Tương lai nào cho nhiên liệu hàng không bền vững

Các hãng vận tải Thái Lan đang hy vọng về sự hỗ trợ của chính phủ đối với việc sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Máy bay của Thai Airways tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay của Thai Airways tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Bangkok Post, các hãng vận tải Thái Lan đang hy vọng về sự hỗ trợ của chính phủ đối với việc sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), sau khi Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa đưa ra các khuyến nghị coi tài trợ công và đa dạng hóa các nguồn sản xuất SAF như các chiến lược để đạt được mức phát thải bằng không vào năm 2050.

Bà Marie Owens Thomsen, Phó chủ tịch cấp cao về phát triển bền vững và nhà kinh tế trưởng tại IATA, cho biết mức sản xuất SAF hiện tại là rất nhỏ so với nhu cầu hàng không toàn cầu.

IATA tính toán rằng SAF có thể đóng góp tới 62% mức giảm phát thải carbon mà ngành hàng không hướng đến vào năm 2050. Tuy nhiên, tỷ lệ sản xuất vào năm 2022 vẫn chỉ hạn chế ở mức 240 tỷ tấn mỗi năm, tương đương 0,1% lượng nhiên liệu máy bay được sản xuất trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là ngành phải tăng quy mô sản xuất nếu muốn theo đuổi mục tiêu này. Hiện tại, giá của SAF cao gấp ba lần so với nhiên liệu máy bay truyền thống.

Bà Marie Owens Thomsen cho biết ngành công nghiệp cần ít nhất 5.000 tỷ USD, tương đương 180 tỷ USD mỗi năm, cho quá trình chuyển đổi trong 28 năm tới. Theo bà, khoản ngân sách này tương tự như các khoản đầu tư vào năng lượng Mặt Trời và gió, và 1/3 số tiền chi cho các dự án dựa trên nhiên liệu hóa thạch.

Thách thức ở đây là khuyến khích các nhà hoạch định chính sách đầu tư thông qua các dự án tài chính công để giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn đầu cho các nhà đầu tư tư nhân. Trong các giai đoạn sau, khu vực tư nhân sẽ dẫn đầu sản xuất SAF, chiếm khoảng 2/3 sản lượng.

IATA cũng kêu gọi đa dạng hóa lộ trình sản xuất SAF trên mọi khu vực. Trong 5 năm tới, hơn 85% SAF có thể sẽ được sản xuất từ este và axit béo được xử lý bằng hydro (HEFA). Ông Hemant Mistry, Giám đốc chuyển đổi năng lượng tại IATA, cho biết việc sản xuất SAF còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu sẵn có.

Các lựa chọn khác bao gồm quy trình biến cồn thành nhiên liệu phản lực và quy trình Fischer-Tropsch, được tạo ra từ thế hệ nguyên liệu thứ ba, chẳng hạn như chất thải thực phẩm và chất thải rắn đô thị. Ông Hemant Mistry cho biết hai tùy chọn này có sẵn nhiều hơn trên toàn cầu và có khả năng mở rộng hơn so với thế hệ nguyên liệu thứ hai như chất béo, dầu và mỡ thải được sử dụng trong sản xuất HEFA.

Hơn 130 dự án liên quan đến 85 nhà sản xuất trên 30 quốc gia đã được công bố để sản xuất công suất ước tính 55 triệu tấn năng lượng tái tạo, bao gồm SAF và nhiên liệu bền vững như dầu diesel tái tạo. Theo IATA, nếu các dự án này được tài trợ, cơ sở sản xuất sẽ đa dạng hơn hiện tại, với sự phát triển mới ở mọi khu vực, bao gồm Nam Mỹ và Trung Đông.

Hiện tại, Neste của Singapore là nhà sản xuất duy nhất ở châu Á có khả năng sản xuất 1 triệu tấn SAF hàng năm. IATA cho biết trong 5 năm tới, dự kiến sẽ có thêm nhiều dự án ở châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Tại Thái Lan, BSGF - một liên doanh giữa Bangchak Corporation, BBGI (chi nhánh công nghệ sinh học của Bangchak) và Thanachok Oil Light - hy vọng sẽ sản xuất 1 triệu lít SAF mỗi ngày từ quý IV/2024.

Ông Chai Eamsiri, Giám đốc điều hành của hãng hàng không Thai Airways International, cho biết hãng đặt mục tiêu sử dụng SAF cho 5% tổng mức tiêu thụ nhiên liệu vào năm 2030. Ngoài việc hợp tác với Bangchak, Thai Airways còn hợp tác với PTT Global Chemical về nghiên cứu và phát triển SAF.

Ông Chai Eamsiri cho rằng Chính phủ Thái Lan hoặc một tổ chức như Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan, cơ quan quản lý hàng không của đất nước, phải chịu trách nhiệm thiết lập các mục tiêu bền vững và SAF cho toàn ngành, nghiên cứu khả năng sản xuất của các nhà cung cấp nhiên liệu và nhu cầu từ các hãng hàng không. Ông nói, các hãng vận chuyển không nên chịu trách nhiệm duy nhất trong việc cố gắng đạt được các mục tiêu giảm carbon.

Ví dụ, bằng cách yêu cầu tất cả các hãng hàng không Thái Lan phải có SAF chiếm 5% mức tiêu thụ nhiên liệu của họ vào năm 2030, điều này sẽ cho phép chính phủ tính toán lượng nhiên liệu tái tạo cần thiết, và phát triển đủ nguồn nguyên liệu và năng lực của các cơ sở lọc dầu, ông Chai cho biết.

Bên cạnh đó, ông Chai cũng đề xuất một chính sách yêu cầu tất cả các hãng hàng không sử dụng một lượng SAF như nhau nhằm ngăn chặn tình trạng bất lợi trong cạnh tranh, vì SAF đắt hơn nhiên liệu máy bay.

Trong khi đó, Chủ tịch của Bangkok Airways, ông Puttipong Prasarttong-Osoth, cho biết hãng hàng không này đã bắt đầu tổ chức các cuộc thảo luận với tập đoàn dầu mỏ Thai Oil về sự phát triển của SAF. Theo ông, chính phủ nên khuyến khích sản xuất để tạo ra nhiều nguồn cung sẵn có hơn và điều này có thể giúp giảm chi phí sản xuất SAF./.

Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tuong-lai-nao-cho-nhien-lieu-hang-khong-ben-vung/295094.html