Tương tác giữa các hoạt chất đưa vào cơ thể qua đường tiêu hóa

Thuốc, thực phẩm chức năng (sản phẩm dinh dưỡng/sản phẩm bảo vệ sức khỏe) giống nhau ở điểm là cùng được bào chế dưới dạng viên nén, nhộng, hoàn hoặc cao, cốm, bột, lỏng,.. được đưa vào cơ thể qua đường ăn uống, được hấp thu qua bộ máy tiêu hóa và lợi ích cuối cùng là đem lại sức khỏe cho mọi người.

Tương tác là hiện tượng xảy ra khi sử dụng đồng thời nhiều hoạt chất trên một cá thể trong cùng thời điểm, là sự tác động qua lại lẫn nhau giữa chất này với chất khác, giữa hoạt chất được sử dụng với thực phẩm đang dùng hoặc với tình trạng sinh lý, bệnh lý của cơ thể (Ảnh minh họa)

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, các sản phẩm này phải được sản xuất trong nhà máy đạt chuẩn GMP, được kiểm nghiệm cho phép trước khi xuất xưởng.

Tất cả sản phẩm bảo vệ và nâng cao sức khỏe dùng đường uống gọi chung là thuốc bổ. Thuốc bổ não có hoạt chất chính là ginkgo biloba làm tăng tuần hoàn não giúp tỉnh táo sáng suốt. Thuốc bổ gan chứa silymarin bảo vệ tế bào gan. Thuốc bổ trứng chứa Myo-inositol, N-acetyl Cysteine. Thuốc bổ thận chứa L-Arginine, glutathione 2,5mg. Thuốc bổ máu có nhiều vitamin B12, acid folic. Thuốc bổ cơ xương khớp có glucosamin. Nhân sâm làm tỉnh táo tinh thần. Nhung bổ thận, máu huyết. Sữa là nguồn dinh dưỡng quý đặc biệt là sữa non. Fuicodan chiết xuất từ tảo nâu ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư và tăng cường miễn dịch…đều rất quý nên việc sử dụng hợp lý là điều người tiêu dùng quan tâm.

Bài viết này xin nói về tương tác giữa thuốc với thực phẩm chức năng và thực phẩm. Đồng thời, giải đáp thắc mắc về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe nào nên dùng riêng hay phối hợp với nhau để không gặp tương tác bất lợi, dung dịch nào tốt nhất để uống, thời điểm nào dùng sản phẩm nào và người tiêu dùng cần tránh những tương tác nào.

Tương tác là hiện tượng xảy ra khi sử dụng đồng thời nhiều hoạt chất trên một cá thể trong cùng thời điểm, là sự tác động qua lại lẫn nhau giữa chất này với chất khác, giữa hoạt chất được sử dụng với thực phẩm đang dùng hoặc với tình trạng sinh lý, bệnh lý của cơ thể. Sự phối hợp này làm thay đổi tác dụng hoặc độc tính của một trong các chất dùng chung.

Kết quả của tương tác thuốc với các chất được đưa vào cơ thể làm cho thuốc tăng hoặc giảm tác dụng điều trị, cũng có thể làm phát sinh tác dụng không mong muốn có hại cho người bệnh. Tỷ lệ tương tác tăng theo cấp số nhân với số lượng thuốc phối hợp có nghĩa là nguy cơ cũng tăng theo.

Thức ăn/uống có thể ảnh hưởng đến dược động học do làm thay đổi mức độ hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ của thuốc, có trường hợp làm thay đổi tác dụng dược lý và độc tính của thuốc. Ngược lại, khi dùng lâu dài, một số thuốc ảnh hưởng đến sinh lý bộ máy tiêu hóa, làm giảm hoặc tổn hại đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn, đưa đến suy giảm sức khỏe. Sự suy giảm chức năng thận ảnh hưởng đến 4 quá trình: Hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ, trong đó giảm sút thải trừ là quan trọng nhất, do đó phải hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận. Dùng quá liều cũng tạo gánh nặng cho gan, thậm chí đưa đến xơ gan, viêm gan hay viêm thận kẽ.

