Từng bước gỡ khó về giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật ở trường THPT

Năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị cùng với cả nước tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 1,2 3, 6,7 và lần đầu tiên áp dụng cho lớp 10 với những điểm mới cũng như tính ưu việt. Với lớp 10, trong 9 môn lựa chọn có 2 môn học mới là Âm nhạc và Mỹ thuật. Tuy nhiên, ngành đang đối mặt với thực tế hầu hết các trường THPT hiện chưa có giáo viên 2 môn học này để tổ chức dạy học, mà năm học mới đã cận kề, là một thiệt thòi lớn cho học sinh.

 Trường THPT Đông Hà sẽ chủ động hợp đồng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật để sớm tổ chức dạy cho học sinh - Ảnh: T.L

Trường THPT Đông Hà sẽ chủ động hợp đồng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật để sớm tổ chức dạy cho học sinh - Ảnh: T.L

Theo Chương trình GDPT 2018, ngoài 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh phải chọn học 4 môn trong số 9 môn lựa chọn, gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Trước đây, môn Âm nhạc, Mỹ thuật chỉ được dạy ở bậc tiểu học và THCS. Thực hiện chương trình mới, bắt đầu năm học này, học sinh THPT được chọn học thêm môn Âm nhạc hoặc Mỹ thuật. Tuy nhiên, tại thời điểm này, phần lớn học sinh lớp 10 của các trường THPT trên địa bàn tỉnh không có cơ hội lựa chọn 2 môn học này do các trường chưa có giáo viên giảng dạy.

Hiện nay, chỉ học sinh lớp 10 của nhiều trường THCS&THPT mới có cơ hội được chọn học Âm nhạc hoặc Mỹ thuật do các trường này có nguồn giáo viên đạt chuẩn và cơ sở vật chất khá đảm bảo để thực hiện dạy học từ cấp THCS nối tiếp lên THPT. Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bến Hải, huyện Vĩnh Linh Đặng Thị Thúy An cho biết, năm học 2022 - 2023, trường tuyển sinh 220 học sinh lớp 10. Căn cứ vào thực tế điều kiện đội ngũ và cở sở vật chất, trang thiết bị; đồng thời căn cứ nhu cầu lựa chọn môn học của học sinh, trường tổ chức thành 5 lớp học, trong đó có 1 lớp chọn môn Âm nhạc và 1 lớp chọn môn Mỹ thuật bên cạnh 3 môn lựa chọn khác. Âm nhạc và Mỹ thuật ở Chương trình GDPT 2018 bậc THPT là các môn học đặc thù, phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh, đáp ứng được mục tiêu dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Với tinh thần định hướng, đảm bảo học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị Hoàng Hữu Tân cho biết, trường có 4 lớp 10 với 132 học sinh, trong đó có 3 lớp chọn Mỹ thuật và 1 lớp chọn Âm nhạc. Nhà trường có thế mạnh về đội ngũ và cơ sở vật chất phục vụ dạy Âm nhạc và Mỹ thuật; đồng thời rất quan tâm đến giáo dục thẩm mỹ cho học sinh. Ngoài ra, các trường THCS&THPT Cửa Việt (huyện Gio Linh); Bến Quan (huyện Vĩnh Linh); Tân Lâm (Cam Lộ) cũng đưa Âm nhạc, Mỹ thuật vào giảng dạy cho học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023.

Với khối THPT, chỉ 2 trường là A Túc (huyện Hướng Hóa), Vĩnh Định (huyện Triệu Phong) tổ chức dạy môn tự chọn Mỹ thuật hoặc Âm nhạc. Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Định Phạm Chí Tam cho biết, không thể khoanh tay để học sinh chịu thiệt, nhà trường chủ động hợp đồng 1 giáo viên Âm nhạc dạy 1 lớp có chọn học môn Âm nhạc với số lượng 2 tiết/lớp/tuần. Trong khi chưa đủ giáo viên dạy 2 môn theo chọn lựa của học sinh, trường quyết định tháo gỡ khó khăn từng bước một. Học sinh rất hào hứng khi được tiếp tục học các môn yêu thích, đặc biệt là những học sinh có năng khiếu về âm nhạc. Ngoài việc muốn tiếp nhận thêm kiến thức về âm nhạc, các em còn mong những gì tiếp nhận được ở cấp THPT sẽ là nền tảng để lựa chọn những nghề nghiệp liên quan đến nghệ thuật trong tương lai. Đây là một thuận lợi rất lớn cho học sinh.

