Tuổi trẻ và khát khao cống hiến

Không ngại khó khăn, gian khổ, tự nguyện đem sức trẻ, tài năng, trí tuệ đóng góp cho lợi ích chung, đó là phẩm chất đáng quý của ba gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực y học: Thạc sĩ Ứng Thị Hồng Trang, bác sĩ Phạm Văn Phúc, bác sĩ Trần Anh Ðức.

Không ngại khó khăn, gian khổ, tự nguyện đem sức trẻ, tài năng, trí tuệ đóng góp cho lợi ích chung, đó là phẩm chất đáng quý của ba gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực y học: Thạc sĩ Ứng Thị Hồng Trang, bác sĩ Phạm Văn Phúc, bác sĩ Trần Anh Ðức.

Thạc sĩ Ứng Thị Hồng Trang, sinh năm 1987, là nghiên cứu viên khoa Vi-rút - Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, đã có hơn 5 năm tham gia công tác phòng, chống các dịch bệnh mới nổi, các bệnh lây truyền từ động vật sang người tại Việt Nam như: Cúm gia cầm độc lực cao, Mers CoV, Ebola và gần đây nhất là dịch Covid-19. Bên cạnh công việc chủ yếu là nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, chị còn tham gia lấy mẫu bệnh phẩm có chứa các vi sinh vật từ người bệnh. Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 1-2020, chị Trang trực tiếp thực hiện việc lấy mẫu, xét nghiệm các ca bệnh từ Trung Quốc về, hay những người nhiễm bệnh đầu tiên tại ổ dịch ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Thành công lớn nhất của chị Trang là cùng đồng nghiệp tiến hành nuôi cấy và phân lập thành công vi-rút SARS CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2-2020, giúp nước ta trở thành một trong năm quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được vi-rút SARS CoV-2. Thành công nêu trên tạo điều kiện cho việc sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm, nâng khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày trong trường hợp cần thiết. Ðồng thời, giúp nghiên cứu về độc lực của vi-rút này trên người, đặc điểm lây nhiễm, hỗ trợ công tác điều trị và chống dịch hiệu quả. Với những đóng góp cho cộng đồng, thạc sĩ Ứng Thị Hồng Trang là một trong chín thành viên của nhóm được nhận giải thưởng Kovalevskaia 2019 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dành tặng các tập thể và cá nhân nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc nghiên cứu chế tạo Bộ sinh phẩm Real-time RT-PCR phát hiện SARS CoV-2 năm 2020.

Là người trực tiếp điều trị, chăm sóc cho người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch; thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, sinh năm 1990, Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 cùng các nhân viên trong khoa đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao để điều trị bệnh. Nhờ đó, tất cả người bệnh Covid-19 vào khoa đã được điều trị khỏi. Trong quá trình điều trị cho người bệnh mắc Covid-19 nặng, bác sĩ Phúc ấn tượng nhất là người bệnh thứ 20, nhập viện trong tình trạng phổi tổn thương nặng. Sau một thời gian điều trị, phổi của người bệnh xuất hiện diễn biến xấu dẫn đến tình trạng tràn khí. Ngay trong đêm, bác sĩ Phúc cùng kíp trực đã thực hiện tim phổi nhân tạo (ECMO) để cứu sống người bệnh. Không lâu sau đó, người bệnh lại tiếp tục bị ngừng tim khi các bác sĩ chuẩn bị có phương án cai thở máy. "Thời điểm đó, tôi cùng các bác sĩ khác mới đầu khá lo lắng. Tuy nhiên, sau khi cấp cứu kịp thời, nhịp tim của người bệnh đã trở lại bình thường, có thể ngồi dậy và nói chuyện với con gái. Ðó là một kỳ tích"- bác sĩ Phúc chia sẻ. Thành công trong điều trị người bệnh Covid-19 nặng tại Khoa Hồi sức tích cực đã góp phần vào thành công chung trong phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước.

Bác sĩ Trần Anh Ðức, sinh năm 1989, công tác tại Khoa Sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đã có nhiều đề tài, sáng kiến kỹ thuật về sản khoa được nghiệm thu và ứng dụng. Anh đã cùng các đồng nghiệp thực hiện chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh các trường học tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận thông qua chuỗi chương trình "Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cùng bé lớn khôn" với mục đích giáo dục giới tính, truyền thông về sức khỏe sinh sản học đường cho thế hệ tương lai của đất nước. Chương trình cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, chính xác, hữu ích về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, những thay đổi về tâm sinh lý tuổi dậy thì… Từ đó, giúp các em có nhận thức đúng đắn về vấn đề này, có trách nhiệm trong các mối quan hệ, tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài công việc chuyên môn, bác sĩ Trần Anh Ðức còn tổ chức các hoạt động từ thiện, tham gia đỡ đầu làng trẻ mồ côi SOS. Khi dịch Covid-19 bùng phát trong nước, anh đã viết đơn tình nguyện ra tuyến đầu phòng, chống dịch.

Với những đóng góp nổi bật cho cộng đồng, thạc sĩ Ứng Thị Hồng Trang, bác sĩ Phạm Văn Phúc, bác sĩ Trần Anh Ðức vừa được Thành đoàn Hà Nội bầu chọn là ba trong số 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô năm 2020. Với họ, danh hiệu là động lực để đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng.

MINH ANH (Hà Nội)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tuoi-tre-va-khat-khao-cong-hien-639778/