Tương lai hợp tác Việt Nam–Banglades phụ thuộc sự năng động của các doanh nghiệp

VOV.VN -Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bangladesh, chiều nay, tại Thủ đô Dhaka đã diễn ra Diễn đàn chính sách, pháp luật hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam–Bangladesh do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam, Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bangladesh tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự diễn đàn. Diễn đàn có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện các cơ quan, doanh nghiệp hai nước.

Điểm nhấn trong quan hệ song phương là hợp tác thương mại

Phát biểu khai mạc, bà Shomi Kaiser, Phó Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh cho rằng, điểm nhấn trong quan hệ song phương là hợp tác thương mại. Bangladesh xuất khẩu sang Việt Nam hàng dệt may, thủy sản, điện tử, nhập từ Việt Nam máy móc thiết bị điện tử, bông, da dầy và các loại máy móc. Cho biết quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư hai nước hiện chưa tương xứng với tiềm năng, theo bà Shomi Kaiser, hiện hai nước chưa có Hiệp định thương mại tự do nhưng Bangladesh có thị trường rộng lớn, mong muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh, thương mại trên tinh thần “hai bên cùng thắng”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự diễn đàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự diễn đàn.

Bangladesh hiện nay đang nỗ lực thực hiện “Tầm nhìn 2041” về xây dựng Bangladesh hiện đại và tri thức vào năm 2041 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Bangladesh có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ngân hàng trực tuyến, cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh sẵn sàng hơp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Shomi Kaiser cho biết Bangladesh đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số. Hiện GDP của Bangladesh đã đạt GDP 455 tỷ USD năm 2022, đang hướng tới mục tiêu 1.000 tỷ USD. Công nghệ xanh, sạch được Bangladesh sử dụng ngày càng nhiều, đa dạng. Hai nước có điểm đồng về thị trường xuất khẩu, Việt Nam có mặt hàng xuất khẩu đa dạng. Bangladesh đang nỗ lực giải quyết các thách thức để ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp. Trên tinh thần đó, Bangladesh mong muốn chia sẻ kinh nghiệm phát triển, tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại trong tương lai.

Việt Nam xác định nội lực là cơ bản quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau hơn 37 năm tiến hành công cuộc Đổi mới và Hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Từ một đất nước chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế - xã hội, từ năm 1986, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, một nền kinh tế có tốc độc tăng trưởng cao, liên tục khoảng 6%/năm, một thị trường tiềm năng với 100 triệu dân có tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng, là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, là địa điểm an toàn, ưa thích của du khách quốc tế.

Từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia và tham gia hơn 70 diễn đàn, tổ chức khu vực và thể giới. Từ một nước tiếp nhận viện trợ nhân đạo, Việt Nam nay trở thành đối tác tin cậy và trách nhiệm ở khu vực và toàn cầu, hoàn thành tốt nhiều trọng trách quốc tế. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu

Chủ tịch Quốc hội phát biểu

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về gói kích thích kinh tế khoảng 8,3% GDP trong 2 năm, Việt Nam đã kiểm soát sớm được dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, nhanh chóng phục hồi và phát triển hậu đại dịch. Ngay trong thời kỳ khắc nghiệt nhất, khi hầu hết các nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương 3%, trong khi đó lạm phát thấp.

Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02% và lạm phát được kiểm soát 3,15%, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 410 tỷ USD, đứng thứ 38 trên thế giới. Kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 735 tỷ USD, thuộc Top 20 về quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam cũng đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5% và lạm phát khoảng 4% trong năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, điều thú vị cũng giống mục tiêu của Bangladesh đã đưa ra, Việt Nam đã xác định 2 mục tiêu phát triển 100 năm của đất nước: đến 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện mục tiêu và khát vọng nói trên, Việt Nam xác định nội lực là cơ bản quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Việt Nam luôn xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một bộ phận cấu thành, hữu cơ quan trọng của nền kinh tế và có môi trường đầu tư, ưu đãi đầu tư rất hấp dẫn. Cho đến nay, Việt Nam đã thu hút 37.000 dự án FDI từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ USD, trở thành một trong 20 nước thu hút FDI thành công nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, nợ công của Việt Nam cũng rất thấp khoảng 40% GDP.

