Tuyến đường 1C - biểu tượng của ý chí quật cường và khát vọng hòa bình của dân tộc

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngoài con đường Trường Sơn huyền thoại (đường Hồ Chí Minh) vận chuyển vũ khí, đạn dược, tài liệu, cán bộ, chiến sĩ... từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam còn có tuyến vận tải chiến lược 1C lừng danh.

Bến giao nhận "hàng" của Thanh niên xung phong tuyến đường huyền thoại 1- C về miền Tây Nam bộ (Ảnh chụp biên giới Hà Tiên - Vĩnh Tế, ngày 13-10-1969). Ảnh: TRẦN MINH HỮU

1C là mật danh của tuyến đường vận tải chiến lược của Trung ương chi viện hậu cần, lực lượng cho chiến trường Tây Nam bộ đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy Khu IX và các tỉnh ủy những nơi tuyến đường đi qua như Tây Ninh, Rạch Giá, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau. Đầu năm 1966, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, đánh phá ác liệt miền Nam, tăng cường kiểm soát các trục giao thông, phong tỏa gắt gao các cảng sông, cảng biển nên việc vận chuyển vũ khí, hàng quân sự từ Trung ương chi viện cho Khu IX trên chiến trường Tây Nam bộ bằng đường biển khó khăn. Trong khi đó, đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh trên bộ vận chuyển vũ khí và phương tiện chiến tranh chi viện cho miền Nam đã đến miền Đông Nam bộ. Việc nối liền tuyến vận chuyển từ miền Đông Nam bộ về miền Tây Nam bộ để tiếp nhận hàng chi viện cấp thiết. Trung ương Cục giao cho Khu IX thực hiện nhiệm vụ này, từ đó tuyến đường 1C ra đời.

Tuyến đường 1C phần lớn nằm trong tỉnh Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang ngày nay), bắt đầu tại Lò Gò, Sa Mát (Tây Ninh) chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, có đoạn đi sâu vào Campuchia rồi về biên giới Việt Nam tại xã Vĩnh Điều (huyện Hà Tiên, nay là huyện Giang Thành), băng qua rừng tràm Hà Tiên, vượt kênh Vĩnh Tế, kênh Tám Ngàn, qua đường Cái Sắn... về Cái Nứa, Ba Đình (Vĩnh Bình, Vĩnh Thuận), nơi đóng căn cứ của Quân khu IX. Lúc đầu tuyến đường chỉ là đường dây giao liên đưa rước cán bộ, tài liệu từ Trung ương Cục về Quân khu IX và ngược lại. Về sau khi tuyến vận tải hàng quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam trên biển và trên bộ bị địch kiểm soát, phong tỏa gắt gao, Khu ủy Khu IX quyết định thành lập Đoàn 195 do lực lượng thanh niên xung phong Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) Khu Tây Nam bộ phụ trách. Đoàn có nhiệm vụ đảm bảo tiếp nhận, vận chuyển, bảo vệ hàng chi viện của Trung ương từ biên giới Việt Nam - Campuchia về căn cứ của Khu IX. Từ đây, tuyến đường vận tải 1C trở thành đường dây tiếp nhận và vận chuyển hàng quân sự huyết mạch cho cả chiến trường miền Tây Nam bộ.

Trong suốt cuộc chiến tranh, Mỹ, ngụy luôn tìm cách phong tỏa, triệt hạ tuyến vận tải này. Địch huy động lực lượng lớn các sư đoàn thiện chiến, tập trung nhiều binh lực, hỏa lực, kể cả B52 bắn phá, oanh tạc cả ngày lẫn đêm, nhất là ở hai bên bờ kênh Vĩnh Tế. Chúng trút xuống tuyến đường lượng lớn bom đạn, kể cả chất độc hóa học... Mặc cho mưa bom, bão đạn vẫn không ngăn cản những đoàn thanh niên xung phong nối nhau ra tiền tuyến. Tuyến đường ngày một dài ra và vận chuyển hàng chi viện cho chiến trường miền Tây Nam bộ ngày càng tăng. Mặc dù địch dùng những loại vũ khí hiện đại nhất với đội quân hiếu chiến gần chục năm vẫn không “xóa sổ” được tuyến vận tải này, không hủy diệt được sức sống của tuyến đường, không khuất phục được ý chí, nghị lực, sức chiến đấu bền bỉ của lực lượng thanh niên xung phong.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến vận tải chiến lược 1C trở thành huyền thoại, thành biểu tượng của ý chí quật cường và khát vọng hòa bình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Để có được độc lập, tự do, đã có hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vĩnh viễn nằm lại trên tuyến đường mà đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt; hàng trăm người phải mang trên mình nhiều thương tích, bị mất sức vì bệnh tật và bị nhiễm chất độc da cam…

Với vai trò là huyết mạch của cách mạng miền Tây, từ cuối năm 1967-1975 thông qua tuyến đường 1C lực lượng thanh niên xung phong vận chuyển trên 13.000 tấn hàng quân sự và đưa đón trên 30.000 lượt cán bộ, cung cấp kịp thời cho chiến trường miền Tây, góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

LÝ NGỌC ĐỊNH - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/tuyen-duong-1c-bieu-tuong-cua-y-chi-quat-cuong-va-khat-vong-hoa-binh-cua-dan-toc-20155.html