Tương lai nhiên liệu hóa thạch gây tranh cãi

Tương lai của nhiên liệu hóa thạch đang gây tranh cãi, đe dọa đến khả năng đạt được cam kết đầu tiên hướng đến chấm dứt sử dụng dầu khí.

Các nước dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại TP Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang tranh cãi về tương lai của nhiên liệu hóa thạch, đe dọa đến khả năng đạt được cam kết đầu tiên hướng đến chấm dứt sử dụng dầu khí.

Theo Reuters, một số nước, trong đó có Nga và Ả Rập Saudi, cho rằng hội nghị chỉ nên tập trung vào việc giảm ô nhiễm khí hậu chứ không phải nhằm vào nhiên liệu hóa thạch gây ra ô nhiễm này.

Than, dầu và khí đốt hiện chiếm hơn 75% lượng phát thải toàn cầu vốn đang khiến thúc đẩy tác động ngày càng tồi tệ của khí hậu, trong đó có hạn hán, nắng nóng chết người, mực nước biển dâng…

Trái lại, ít nhất 80 quốc gia, trong đó có Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước dễ bị tổn thương, đòi hỏi thỏa thuận COP28 phải có nội dung rõ ràng về vấn đề chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trước diễn biến này, Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber hôm 9-12 thúc các quốc gia tăng tốc để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Một cuộc họp báo trong khuôn khổ COP28 tại TP Dubai - UAE hôm 10-12 Ảnh: Reuters

Vào đầu tuần này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã gửi thư kêu gọi các thành viên và đồng minh không chấp nhận để thỏa thuận nhắc đến nhiên liệu hóa thạch. Đây là lần đầu tiên OPEC có động thái can thiệp như thế vào các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais đã bảo vệ hành động của tổ chức này bằng phát biểu đọc trước các đại biểu tại hội nghị: "Chúng ta cần những cách tiếp cận thực tế để giải quyết vấn đề phát thải. Một hướng tiếp cận vừa giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa xóa nghèo và tăng khả năng tự cường".

Hành động của OPEC lập tức vấp phải nhiều chỉ trích. Ủy viên châu Âu về Hành động khí hậu Wopke Hoekstra cho rằng OPEC đã tìm cách làm chệch hướng thỏa thuận nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Quan chức này nói thêm rằng các đại biểu tập trung tại COP28 không phải để chú ý đến lợi ích tài chính hoặc quốc gia, mà làm những gì đúng đắn cho tương lai thế giới. Theo Reuters, ông Hoekstra cho rằng sẽ là một "vụ bê bối" nếu COP28 không đạt được thỏa thuận mang lại cơ hội ngăn nhiệt độ thế giới không tăng quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Trong khi đó, Đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc Giải Chấn Hoa hôm 9-12 cho rằng nếu không có thỏa thuận về nhiên liệu hóa thạch, sẽ không có nhiều cơ hội COP28 thành công. Trung Quốc hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, nhất là than. Ông Giải đánh giá tiến trình chuyển đổi năng lượng là cực kỳ quan trọng và mỗi nước có những điều kiện khác nhau.

Theo Reuters, Bắc Kinh muốn nội dung thỏa thuận thể hiện cần cắt giảm nhiên liệu hóa thạch càng nhanh càng tốt, đồng thời cho phép các nước đang phát triển duy trì an ninh năng lượng và phát triển kinh tế.

Về tranh cãi liên quan đến nội dung "loại bỏ dần" nhiên liệu hóa thạch trong dự thảo thỏa thuận tại COP28, ông Giải gợi ý có thể tìm "lối thoát" dựa theo thỏa thuận mà Trung Quốc và Mỹ đạt được hồi tháng 11. Cụ thể, văn kiện này cho biết hai bên nên "đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo" để "đẩy nhanh thay thế việc sản xuất than, dầu và khí đốt."

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tuong-lai-nhien-lieu-hoa-thach-gay-tranh-cai-196231210202442918.htm