Từng bước làm chủ khoa học - công nghệ

Với tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, thời gian qua, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN), kỹ thuật vào đời sống, sản xuất, sinh hoạt…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng (hàng đầu bên phải) cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khen thưởng các cá nhân, tập thể đoạt giải cao tại Hội thi Giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tỉnh Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Lý Huỳnh

Nhiều người trong số đó đã trở thành gương điển hình tiên tiến của tỉnh, đoạt giải cao trong các cuộc thi liên quan đến KHCN. Đặc biệt, nhờ có công nghệ, hiệu quả công việc và năng suất làm việc được nâng cao.

Những nông dân giỏi công nghệ

Ông Trần Văn Mười (ngụ ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) là một trong những cá nhân mới được tuyên dương điển hình tiên tiến tỉnh Đồng Nai năm 2024. Ông là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Mười chia sẻ, trước đây ông phải đau đầu trong việc tìm và thuê người chăm sóc vườn bưởi rộng 10 hécta. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, vườn bưởi này chỉ cần 10 nhân công làm việc. Những phần việc nặng nhọc, khó “nhằn” nhất đều nhờ vào thiết bị bay không người lái trị giá gần 600 triệu đồng do ông đầu tư mua về.

Trong năm 2023, có hơn 300 tập thể, cá nhân đã được nhận Bằng khen, Giấy khen của Ban tổ chức Chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập; Hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; Hội thi Giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; Giải thưởng Sản phẩm truyền thông khoa học và công nghệ; Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ.

“Trước đây, khi chưa ứng dụng công nghệ, việc phun xịt thuốc, bón phân cho vườn bưởi tốn rất nhiều nhân công, hiệu quả thấp, đặc biệt là có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng đất, mạch nước ngầm. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi quyết định mua chiếc máy bay không người lái để giảm nhân công, chi phí, thời gian, công sức, đảm bảo an toàn sức khỏe” - ông Mười nói.

Ngoài sử dụng máy bay không người lái, ông Mười còn làm thuốc trừ sâu thảo mộc và phân hữu cơ để chăm sóc vườn bưởi. Với sự “giúp sức” của KHCN và tinh thần quyết tâm đột phá trong sản xuất, hiện vườn bưởi của ông Mười đạt năng suất 25-30 tấn/hécta, trừ các chi phí, ông Mười lãi 400 triệu đồng/hécta.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Chính (ngụ ấp Bình Xuân 2, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) lại thành công với chiếc máy tỉa hạt do ông mày mò chế tạo. Giải pháp này đã xuất sắc đoạt giải nhất Hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2023.

Ông Chính chia sẻ, ông quyết tâm chế tạo bằng được chiếc máy tỉa bắp để giải phóng sức lao động cho chính bản thân, người thân trong gia đình và bà con nông dân. Chiếc máy có thể gieo tỉa tất cả các loại hạt với kích thước khác nhau trên nhiều loại địa hình. Mỗi ngày, thiết bị này có thể gieo hạt hơn 1 hécta đất, bằng 10 người làm thủ công trong 2 ngày, cho độ chính xác gần như tuyệt đối. Từ đó, đảm bảo sức khỏe người nông dân, nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian xuống giống so với trước kia.

Không ngừng sáng tạo

Nhằm tận dụng nguồn dược liệu sẵn có và tạo ra sản phẩm có tác dụng điều trị ho, đờm, viêm đường hô hấp, viêm phế quản, nhóm tác giả Nguyễn Việt Cường và Võ Văn Lệnh (Khoa Dược, Trường đại học Lạc Hồng) đã nghiên cứu, chiết xuất, bào chế nên sản phẩm phim tan trong miệng chứa cao lá thường xuân. Đây là một trong 43 công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022.

Anh Nguyễn Việt Cường cho biết, nhóm tác giả đã nghiên cứu rất kỹ những thông tin liên quan đến lá thường xuân và thực hiện thử nghiệm rất nhiều lần để cho ra sản phẩm có tiêu chuẩn hóa cao. Phim tan trong miệng là một màng phim polymer mỏng, thân nước, có chứa hoạt chất, sử dụng bằng cách đặt vào khoang miệng. Phim này sau đó sẽ dính và tan ngay trong khoang miệng, phóng thích hoạt chất, hoạt chất hấp thu nhanh qua niêm mạc trong khoang miệng mà không cần dùng nước.

Sản phẩm có cơ hội phát triển trong thị trường thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng, giúp việc sử dụng thuốc ở trẻ em đơn giản và tiện lợi hơn.

Còn tại Trường trung học cơ sở Ngô Quyền (thành phố Long Khánh), thầy Vũ Sơn Lâm (giáo viên môn Giáo dục thể chất) đã và đang ươm mầm sáng tạo khoa học - kỹ thuật cho các em học sinh. Câu lạc bộ Khoa học - kỹ thuật của trường do thầy Lâm thành lập thu hút nhiều học sinh tham gia và đã chế tạo được nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao như: cải tiến xe lăn lắc tay thành xe quét rác, bàn cờ tri thức.

Thầy Lâm cũng thường xuyên dạy cho học trò cách bảo vệ môi trường thông qua việc tái chế các loại nhựa để tạo thành những viên gạch đầy màu sắc, có thể dùng để trang trí góc thư viện, đặt kệ sách, bồn hoa, bàn ghế…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng KHCN vào đời sống của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thời gian qua. Con số hàng ngàn cá nhân, tập thể tham gia các phong trào, hội thi liên quan đến KHCN mỗi năm cho thấy sức hút mạnh mẽ và tầm quan trọng của KHCN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Những sáng chế dù đơn giản của các em học sinh hay các phát minh, máy móc có cấu tạo phức tạp của giáo viên, nông dân, cán bộ, công chức, viên chức… đều hướng đến mục tiêu con người làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc sống, đặc biệt trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh như vũ bão hiện nay” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202404/tung-buoc-lam-chu-khoa-hoc-cong-nghe-0ad6be3/