Ngoài lực lượng lao động đông đảo, có trình độ học vấn và chi phí sản xuất cạnh tranh, cho đến nay Việt Nam đang tham gia 16 hiệp định thương mại tự do FTA có hiệu lực, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (như CPTPP, RCEP, EVFTA…) với hơn 60 nước và vùng lãnh thổ.

Về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: "Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật có tính khả thi và đồng hành cùng doanh nghiệp, coi sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp là thành công của chính mình…..Đó là thông điệp nhất quán mà chúng tôi gửi đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh. Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, Việt Nam xác định Bangladesh là một đối tác quan trọng và hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á, là điểm đến đầu tư nhiều tiềm năng cho các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong tương lai. Với vị trí địa lý thuận lợi, Bangladesh được coi là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập, tiếp cận và tiếp tục vươn rộng ra các thị trường Nam Á và Trung Đông khác. Ngược lại, các doanh nghiệp Bangladesh có thể thấy tầm quan trọng của Việt Nam để mở rộng thâm nhập vào các thị trường ASEAN, một thị trường có quy mô lớn thứ 5 trên thế giới và mở rộng sang các nước đối tác mà Việt Nam có Hiệp định Thương mại tự do FTA."

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Thúc đẩy hai nước sớm ký mới bản ghi nhớ trong lĩnh vực hợp tác nông nghiệp

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế toàn cầu; với hơn 270 triệu người, Việt Nam và Bangladesh cần tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi thương mại cho nhau, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp hai nước để duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, cùng nhau thu hút vốn công nghệ cho phát triển các chuỗi cung ứng mới có tính công nghiệp có giá trị gia tăng cao, vật liệu xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, phát triển công nghiệp và du lịch …. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trên cơ sở đó, hai nước sớm phấn đấu đạt kim ngạch thương mại khoảng 2 tỷ USD.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

Đánh giá cao Bangladesh đã xanh hóa ngành dệt may và vẫn giữ được đơn hàng trong bối cảnh các nước đang bị giảm sút, Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai nước phối hợp để phát triển chuỗi giá trị của dệt may trên cơ sở cùng hợp tác, không cạnh tranh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị doanh nghiệp hai bên tích cực trao đổi, thúc đẩy hợp tác ngành nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch nông nghiệp xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi trồng và chế biến ngọc trai.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp và các Liên đoàn các Phòng Thương mại công nghiệp thúc đẩy hai nước sớm ký mới bản ghi nhớ trong lĩnh vực hợp tác nông nghiệp, gia hạn bản ghi nhớ về hợp tác thủy sản và chăn nuôi.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng và hy vọng rằng, tại Diễn đàn này, các doanh nghiệp sẽ trao đổi, tìm hiểu, tận dụng các cơ hội hợp tác và đầu tư vào thị trường của nhau. Tương lai quan hệ hợp tác Việt Nam – Bangladesh còn rất lớn phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác năng động, sáng tạo, hiệu quả của chính các doanh nghiệp. Hai bên sẽ cùng nhau viết tiếp chương mới cho 50 năm tiếp theo với những kết quả mạnh mẽ hơn, đột phá hơn, toàn diện hơn, mang lại phồn vinh cho hai đất nước và hạnh phúc của nhân dân hai nước.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến Lễ ký kết các bản ghi nhớ MOU giữa doanh nghiệp hai nước: Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty BMH Việt Nam với Tập đoàn Doreen Group Bangladesh về hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ và phát triển sản xuất thép tiền chế; thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Hỗ trợ phát triển Bangladesh Việt Nam ký với Hiệp hội Dược phẩm Bangladesh về trao đổi dược phẩm; hợp đồng về thành lập Liên minh du lịch giữa Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Hương Giang với Hiệp hội Du lịch Bangladesh.

Lê Tuyết/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tuong-lai-hop-tac-viet-nam-banglades-phu-thuoc-su-nang-dong-cua-cac-doanh-nghiep-post1047765.vov