Tuổi xanh dâng cho Tổ quốc

Quảng Ngãi là vùng đất lửa trong chiến tranh. Năm 1945, hàng loạt sinh viên, trong đó có chàng trai khá nổi tiếng là Hoàng Ngọc Tân đã gác bút nghiên tham gia trận công đồn Tú Thủy, để rồi giặc Pháp phải khắc lên bia người chỉ huy của ông là 'mort pour sa patrie' (người đã hy sinh vì Tổ quốc). Năm 1967, người con gái là chị Đặng Thùy Trâm từ Hà Nội xung phong vào vùng đất lửa và trở thành hình tượng bất khuất.

Gác bút nghiên lên đường

Ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) có gia đình bà Hoàng Thị Ngọc Diên vẫn giữ đậm ký ức thời năm 1945. Gần 75 năm tính ra đã là một đời người, nhưng bà Diên vẫn nhớ rõ khi kể về người anh trai đã hy sinh và nhắc lại câu chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua. Càng già càng nhớ chuyện xưa, ký ức xưa cũ giống như vẫn lưu lại trong bốn bức tường. Trên bàn thờ xếp một dãy di ảnh, trong đó có tấm ảnh một chàng trai với nét mặt trẻ, đẹp, thông minh: đó là sinh viên Hoàng Ngọc Tân, hy sinh trong thời kỳ chống Pháp.

Ngôi nhà của bà Diên nằm cuối dòng sông Phú Thọ. Ngồi trên hè ngôi nhà được xây dựng theo phong cách của thập niên 50 thế kỷ trước, bà Diên ngó ra sông với ánh mắt bàng bạc. Bà Diên kể về người anh trai: "Anh Tân định cưới vợ, nhưng tạm gác lại để đi học, rồi tòng quân ra trận. Thời đó nếu mà anh còn sống và tổ chức đám cưới thì rất linh đình, phía trước che lọng, có người đi hai bên ôm hai con ngỗng trắng, kế đến là rước kiệu, khiêng võng đung đưa, mọi người đều mặc trang phục cổ truyền...".

Trong quá khứ, ngôi nhà bà Diên đang ở được gọi là Dinh bà Mạng. Bà Mạng là vợ thứ năm của quan Phụ chính đại thần Nguyễn Thân khét tiếng của triều đình Huế, bà được người dân gọi là "nhất phẩm mệnh phụ phu nhân". Nguyễn Thân về hưu, sống tại địa phương và chết từ năm 1914. Ông là vị quan để lại tiếng xấu vì đã mang quân triều đình đi đàn áp phong trào Cần Vương chống Pháp.

Thời điểm năm 1945, người anh trai của bà Diên là Hoàng Ngọc Tân đang tràn ngập trong lòng không khí tổng khởi nghĩa. Gia đình sinh sống tại phố thị Thu Xà. Đây là nơi giao thương buôn bán tấp nập như Hội An ở Quảng Nam. Hoàng Ngọc Tân học giỏi, tài hoa. Phong cách Tây học sáng giá của cậu Tân đã được người cháu gái rất mực xinh đẹp của bà Mạng đem lòng yêu thương. Thời đó vẫn theo lệ cũ, việc cưới hỏi phải môn đăng hộ đối, các quan lại thường cho con kết duyên với nhau. Tuy nhiên, nếu chàng trai đó là người học hành nổi bật thì luôn được gia đình các quan lại chú ý.

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm (bìa phải) cùng các y, bác sĩ tại Trạm xá Đức Phổ, Quảng Ngãi (ảnh tư liệu)

Cụ Hoàng Văn Vịnh là ông nội của cậu Tân tìm cách từ chối khéo, vì phía dòng họ Nguyễn Thân là quan lại, nhưng đánh tiếng làm sui gia với một gia đình thường dân. Sau khi từ chối không được thì hai bên kết sui gia bằng lễ dạm hỏi. Cậu Tân phải tiếp tục ra Huế để đèn sách tại ngôi trường nằm trên đường Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi), học chương trình Lyceé Khải Định. Thời điểm đó, cả nước bừng bừng khí thế tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945, riêng ở tỉnh Quảng Ngãi thì không khí khởi nghĩa đã bùng lên từ cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945, làm chấn động núi rừng.

Bà Diên kể lại: "Anh tôi đang học ở Huế thì cả trường xin tòng quân, nhập vào đội quân Nam Tiến của ông Vi Dân từ Hà Nội vào để tiến lên Tây Nguyên đánh Pháp. Không khí tòng quân hy sinh vì tổ quốc tràn ngập, nên mọi người đều hát bài "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu/Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân...". Chồng chưa cưới đi đánh trận, người vợ là chị Thuyền ở nhà chờ đợi, hàng ngày ngóng anh bên sông Phú Thọ. Đơn vị của anh tiến về đánh đồn Tú Thủy ở huyện An Khê, tỉnh Gia Lai. Quân Pháp từng lên tiếng thách thức: "Bao giờ nước sông Ba chảy ngược lên non thì Việt Minh mới dám đụng đến đồn Tú Thủy..".

Trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai có đề cập, đồn Tú Thủy được Pháp xây kiên cố, kiểm soát vùng cửa ngõ An Khê đi Đình Quang, Vĩnh Thạnh (Bình Định). Tài liệu của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đề cập trận Tú Thủy có hơn 300 dân quân, du kích của các làng tham gia. Tuy nhiên, trận tấn công đã thất bại do hỏa lực của địch quá mạnh, phía quân ta bị lộ và Chi đội trưởng Vi Dân đã hy sinh.

