Từng bước gỡ khó cho doanh nghiệp xây dựng

Nhà thầu phải chủ động các phương án thi công để ứng phó với tình trạng thiếu lao động tại các công trình. Trong ảnh: Thi công công trình Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Tây Hòa. Ảnh: NHƯ THANH

Giá nguyên vật liệu tăng, thiếu hụt lao động, mỏ vật liệu khan hiếm… là những áp lực rất lớn mà các doanh nghiệp xây dựng (DNXD) trên địa bàn tỉnh gặp phải trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Mong muốn được chính quyền các cấp, các sở, ngành lắng nghe, tháo gỡ để phát triển bền vững chính là nguyện vọng của các doanh nghiệp này.

Giá nguyên vật liệu tăng, nhân công khan hiếm

Hiện hầu hết DNXD phải gồng mình đối phó với những khó khăn khách quan, nhất là biến động về giá nguyên vật liệu. Có thời điểm, mức giá vật liệu tăng theo từng ngày khiến chi phí thi công công trình đội lên 20-30%. Đối với các DNXD nhỏ và vừa, mức tăng giá vật liệu như vậy gây ra nguy cơ lỗ rất cao. Theo Công ty CP Hồng Phúc, so sánh giá vật liệu xây dựng do Sở Xây dựng công bố tại thời điểm tháng 6/2022 với đơn giá năm 2021 thì hầu hết các loại vật liệu xây dựng đều tăng ở mức cao. Trong khi đó, Nhà nước chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý hoặc có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, nhất là các gói đầu tư công. Tình trạng chung của các nhà thầu hiện nay là phải cố gắng hết mức trong thi công, nếu giá nguyên vật liệu không hạ nhiệt thì càng làm càng lỗ.

Bên cạnh khó khăn về giá nguyên vật liệu, các DNXD cũng đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân công, thiếu mỏ vật liệu, vướng giải phóng mặt bằng... Ông Phạm Văn Nhật, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty CP Đầu tư Nắng Ban Mai, cho biết: Sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, các tỉnh phía Nam có nhu cầu lao động lớn, mang lại thu nhập cao hơn nên đa số người dân vào đó làm việc. Sự thiếu hụt lao động đã dẫn đến đơn giá nhân công trên địa bàn tỉnh tăng đến 25% để cạnh tranh thu hút nhân lực. Một số công trình rơi vào tình trạng bị động. Nhà thầu phải linh hoạt phương án thi công để đảm bảo tiến độ. Ngoài ra, hiện nhiều công trình đầu tư công rơi vào tình trạng thi công cầm chừng hoặc kéo dài nhiều năm liền do vướng mặt bằng; gây thiệt hại lớn cho nhà thầu khi phải tốn chi phí khấu hao thiết bị, tiền trả lương cho công nhân hàng tháng... Đơn vị đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề này.

Chung tay tháo gỡ

Nhằm gỡ khó cho DNXD, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, Sở Xây dựng và các sở, ngành, địa phương đang triển khai đồng thời nhiều giải pháp. Theo ông Nguyễn Thái Thịnh, Trưởng phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng), mỗi tháng, sở đều công bố giá vật liệu trên địa bàn tỉnh để các đơn vị có cơ sở trong việc lập hồ sơ đấu thầu, điều chỉnh hợp đồng… Sở Xây dựng cũng đang khảo sát lại giá nhân công trên địa bàn để làm căn cứ điều chỉnh phù hợp với thực tế địa phương. Với kiến nghị điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng theo các biến động thị trường của DNXD, sở đã tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh, đề xuất với Bộ Xây dựng các nội dung điều chỉnh. Theo đó, một số dự án được điều chỉnh giá theo quy định. Tuy nhiên, các dự án hợp đồng theo giá trọn gói, cố định vẫn chưa có cơ chế điều chỉnh và đang chờ các giải pháp của bộ, ngành trung ương.

Song song với đó, các địa phương cũng đang có giải pháp để chia sẻ khó khăn với DNXD. Tại TP Tuy Hòa, địa phương đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp. Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Chúng tôi đã và đang tập trung hỗ trợ DNXD hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn hoặc quyết toán đối với các hạng mục công trình đã hoàn thành. Từ đó, các DNXD có thêm nguồn lực để quay vòng vốn thực hiện dự án. Các quy hoạch hạ tầng đô thị cũng được đẩy nhanh tiến độ thực hiện và công khai để DNXD và người dân nắm bắt. Bên cạnh đó, thành phố tập trung giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho nhà thầu trong thi công, rút ngắn tiến độ, góp phần giảm chi phí phát sinh. Hàng tuần, lãnh đạo thành phố đều tổ chức họp với các phòng, ban chuyên môn và địa phương liên quan để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện công trình.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, để tạo được sự đồng thuận và tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý Nhà nước và DNXD, thời gian tới, trong trách nhiệm và quyền hạn của mình, sở sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ DNXD. Về vấn đề thiếu mỏ vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng cũng đã báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp tháo gỡ. Về phía DNXD, sở yêu cầu các đơn vị phải thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót của mình, có phương án tái cơ cấu bộ máy để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và quy định của pháp luật, giúp DNXD phát triển thuận lợi, góp phần đưa ngành Xây dựng của địa phương ngày càng vững mạnh.

Để hỗ trợ DNXD trong hoạt động, Sở Xây dựng thường xuyên tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới; làm đầu mối liên kết tập huấn chuyên đề, chuyên ngành cho các DNXD. Sở cũng nắm bắt, tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc của DN để có hướng dẫn tháo gỡ kịp thời theo thẩm quyền cũng như kiến nghị lên UBND tỉnh, Bộ Xây dựng giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/281903/tung-buoc-go-kho-cho-doanh-nghiep-xay-dung.html