Tuổi 18, chị mang thanh âm Quan họ vào chiến trường miền Nam

Đoàn Văn công Hà Bắc bị biệt kích truy đuổi, các đơn vị bộ đội yểm trợ chúng tôi chạy thoát thân về trạm 34. Vừa đến chân núi thì trên đỉnh có tiếng gọi vọng xuống rằng 'Ngải ơi', tôi nhảy lên sung sướng vì nghĩ gặp được người làng. Tôi thoăn thoắt chạy lên lưng núi còn người kia từ đỉnh chạy xuống. Ai mà ngờ, tại đỉnh Trường Sơn, tôi và người yêu đã gặp lại nhau.

""Ôi anh à, hôm nay em hành quân suýt chết, biệt kích truy đuổi" và chồng tôi khi ấy mặt bị phù nề, biến dạng trả lời rằng anh cũng suýt chết, bị sức ép bom nên mới thành ra như này. Chúng tôi hết khóc lại cười, nắm tay nhau thôi, tình yêu tuổi 18 trong sáng vậy." - Đó là câu chuyện của NSƯT Lệ Ngải, một liền chị nổi đình nổi đám của làng Quan họ.

Chị là một trong hai học sinh ưu tú của Đoàn Quan họ Bắc Ninh (Nhà hát Quan họ Bắc Ninh ngày nay) được cử đi phục vụ tại chiến trường miền Nam. Với khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”, Lệ Ngải cùng Đoàn Văn công xung kích Hà Bắc đã đi gần hết các tuyến đường C599, qua các trận tuyến ác liệt như Bắc Quảng Trị, đèo Khỉ, Savanakhet (Lào), mặt trận Đường 9 Nam Lào… Đi đến đâu, có thời cơ thuận lợi là đoàn lập tức dựng sân khấu dã chiến để phục vụ chiến sĩ, dù chỉ một người cũng diễn, không quản ngày đêm.

Gọi là “chị” theo lối Quan họ chứ NSƯT Lệ Ngải năm nay đã 73 tuổi. Bà sinh ra và lớn lên ở làng Ngang Nội, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, một vùng quê có truyền thống quan họ lâu đời nhất nhì Kinh Bắc. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống, có bố là nghệ nhân Quan họ Nguyễn Đức Sôi (người thành lập Đoàn Quan họ Bắc Ninh), từ thuở bé, bà đã mang trong mình một tình yêu lớn lao với Quan họ. Bà nói với chúng tôi rằng chắc do nghe Quan họ từ khi nằm trong bụng mẹ hay sao mà 5 tuổi bà đã biết hát Quan họ, bài nào nghe cũng thấy quen, học thuộc rất nhanh.

NSƯT Lệ Ngải (sinh năm 1951) tên thật là Nguyễn Thị Ngải là một trong 5 cô gái tham gia Đoàn Văn công xung kích Hà Bắc, vào chiến trường miền Nam phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Qua cầu Hồ vào thành phố Bắc Ninh rồi đi thẳng vào con phố Nguyễn Trãi, hỏi nhà bà Ngải hát Quan họ thì ai cũng biết, nhà bà Ngải nằm ngay bên Nhà hát Quan họ (cũ). Chúng tôi đến nơi, bà niềm nở đón tiếp và mời chúng tôi trà “lá ổi”. Có lẽ quen với hình ảnh các liền chị mặc áo tứ thân, mang nón quan thao nên khi gặp bà, tôi có chút ngạc nhiên vì thấy bà thật giản dị. Biết “lũ trẻ” chúng tôi đến tìm hiểu về lịch sử, về Quan họ, bà vui lắm. Tôi thấy điều đó trong đôi mắt của bà, không chỉ ở lần đầu gặp mà trong suốt câu chuyện về Quan họ đều gặp ánh mắt biết cười. Và đôi mắt ấy chỉ ngấn lệ khi nhắc đến những ngã xuống tại chiến trường năm xưa.

“18 tuổi, tôi vào chiến trường”

Chưa từng được huấn luyện, những cô gái của Đoàn Văn công xung kích Hà Bắc gặp nhiều khó khăn khi hành quân vào chiến trường. Bà Ngải kể cho chúng tôi nghe những ngày đầu “bom rơi đạn lạc”.

