Tục dùng 'xương rồng' thúc đẩy nạn săn trộm hóa thạch ở Trung Quốc

Tại vùng nông thôn ở các tỉnh xa xôi của Trung Quốc, cơ quan thực thi pháp luật đang trấn áp hoạt động khai quật và buôn bán bí mật một số mẫu vật cổ xưa của đất nước: hóa thạch động vật được gọi là 'xương rồng'.

9 người đã bị bắt ở tỉnh Cam Túc trong nỗ lực trấn áp hoạt động buôn bán “xương rồng” và hơn 400kg hóa thạch đã bị tịch thu - Ảnh: Weibo

9 người đã bị bắt ở tỉnh Cam Túc trong nỗ lực trấn áp hoạt động buôn bán “xương rồng” và hơn 400kg hóa thạch đã bị tịch thu - Ảnh: Weibo

Theo trang SCMP, các hóa thạch đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc ít nhất vài thế kỷ, được một số người tin là có đặc tính chữa bệnh, bao gồm cả khả năng làm dịu thần kinh và cầm máu. Chúng đã được ghi chép trong một trong những tài liệu y học cổ nhất của Trung Quốc.

Tháng trước, Cơ quan an ninh công cộng tỉnh Cam Túc thông báo 9 người đã bị bắt ở vùng nông thôn của tỉnh này. Cơ quan chức năng cũng tịch thu hơn 400kg hóa thạch cổ xưa của các loài động vật.

Hóa thạch “xương rồng” chủ yếu bao gồm hài cốt của các động vật có vú lớn cổ đại như ngựa ba ngón, tê giác, hươu, gia súc, voi cũng như răng voi hóa thạch. Tuy nhiên, một số mẫu vật cổ xưa và quý hiếm hơn nhiều, thậm chí cả hóa thạch khủng long, có thể bị những kẻ săn trộm đánh cắp.

Theo Cơ quan an ninh công cộng tỉnh Cam Túc, nhóm bị bắt đã hoạt động từ năm ngoái, nhắm mục tiêu vào các khu vực không có tín hiệu liên lạc và phương tiện di chuyển để đào tìm hóa thạch rồi bán.

Cơ quan an ninh công cộng tỉnh Cam Túc nói rằng bị cáo, những người không quen biết với dân địa phương và giọng điệu cho thấy họ không đến từ khu vực này, đã làm dấy lên nghi ngờ. Vì thế, người dân địa phương đã báo cho chính quyền.

Cơ quan thực thi pháp luật địa phương ở một số vùng xa xôi của Trung Quốc đang trấn áp nạn trộm hóa thạch “xương rồng” - Ảnh: Wikipedia

Cơ quan thực thi pháp luật địa phương ở một số vùng xa xôi của Trung Quốc đang trấn áp nạn trộm hóa thạch “xương rồng” - Ảnh: Wikipedia

Các báo cáo gần đây cho thấy hóa thạch đang bị đánh cắp từ nhiều khu vực khác nhau của Trung Quốc, gồm cả khu tự trị Nội Mông, tỉnh Ninh Hạ và Vân Nam, những nơi kém phát triển hơn.

Theo một nhà nghiên cứu tại Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, hầu hết các hóa thạch “xương rồng” bị săn trộm đều có niên đại từ kỷ Đệ tứ, bắt đầu vào khoảng 2,6 triệu năm trước.

Nhà nghiên cứu (từ chối nêu tên) cho biết: “Khoảng thời gian không quá xa đồng nghĩa tỷ lệ vật liệu có giá trị khoa học trong số chúng khá thấp, nhưng có khả năng một số hóa thạch quý giá sẽ bị mất”.

Nhiều người không biết “xương rồng” được gửi đi đâu. Thế nhưng, một nhà cổ sinh vật học ở tỉnh Cam Túc, được hãng truyền thông Red Star News (Trung Quốc) trích dẫn trong tháng này, cho biết hầu hết có khả năng đến những nơi liên quan đến chế biến y học cổ truyền Trung Quốc, trong khi một phần nhỏ hơn có thể được thu thập dưới dạng mẫu hóa thạch.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông ở tỉnh Hà Nam năm 2007, dân làng không hề biết “những viên đá ma thuật” mà họ đã sử dụng làm thuốc qua nhiều thế hệ chính là hóa thạch khủng long.