Tương tác thuốc với thuốc:

Trách nhiệm sử dụng thuốc đặt lên vai người bác sĩ, chỉ có bác sĩ mới được quyền kê đơn thuốc, tương tác thuốc - thuốc bao gồm tương tác dược lực và dược động, có 3 nguyên tắc cơ bản: Một là phải cảnh giác với các thuốc có cửa sổ trị liệu hẹp hoặc phải đạt mức huyết tương thích hợp; hai là người cao tuổi là đối tượng dễ bị tai biến nhất vì 2 cơ quan thanh thải thuốc là gan, thận bị suy giảm theo tuổi tác; và ba là không được kết hợp các thuốc gây tương tác bất lợi. Đối với bệnh nhân nội trú, các thuốc gây bất lợi đã được đặt cảnh báo nên bác sĩ không kê đơn chung trên hồ sơ bệnh án điện tử được, điều này giúp an toàn cho bệnh nhân trong bệnh viện. Ví dụ Aspirin không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. Atenolol chống chỉ định với người bệnh tiểu đường. Celecoxib chống chỉ định với người bệnh nhạy cảm cao với Sulfamid.

Tương tác thuốc với thực phẩm chức năng:

Người tiêu dùng thắc mắc tại sao những thực phẩm dinh dưỡng bổ sung như vitamin hay thảo dược có thể được mua mà không cần phải có đơn của bác sĩ, trong khi thuốc lại có quy định và được kiểm soát nghiêm ngặt, đưa đến ngộ nhận rằng có thể sử dụng thực phẩm chức năng an toàn kể cả liều cao?

Khi cầm trên tay một sản phẩm, đọc tên thương mại, dược sĩ phải xem hoạt chất chính là gì, ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào, hai sản phẩm uống đồng thời có tương tác bất lợi không, tổng hàm lượng hoạt chất trong các sản phẩm có quá liều cho phép không? (Ảnh minh họa)

Đối với bệnh nhân ngoại trú, người bệnh mãn tính muốn sử dụng thêm thực phẩm chức năng, khi đi tới nhà thuốc gặp dược sĩ, cần đem theo đơn thuốc đang dùng để dược sĩ phân tích đơn và có hướng dẫn phù hợp.

Khi cầm trên tay một sản phẩm, đọc tên thương mại, dược sĩ phải xem hoạt chất chính là gì, ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào, hai sản phẩm uống đồng thời có tương tác bất lợi không, tổng hàm lượng hoạt chất trong các sản phẩm có quá liều cho phép không? Bởi vì tất cả sản phẩm khi sử dụng ở liều cao đều không an toàn. Ví dụ dùng quá nhiều vitamin A sẽ gây tổn thương gan, đau đầu hoặc gặp các dị tật bẩm sinh ở phụ nữ mang thai; thừa vitamin B6 sẽ viêm đa dây thần kinh, giảm sút trí nhớ, tăng men gan; dùng vitamin C liều cao gây tan máu hay sử dụng sắt liều cao gây nôn mửa. Trong đơn thuốc đông dược hay có vị cam thảo gây tăng huyết áp, nên không được dùng chung.

Hơn nữa, việc đưa các chất, dù là chất bổ nếu dư thừa vào cơ thể sẽ bắt 2 cơ quan thanh lọc của cơ thể là gan và thận làm việc quá mức dẫn đến suy yếu và ảnh hưởng các cơ quan khác của cơ thể.

Tương tác thuốc với thực phẩm:

Nước bưởi ép làm tăng sinh khả dụng các thuốc tim mạch như Nifedipin, Felodipin, Nimodipin,… nhưng chỉ có tác dụng phụ của Felodipin tăng. Không uống nước bưởi ép khi đang dùng thuốc kháng histamin Terfenadin sẽ tăng độc tính trên tim. Không uống rượu khi dùng Fexofenadin có thể làm tăng nồng độ cồn và các chất an thần hệ thần kinh trung ương. Nhân sâm thường không khuyến khích sử dụng cho người bị tăng huyết áp bởi tác dụng phụ có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng huyết áp (ngoại trừ nhân sâm không chứa ginsenoid Rf dùng được cho người cao huyết áp), người bệnh tiêu chảy, đau dạ dày, xơ gan, phụ nữ trước khi sinh, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng không nên dùng sâm. Củ cải và đồ biển là đại hạ khí, còn sâm là đại bổ khí nên khi dùng sâm không ăn hải sản và củ cải.