Bà kể: “Năm 1970, tôi và một số nghệ sĩ khác được chọn vào Đoàn Văn công xung kích Hà Bắc để phục vụ chiến trường. Đoàn chúng tôi có 14 người, trong đó có 5 cô gái. Tháng 12, chúng tôi chính thức đặt chân đến điểm tập kết tại chiến trường tại Bắc Quảng Trị với nhiệm vụ đầu tiên là phục vụ binh trạm 207. Máy bay B52 rải bom dọc tuyến đường 1A nên chúng tôi thường đi vào ban đêm.

Những ngày đầu tiên, nghe tiếng bom dội hai bên, năm chị em sợ, ôm nhau khóc. Các anh bộ đội động viên rằng bom nổ to vậy nhưng cũng phải cách 4 đến 5 cây số cơ. Và những ngày đầu chúng tôi cũng mất ngủ vì tiếng bom đó, vừa nhắm mắt được một lúc lại “bùm, bùm”, sao mà lắm bom thế. Về sau, chúng tôi cũng quen dần, một phần bởi vì ban ngày hành quân liên tục, đến nơi chúng tôi mệt nên thiếp đi”.

Hình ảnh thiếu nữ Lệ Ngải năm 18 tuổi vào chiến trường được các chiến sĩ chụp lại.

“Tôi nhớ lần phục vụ cho các thương binh và cán bộ tại những bệnh xá trên đường dây 59. Các anh bị thương, bị bệnh nằm rất nhiều, có người trúng đạn ở tay chân, có người bị thương ở đầu, có người thì sốt rét rừng. Thấy chúng tôi đến, các anh cố ngồi dậy nghe chúng tôi hát, chúng tôi hát cả Chèo, Quan họ rồi cả diễn kịch và ngâm thơ. Nghe những câu hát, bài thơ về quê hương ai cũng xúc động vì nhớ nhà, nhớ quê hương.

Khi chúng tôi phục vụ, có tiết mục mặc trang phục áo lụa màu cánh gián, có anh bộ đội thủ thỉ: “Mười năm nay rồi chưa được nhìn thấy hình ảnh cô gái miền Bắc mặc áo cánh gián xẻ tà như này, cô cho tôi được chạm vào cái vải lụa này nhé”. Rồi các anh xuýt xoa “ôi sao mà mềm mại”.

“Sự sống và cái chết lúc nào cũng liền kề, nó có trừ ai đâu, chẳng trừ ai cả. Nó mong manh, giữ cũng không được. Cứ đi thôi, không màng gì cả…”, bà Ngải bộc bạch.

Gặp một người chúng tôi cũng phục vụ, đôi khi phục vụ qua máy thông tin, một ngày diễn 5 đến 7 buổi, cứ thấy bộ đội là phục vụ các anh mà không biết mệt mỏi. Các anh bảo chúng tôi rằng: “Đúng là tiếng hát át tiếng bom trên đỉnh Trường Sơn”. Chúng tôi đến những kho hàng chứa gạo, súng ống, những kho ấy nằm trong rừng sâu. Tôi nhớ có những hầm lớn của bộ đội công binh có thể chứa đến hàng nghìn người. Buổi tối, người ta cuốn giẻ vào uống nứa, tẩm dầu mazut vào để thắp sáng. Diễn xong mặt mũi đen ngòm hết cả, lỗ mũi hít dầu cũng đen sì. Rồi chúng tôi đến tận bếp Hoàng Cầm để phục vụ tại chỗ cho các anh nuôi…”.

“Tiếng hát át tiếng bom”

Một trong những vở diễn tôi nhớ nhất đó là lần phục vụ tiểu đoàn xe của sư đoàn 59. Tôi đóng vai bà mẹ 70 tuổi. Diễn xong vở kịch thì bất ngờ có một anh bộ đội lái xe chạy lại ôm chầm lấy tôi rồi khóc rưng rưng: “Mẹ ơi, năm nay mẹ bao nhiêu tuổi rồi ạ”. Tôi lúc ấy cũng rất là hồn nhiên trả lời: “Thưa bác thủ trưởng, em 18 tuổi ạ”. Thế là anh ấy thốt lên: “Ôi mẹ ơi, mẹ 18 tuổi mà sao mẹ giống mẹ tôi 70 tuổi, tôi tưởng mẹ tôi vào thăm tôi, tôi tưởng được gặp mẹ”. Thế rồi hai người cứ ôm lấy nhau khóc. Rồi anh dặn tôi nếu có ra Bắc trước thì về gặp mẹ anh, nhắn rằng đã gặp anh ở chiến trường…”.

Hình tượng người mẹ thân thuộc mà vô cùng cao cả, vai diễn người mẹ cũng đã làm nhiều anh bộ đội rơi nước mắt. Chúng tôi nghe bà Ngải kể đến đây cũng xúc động vô cùng.

