscow và Tver chỉ còn 39 phút, từ Veliky Novgorod đến St. Petersburg còn 29 phút.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nga Vitaly Savelyev, tuyến đường này cũng sẽ được kết nối với hệ thống giao thông công cộng của Moscow tạo sự liên thông giữa các hình thức vận tải.

Ước tính, đến năm 2028, các đoàn tàu trên tuyến sẽ hoạt động với tần suất 15-20 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 10-15 phút/chuyến bắt đầu từ năm 2030, dự kiến vận chuyển 23 triệu hành khách mỗi năm và tạo ra sự gia tăng lớn về số lượng khách du lịch.

Dự án cũng giúp tăng năng lực và tốc độ vận chuyển hàng hóa, cho phép tổng công ty đường sắt Nga tăng khối lượng hàng hóa thêm 30 triệu tấn từ 18 khu vực lân cận.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tuyen-duong-sat-36-ty-do-va-tam-nhin-cua-nga-19224032200041855.htm