Nước ép hoa quả, nước khoáng kiềm hoặc nước ngọt có gaz khi uống chung với thuốc sẽ làm hư thuốc hoặc hấp thu quá nhanh. Thức uống có cồn (alcol) như rượu uống với thuốc Aspirin sẽ gây loét dạ dày, uống rượu với thuốc giãn mạch sẽ gây ngất xỉu và làm nặng thêm tình trạng hạ đường huyết của insulin.

Vì bản chất của sữa là caseinat calci sẽ tạo phức với tetracyclin, antacid, ciprofloxacin,… làm giảm sinh khả dụng, giảm hấp thu thuốc nên không dùng sữa để uống thuốc.

Lựa chọn dung dịch uống:

Nước lọc đun sôi để nguội giúp cơ thể hấp thu thuốc/thực phẩm chức năng tốt nhất. Nên dùng từ 50 đến 100ml nước cho một lần uống. Khi uống thực phẩm chức năng phải uống nhiều nước trong ngày.

Thời điểm uống:

- Thuốc bổ uống tốt nhất vào buổi sáng sau ăn 30 phút. Nhân sâm buổi sáng, chậm nhất là trước 5 giờ chiều vì sâm kích thích thần kinh trung ương tiết adrenalin giúp hoạt bát, tỉnh táo. Thuốc tây phải cách thời gian uống sâm khoảng 2 giờ. Collagen uống vào buổi sáng trước khi ăn 30 phút và tối trước khi đi ngủ 30 phút vì đây là thời điểm quá trình trao đổi chất và sản sinh tế bào diễn ra mạnh mẽ, tại thời điểm này việc hấp thụ sẽ diễn ra tốt hơn, giúp phát huy tối đa công dụng của sản phẩm.

- Thuốc giảm đau kháng viêm ảnh hưởng bao tử nên phải uống sau khi ăn no. Thuốc ngủ uống buổi tối trước khi ngủ 30 phút. Thuốc lợi tiểu uống buổi sáng, glucocorticoid uống vào 8 giờ sáng để giữ nhịp sinh lý bình thường, tránh nguy cơ ức chế vỏ thượng thận.

- Rượu bổ khai vị, men tiêu hóa, lợi gan mật uống trước khi ăn 10- 15 phút.

- Thuốc trị viêm loét bao tử uống trước khi ăn để tráng thành bao tử. Các men vi sinh như Enterogermina phục hồi hệ vi khuẩn đường ruột có thể dùng chung với các thức uống như sữa, trà nhưng nếu dùng trong thời gian uống kháng sinh phải xen kẽ giữa các liều dùng.

- Viên tránh thai khẩn cấp Postinor nên uống ngay sau khi quan hệ, chậm nhất là 72 giờ (3 ngày) vì sau thời gian này không hiệu quả nữa và không được dùng quá 2 viên trong 1 tháng.

Liệu trình uống:

- Ginkgo biloba uống không quá 240mg/ngày trong 6 tháng, nghỉ 1 tháng.

- Collagen uống trong 3 tháng nghỉ từ 1 đến 2 tháng, việc uống Collagen tăng dần theo độ tuổi.

- Glucosamin uống 6 tháng ngừng và xin ý kiến bác sĩ.

- Các thuốc bảo vệ gan thận uống khi có kết quả xét nghiệm chức năng gan thận suy giảm và ngừng uống khi các chỉ số xét nghiệm trở lại bình thường./.

DSCK2. Lý Thị Nhất Định

Tài liệu tham khảo:

Dược lực học - ThS Trần Thị Thu Hằng - NXB Phương Đông 2017

Dược lâm sàng - NXB Y học Hà Nội 1998

Dược lý học - NXB Y học Hà Nội 2001

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tuong-tac-giua-cac-hoat-chat-dua-vao-co-the-qua-duong-tieu-hoa-a175964.html