Từng bước ổn định thị trường vàng

Giá vàng đã 'tụt dốc' ngay trong phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước sáng 23/4.

Tổng quan phiên đấu thầu vàng ngày 23/4. Ảnh: H.H.

Đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng

Như vậy việc đấu thầu vàng đã chính thức trở lại sau 11 năm vắng bóng. Trước cơn nóng của vàng, nhằm can thiệp và xử lý việc giá vàng trong nước vênh cao so với giá vàng thế giới, ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đấu thầu thành công 34 lô tương đương 3.400 lượng vàng. Đã có 2 thành viên trúng thầu, giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.

Tại thời điểm 9 giờ 10 phút sáng 23/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,7 - 82,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 79,6 - 82,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,15 - 82,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Như vậy trong ngày đầu tiên thực hiện đấu thầu vàng khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được thu hẹp. Ở khoảng vùng trên 82 triệu đồng/lượng hiện tại, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi khoảng 7 triệu đồng/lượng.

Giới chuyên gia bình luận chủ trương đấu thầu vàng là chủ trương đúng đắn nhằm tăng cung cho thị trường vàng, việc này hoàn toàn trong khả năng của Nhà nước, hướng tới thực hiện chủ trương của Chính phủ, giảm sự chênh lệch giá với thế giới. Thời gian tới, cần tiếp tục có các giải pháp đồng bộ quyết liệt để giảm bớt hiện tượng đầu cơ vàng, để có nguồn lực hướng tới các lĩnh vực thiết thực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital - cho biết, việc đấu thầu vàng trở lại sau 11 năm có nhiều điểm khác biệt trong hoàn cảnh kinh tế trong nước và kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi. Năm 2013, việc đấu thầu vàng diễn ra khi giá vàng thế giới trong xu hướng giảm, còn năm 2024 là khi giá vàng trong nước và thế giới liên tục leo thang. Ngoài ra, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng đã nới rộng hơn nhiều so với 11 năm trước với khoảng 14 triệu đồng/lượng. Vì thế, đấu thầu vàng là một trong những biện pháp cần thiết để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC và để hạ "cơn sốt” giá vàng hiện nay.

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, NHNN đẩy một khối lượng vàng vào thị trường sẽ làm giảm nhiệt "cơn sốt" hiện nay. Hiện tại, nguồn cung hạn chế và sức cầu tăng cao, tạo nên sự bất ổn trên thị trường vàng, đẩy giá vàng lên. Vì vậy, khi NHNN đấu thầu, đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông chắc chắn nó sẽ làm giá vàng giảm.

Song, cũng theo ông Hiếu, nếu muốn giá vàng giảm sâu hơn, kéo gần thêm khoảng cách giữa giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới thì cần thêm nhiều phiên đấu thầu chứ không chỉ một phiên ngày hôm nay.

Còn TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, mức giá trúng thầu thấp hơn giá thị trường hiện nay nhưng sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bổ sung nguồn cung vàng nhanh nhất ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý .

Vẫn cần sửa đổi Nghị định kinh doanh vàng

Thị trường vàng rất nhạy cảm với mọi thông tin chỉ đạo điều hành, quản lý thị trường từ cơ quan quản lý. Thời gian qua, mỗi khi có tín hiệu từ Chính phủ hay NHNN về việc sẽ can thiệp thị trường vàng thì giá vàng ngay lập tức giảm. Vì thế, khi Chính phủ, NHNN có những động thái quyết liệt hơn và được cụ thể bằng việc tổ chức đấu thầu vàng trở lại để tăng cung, giá vàng SJC đã có sự điều tiết đáng kể. Trong lúc thị trường vàng đang nóng thì việc đấu thầu vàng được giới chuyên gia đánh giá rất cần thiết để giải tỏa cơn khát nguồn cung. Song muốn thực sự ổn định thị trường vàng cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cần xóa độc quyền vàng miếng SJC cũng như giao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng, thay vì NHNN thực hiện việc này. Cạnh đó, cần thành lập sàn vàng và làm sao kéo được số vàng còn nằm trong dân qua việc phát hành chứng chỉ vàng. Thực hiện đồng bộ giải pháp mới giúp thị trường vàng ổn định, nếu không thị trường vẫn sẽ còn biến động.

Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Chính phủ tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đồng thời đã lấy ý kiến các bộ, ngành và trình Chính phủ chủ trương nên sửa nghị định này. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, thêm nhiều thương hiệu vàng khác. Để quản lý bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có các văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong quản lý thị trường vàng, đồng thời có văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện các nhiệm vụ.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tung-buoc-on-dinh-thi-truong-vang-10278379.html