Sự sống và cái chết

Bà Nguyễn Thị Ngải được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú.

Bà kể cho chúng tôi nghe về một lần chết hụt: “Lần đó chúng tôi phải băng qua bãi B52 để sang động bên kia. Nhưng đi đến nửa bãi thì báo động phải quay lại vì có bom tọa độ chuẩn bị trút xuống bãi này. Thế là sợ quá, quay lại thì tụt xuống hố bom xong không lên được nữa, cứ lên đến nửa chừng lại tụt xuống, cuống quá, không biết làm gì, xong kéo nhau mãi thì mới tới được cửa hầm chữ A… Khi kết thúc đợt thả bom, chúng tôi lại tiếp tục băng qua khói lửa để tiếp tục sứ mệnh phục vụ của mình.”

Rồi Bà Ngải bất chợt rơi nước mắt: “Có một lần, sáng vừa diễn cho tiểu đội đó xem. Diễn toàn những bài hào hùng, khích lệ tinh thần anh em… Tiểu đội có 9 người. Đến chiều nghe tin tiểu đội đã hy sinh, 9 người đi nhưng về lại còn 5 balo cùng 4 người. Tôi bàng hoàng nhưng cũng chỉ biết hát tiễn đưa các anh…”.

“Rồi có một lần, chúng tôi vừa ăn cơm của các anh nuôi, ăn xong di chuyển qua bên hầm khác thì nhận được tin hầm bên kia bị bom đánh sập, các anh hy sinh hết”.

Bà nghẹn ngào, chúng tôi có người cũng rơi nước mắt, bao nhiêu xương máu đó để đổi lại cho thế hệ trẻ chúng tôi ngày tháng hôm nay.

Trước khi vào chiến trường, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh có tặng cho mỗi người trong đoàn một cuốn sổ tay nhỏ để viết nhật ký. Tất cả những kỷ niệm ấy đều được bà Ngải ghi chép cẩn thận trong quyển nhật ký năm đó. Bà Ngải cẩn thận lật từng trang nhật ký cho chúng tôi xem.

Cuốn nhật ký Trường Sơn còn nguyên vẹn, được gia đình nâng niu, gìn giữ.

Cuộc hội ngộ trên đỉnh Trường Sơn

Trong cuốn nhật ký đó, có những dòng lưu bút đẫm nước mắt về cuộc hội ngộ trên đỉnh Trường Sơn. Đó là cuộc gặp gỡ của bà và người yêu (hiện tại là chồng bà). Bà kể Đoàn Văn công Hà Bắc bị biệt kích truy đuổi, các đơn vị bộ đội yểm trợ chúng tôi chạy thoát thân về trạm 34. Vừa đến chân núi thì trên đỉnh có tiếng gọi vọng xuống rằng “Ngải ơi”. Vừa chạy thoát thân, đang rất mệt, thế mà nghe tiếng gọi tôi tỉnh cả người. Tôi nhảy lên sung sướng vì nghĩ gặp được người làng. Tôi quay sang bảo các chị trong đoàn: “Chị Chính ơi, chị Thắm ơi, người làng em ở đây rồi, giọng làng em.” Tôi thoăn thoắt chạy lên lưng núi còn người kia từ đỉnh chạy xuống. Ai mà ngờ, tại đỉnh Trường Sơn, tôi và người yêu đã gặp lại nhau. Cả hai nắm tay nhau rồi khóc.

NSƯT Lệ Ngải và “người yêu” cả đời.

“Ôi anh à, hôm nay em hành quân suýt chết, biệt kích truy đuổi” và chồng tôi khi ấy mặt bị phù nề, biến dạng trả lời rằng anh cũng suýt chết, bị sức ép bom nên mới thành ra như này. Chúng tôi hết khóc lại cười, nắm tay nhau thôi, tình yêu tuổi 18.”

“Tôi vào đến Trường Sơn thì anh bị thương phải ra ngoài điều trị, hai người chỉ biết hẹn nhau ngày chiến thắng sẽ gặp lại ở miền Bắc”.