Xương giàu canxi đôi khi được đun sôi với các thành phần khác và dùng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, hoặc nghiền thành bột nhão và bôi trực tiếp lên các vết gãy xương và vết thương. Dân làng cũng bán chúng với giá thấp cho các cửa hàng thuốc thảo dược trong khu vực.

Thời điểm đó, các nhà khoa học công bố phát hiện hơn 10 loại hóa thạch khủng long và động vật khác ở vùng Nhữ Dương và Loan Xuyên của tỉnh Hà Nam, gồm cả loài khủng long lớn nhất châu Á vào thời điểm đó. Điều này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học quốc tế.

Dong Zhimng, một nhà khoa học hàng đầu đang làm việc tại Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học thời điểm đó, nói hóa thạch khủng long đã bị hóa đá và hầu như không có giá trị y học, song người dân địa phương vẫn khai quật và bán chúng dưới dạng “xương rồng” và gây thiệt hại đáng kể.

Năm 2011, Trung Quốc bắt đầu thực thi luật bảo vệ hóa thạch, trong đó có “xương rồng”.

Ngoài ra, kể từ năm 1977, hóa thạch đã bị loại khỏi Dược điển Trung Quốc, phản ánh cam kết “bảo vệ tài nguyên hoang dã và môi trường tự nhiên”, thúc đẩy sự phát triển bền vững của y học cổ truyền Trung Quốc.

Bất chấp những biện pháp này, việc khai quật và buôn bán hóa thạch vẫn tiếp tục, dù theo cách thức âm thầm hơn. Những kẻ săn trộm mạo hiểm đến những khu vực khó tiếp cận, thường là ở vùng núi để tìm kiếm “xương rồng”.

Nhà nghiên cứu của Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học cho biết: “Không giống như các địa điểm hóa thạch khủng long, các địa điểm hóa thạch Kỷ Đệ tứ tương đối phong phú, do đó không thể đầu tư nhân lực và nguồn lực tương đương để bảo vệ chúng”.

Theo một giáo sư từ Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc ở thành phố Thượng Hải (yêu cầu giấu tên), hiệu quả của “xương rồng” trong y học cổ truyền còn gây tranh cãi và cần nghiên cứu thêm.

Ông nhấn mạnh, ngay cả khi được chứng minh là có hiệu quả, các lựa chọn thay thế vẫn tồn tại và các nhà nghiên cứu đang khám phá những lựa chọn khác. Ví dụ, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng vỏ hàu có thể thay thế cho “xương rồng”.

Chuyên gia y học cổ truyền cũng đề cập rằng việc hạn chế khai thác trái phép đã dẫn đến các sản phẩm giả xuất hiện trên thị trường, điển hình được tạo ra bằng cách trộn đất vàng với chất kết dính và mảnh vụn “xương rồng”.

Theo nhà nghiên cứu của Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học, mối quan hệ giữa buôn bán hóa thạch và nghiên cứu khoa học rất phức tạp. Trong lịch sử, chẳng hạn như trong thời chiến, việc đào bới hóa thạch động vật bị hạn chế nên các cửa hàng bán “xương rồng” trở thành điểm đến quan trọng cho các nhà khoa học tìm kiếm tài liệu nghiên cứu.

Thế nhưng ngày nay, chúng tôi hy vọng rằng hóa thạch có thể được khai quật một cách khoa học vì một số thông tin quan trọng, chẳng hạn như môi trường địa chất và tầng lớp nơi hóa thạch được chôn cất, có thể bị mất do khai quật nghiệp dư”, ông nhận xét.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tuc-dung-xuong-rong-thuc-day-nan-san-trom-hoa-thach-o-trung-quoc-205570.html