Tuy nhiên, sự thuận lợi này chỉ là một phần nhỏ trước sự năng động của các trường THPT, thực tế thời điểm này còn gần 20 trường THPT trên địa bàn tỉnh không thể tổ chức dạy 2 môn học này. Lý do các trường đưa ra là đội ngũ giáo viên không có chuyên môn, không có cơ sở vật chất phục vụ dạy Âm nhạc và Mỹ thuật cho khối 10 nên không thể triển khai. Trước mắt, các trường đang thực hiện tư vấn, định hướng cho học sinh lựa chọn môn học theo điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực hiện có. Đây là một thiệt thòi lớn cho quyền lợi học tập của học sinh.

Em N.M.Q học sinh lớp 10 Trường THPT Đông Hà chia sẻ, nguyện vọng của em sau này là được thi vào ngành kiến trúc nên em tập trung cho 3 môn: Toán, Ngữ văn và Mỹ thuật. Khi biết lớp 10 được chọn môn học trong đó có Mỹ thuật em đã rất hào hứng vì hy vọng sẽ được tiếp cận sớm với những kiến thức có định hướng cho nghề nghiệp tương lai để học và tập trung luyện tập phục vụ thi đại học. Thế nhưng do trường không có khả năng đáp ứng được nguyện vọng nên em rất tiếc, buộc phải luyện thi Mỹ thuật tại các trung tâm gia sư.

Hiệu trưởng Trường THPT Đông Hà Tạ Thu Hiền cho biết, trước mắt trường cho học sinh lựa chọn môn học theo điều kiện thực tế của trường. Để đáp ứng tối đa quyền lựa chọn môn học theo sở trường và định hướng nghề nghiệp cho các em, trường sẽ quan tâm vận động tài trợ cũng như xin ngân sách xây dựng thêm cơ sở phòng học; chủ động hợp đồng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật để sớm có giáo viên dạy cho học sinh, cố gắng để các em không bị thiệt thòi so với các bạn cùng thế hệ.

Không riêng Trường THPT Đông Hà, một số trường THPT trên địa bàn cũng đang hối hả tìm mọi cách để học sinh được chọn học Mỹ thuật hoặc Âm nhạc. Các hiệu trưởng nhận thức trách nhiệm của mình trước vấn đề này, có thể lớp 10 của năm học 2022 - 2023 vì thiếu giáo viên nên học sinh không được học môn Âm nhạc, Mỹ thuật, chứ không thể kéo dài tình trạng này sang các năm sau. Vì vậy, phương án trước hết của các trường là chủ động từ cơ sở. Điều tra nhu cầu phòng học chuyên môn phù hợp với yêu cầu dạy học, số lượng giáo viên cần đủ để dạy.

Trên cơ sở đó các trường xin chủ trương của địa phương, của ngành để tìm cách hợp đồng các giáo viên có chuyên môn dạy cho học sinh. Việc này tuy nhiên là khó nhưng không thể không làm, vì còn thể hiện và liên quan đến vai trò, trách nhiệm cũng như sự dấn thân của người đứng đầu trong chi bộ, nhà trường. Nhiều hiệu trưởng các trường THPT cũng kiến nghị ngành GD&ĐT cần sớm đưa ra giải pháp cụ thể để các trường kịp thời vận dụng, đảm bảo chất lượng dạy và học phù hợp với mục tiêu và định hướng của Chương trình GDPT mới, đặc biệt là với 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, thực hiện các mục tiêu theo Chương trình GDPT 2018 góp phần tạo sự chuyển đổi toàn diện từ định hướng và cách tiếp cậncho học sinh ngày càng phù hợp và hiện đại; cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản về GD&ĐT. Dạy học các loại hình nghệ thuật ở phổ thông sẽ làm cho quá trình hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ của học sinh được phong phú, tốt đẹp hơn. Vì vậy, các trường THPT, địa phương và ngành GD&ĐT cần nỗ lực hơn nữa phối hợp chặt chẽ, từng bước giải quyết khó khăn trong việc đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để thực hiện tốt các mục tiêu, đúng lộ trình của Chương trình GDPT 2018.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=170032&title=tung-buoc-go-kho-ve-giao-vien-day-am-nhac-my-thuat-o-truong-thpt