Năm 1984, cha của liệt sĩ Hoàng Ngọc Tân già yếu và qua đời ở tuổi 84. Khi còn sống, ngày nào ông cũng nhắc đến câu chuyện lính Pháp cảm phục tinh thần quyết tử của đội quân Việt Minh, vì vậy đã khắc lên tấm bia dòng chữ "Ici reposé colonel Vi Dân, mort pour sa patrie" (Nơi yên nghỉ của Đại tá Vi Dân, người đã hy sinh vì Tổ quốc).

Hai chị Kim Trâm và Phương Trâm

Người con gái trở thành hình tượng bất khuất

Sáng 26/7/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến thăm gia đình Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhìn bóng dáng mẹ của liệt sĩ này là bà Doãn Ngọc Trâm, năm nay 99 tuổi, tôi hơi bất ngờ vì trong lần ghé thăm gần đây chỉ được gặp hai em gái của nữ liệt sĩ. Mẹ của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm vẫn minh mẫn, thần sắc sáng sủa. Bà tâm tình rằng nếu con gái bà còn sống thì năm nay đã 81 tuổi. Bà còn chúc Bộ trưởng Bộ Y tế và ngành Y đạt được nhiều kết quả trong công việc.

Năm 1966, bác sĩ Đặng Thùy Trâm (SN 1942) sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Hà Nội, đã xung phong vào chiến trường miền Nam. Đến ngày 22/6/1970, trong giai đoạn chiến đấu máu lửa, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã hy sinh. Năm 2007, cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được Nhà xuất bản Random Houes phát hành tại Mỹ và nhiều quốc gia với tên tiếng Anh là "Last night, I dreamed of peace" ("Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình").

Mấy chị em trong gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm đều chung tên Trâm. Tôi được gặp hai chị Kim Trâm và Phương Trâm. Ngôi nhà của bác sĩ Đặng Thùy Trâm nằm trong ngõ 147, phố Đội Cấn (Q.Ba Đình, Hà Nội). Chị sinh ra trong một gia đình trí thức, cha là bác sĩ ngoại khoa, mẹ là giảng viên ngành Y. Dù nằm giữa phố nhộn nhịp nhưng cuộc sống trong ngôi nhà này vẫn trôi đi trong không khí yên bình và hoài niệm. Trước bàn tiếp khách là 4 bức tranh sơn dầu do chính người em của bác sĩ Đặng Thùy Trâm vẽ hình hoa sen.

Chị Kim Trâm say sưa giới thiệu về ý nghĩa của hoa sen hồng vươn lên rực rỡ giữa đầm sen tràn ánh mặt trời, bức tranh đóa sen trắng thấp thoáng dưới ánh hoàng hôn, có cả tranh vẽ cảnh sen tàn, nhưng được phối màu tươi sáng. Chị Phương Trâm nói về triết lý của hoa sen, giống như cuộc đời của người mẹ và người chị Đặng Thùy Trâm. Cả cuộc đời bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã sống hết mình rồi tỏa sáng cho thế hệ mai sau tiếp bước, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.

Bà Hoàng Thị Diên bên di ảnh người anh trai hy sinh trong thời kỳ chống Pháp

Vị khách đặc biệt nhất đã từng ngồi trong căn phòng trưng bày những tấm ảnh hoa sen là một cựu binh Mỹ. Năm 2005, Whitehurst Fredric - một cựu binh Mỹ mà giờ đây đã trở thành ông lão già nua, đã đứng tần ngần trước ngôi nhà của người nữ bác sĩ mà đơn vị ông từng oanh tạc, càn quét. Bà Doãn Ngọc Trâm đồng ý gọi ông bằng "con". Bà cũng trút được một phần nỗi đau lòng mình khi nghe người lính từng đứng bên kia chiến tuyến chia sẻ về nỗi sầu muộn trong tâm tư của những người lính Mỹ từng trực tiếp sang Việt Nam tham chiến và cứ đeo đẳng theo họ hết cuộc đời còn lại.

Từ Thủ đô Hà Nội, hai chị Kim Trâm và Phương Trâm đã gần 10 lần vào tỉnh Quảng Ngãi, đi lên cánh rừng, băng qua đập Liệt Sơn để tìm đến tận nơi người chị ruột của mình từng chiến đấu rồi hy sinh. Hai chị hỏi tôi về những nhân chứng còn lại ở huyện Đức Phổ mà hai chị không có thời gian tìm kiếm hết, để nghe họ trực tiếp kể về những ngày cuối cùng của chị mình.

Hai người em của bác sĩ Đặng Thùy Trâm được tôi kết nối với người thân của bà Võ Thị Thu Thủy, hiện sống tại xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ), từng là học trò của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Bà Thủy từng mô tả những loại máy bay nguy hiểm nhất thời đó là loại cán gáo (OH-6 Cayuse), chiếc máy bay này luồn vào từng khóm rừng, treo lơ lửng một chỗ rồi mới xả súng bắn. Trong cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm không mô tả hết nỗi gian khổ của cô và trò khi sống trong cảnh thiếu thốn lúc đó. Nhưng học trò của bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã kể lại và tôi chuyển câu chuyện đó tới hai chị Kim Trâm và Phương Trâm: đó là những ngày thiếu gạo, ăn rau rừng, thỉnh thoảng phải rời trạm xá, mắt nhìn ngược lên ngọn cây để chạy tránh ánh mắt cú vọ của máy bay trinh sát địch.

Chị Phương Trâm kể nhiều kỷ niệm trong những lần trở lại huyện Đức Phổ. Chị nói rằng mỗi lần trở lại đều cảm nhận được sự hy sinh của người chị Đặng Thùy Trâm và mong sao thế hệ trẻ hãy sống xứng đáng với những anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, quên mình, hy sinh tất cả cho nền hòa bình, thống nhất đất nước.

Lê Văn Chương

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/tuoi-xanh-dang-cho-to-quoc_150373.html