“Cây Ngải đắng” trong mắt nhà thơ Phạm Tiến Duật

Bà kể cho chúng tôi nghe về lần gặp gỡ với nhà thơ Phạm Tiến Duật. Đêm 30 Tết năm 1971, bà được ăn tết cùng đồng chí tư lệnh trưởng Đồng Sỹ Nguyên và nhà thơ Phạm Tiến Duật. Bà hát Quan họ còn nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc thơ phục vụ các cán bộ, chiến sĩ, những bài thơ nổi tiếng bây giờ như: Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây; Bài thơ tiểu đội xe không kính…

“Đến 1 giờ, tôi về lán nghỉ thì anh Phạm Tiến Duật có gặp tôi, nói rằng anh và các đồng chí thích nghe Quan họ lắm, hẹn một ngày anh đón em sang bên này hát quan họ nhé. Độ 2 tuần sau, thấy anh đi bộ sang chỗ tôi, tôi bị ốm, sốt, đặc hết cả cổ. Anh Duật đưa tôi một nắm lá méo, rồi bảo rằng mời các em ăn lá này, chua chua thích lắm, rồi sang chỗ anh hát quan họ nhé.”

Nhà thơ Phạm Tiến Duật sáng tác “Người ơi người ở” tặng cô văn công Lệ Ngải.

Bà Ngải cười: “Lúc ấy 18, 19 tuổi, ở trong rừng mà có thứ ăn vặt, chua chua là các chị em thích lắm. Thế rồi tôi theo anh Duật đến Ban Chính trị để hát phục vụ. Đến nơi, các anh bộ đội đã ngồi kín chờ sẵn từ bao giờ. Tôi nói rằng “Em xin phép các anh, em hôm nay ốm nên giọng không thanh thoát” thế rồi các anh động viên thế nào mà tôi hát một lèo 7 bài Quan họ.”

“Tôi nhớ bài cuối cùng là bài “Người ơi người ở đừng về”, anh Duật bảo tôi rằng, đêm nay anh sẽ viết bài thơ tặng em. Thế là tôi háo hức chờ. Thế nhưng đêm đó chúng tôi có lệnh hành quân vào tuyến trong, tôi không kịp gặp anh Duật nữa.”

Mãi đến sau này, khi đất nước thống nhất vừa tròn được một năm, năm 1976, tôi xuống Hải Phòng và vô tình gặp nhà thơ Đồng Đức Bốn. Anh Bốn nhắn: "Anh còn giữ quyển tạp chí Văn nghệ quân đội có bài thơ nhà thơ Phạm Tiến Duật tặng em, anh đã cẩn thận giữ gìn, nay gặp được em anh trao quyển sách này cho em". Tôi xúc động vô cùng. Bài thơ này như ngấm vào máu rồi, không thể quên được.”

Nói rồi, bà Ngải và chồng cùng ngân nga bài thơ huyền thoại:

Bao nhiêu người đã hát

Bây giờ lại đến em

Bao nhiêu người hồi hộp

Bây giờ lại đến anh

Ở hai thung lũng xanh

Kề nhau thành hàng xóm

Công việc như nước cuốn

Chẳng bao giờ thăm nhau

Nắng đã tắt từ lâu

Tiếng ve như kéo mật

Dáng em ngồi trước mặt

Như cây cỏ trong vườn

Chẳng thể gặp nhau luôn

Hãy ngồi thêm lát nữa

Hai người hai cách nguồn

Khép mở hai vùng trời

Gặp biết bao nhiêu người

Quen nhau bao gương mặt

Con đường thì tít tắp

Mặt trận thì mênh mông

Chẳng nhớ nữa mùa đông

Đi qua bao hang đá

Cũng quên rồi mùa hạ

Ở bao nhiêu ngăn hầm

Công việc cùng tháng năm

Hát vui cùng chiến sĩ

Những ngày đi đánh Mỹ

Bao nhiêu người quen nhau

Anh chẳng nói sai đâu

Em là cây ngải đắng

Mọc trong triền núi vắng

Góp vị thuốc cho đời

Tiếng em hát “Người ơi…”

Người gần nhau mãi mãi

Tiếng em hát “Đò ơi…”

Sông đưa đò gần lại

Tiếng em hát “Cây ơi…”

Cây nhú thêm mầm mới

Tiếng nồng say em gọi

Náo nức tuổi trăng lên

Cái giọng thì của em

Mà lời anh đấy nhỉ?

Giữ em chẳng được nào

Hẹn nhau ngày thắng Mỹ

Lại hát tặng tiễn nhau

Như bạn bè Quan họ

Rằng: Người đi người nhớ

Rằng: “Người ơi người ở đừng về…”

“Người ơi người ở” - Phạm Tiến Duật viết tặng Lệ Ngải

Lê Vượng – Mỹ Uyên

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tuoi-18-chi-mang-thanh-am-quan-ho-vao-chien-truong-mien-nam-post1633216.tpo