Tuân thủ '3T' để thực hiện hiệu quả ESG

Để thực hiện ESG (môi trường, xã hội, quản trị) - bộ ba tiêu chuẩn đo lường các định hướng, hoạt động phát triển bền vững hiệu quả, các doanh nghiệp cần bảo đảm theo nguyên tắc '3T' - tuân thủ, tiên phong, thực tế, Trưởng khối Nghiên cứu và Đối thoại chính sách, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) Bùi Thanh Minh khuyến nghị.

Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến ESG

Xu hướng chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, một doanh nghiệp thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng đến các yếu tố E (environmental - môi trường), S (social - xã hội) và G (governance - quản trị). Đây là bộ ba tiêu chuẩn đo lường các định hướng, hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp, đồng thời cũng bao hàm các rủi ro và cơ hội có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo ra giá trị dài hạn cho doanh nghiệp.

Giám đốc Văn phòng Ban IV Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, những năm gần đây, các chính sách liên quan đến ESG trên toàn cầu gia tăng nhanh chóng. Trong giai đoạn 2016 - 2021, số lượng chính sách liên quan đến ESG trên toàn cầu tăng 1,9 lần; riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gấp 2 lần.

Hiện, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đều đã đưa ra tiêu chuẩn ngày càng chặt chẽ liên quan đến phát triển bền vững như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và quy định chống mất rừng tự nhiên (EUDR) của EU, dự luật Cạnh tranh sạch của Mỹ.

Đối với Nhật Bản, Hàn Quốc - những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, dù chưa có quy định bắt buộc song tín hiệu từ các nhà mua ở hai nước này cho thấy mức độ quan tâm đến các yếu tố có tính bền vững và thực hành ESG trong doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Do vậy, nếu các doanh nghiệp Việt chậm chân, không có thực hành về ESG phù hợp với diễn biến về chính sách của quốc tế và trong nước thì sẽ mất cơ hội, bà Thủy lưu ý.

Thực tế, mối quan tâm của các doanh nghiệp đối với thực hành ESG đã dần được cải thiện. Trưởng khối Nghiên cứu và Đối thoại chính sách, Văn phòng Ban IV Bùi Thanh Minh cho biết, nếu như 2 năm trước, chỉ có cao nhất 20% doanh nghiệp biết về COP26 và 12% biết về kiểm kê khí nhà kính thì hiện nay, phần lớn doanh nghiệp đã nắm được các thông tin này.

Tuy vậy, thực hành ESG trong doanh nghiệp vẫn đang gặp phải những rào cản, trong đó phần lớn liên quan đến thiếu nhân lực và đặc biệt là thiếu tiền, ông Minh cho biết.

Xác định rõ thứ tự ưu tiên để có lộ trình phù hợp

Thực hành ESG là xu thế tất yếu để hướng đến phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Mặc dù mối quan tâm của doanh nghiệp đến ESG đã ngày càng gia tăng, song hiện nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay, chưa biết bắt đầu từ đâu; một phần bởi hiện còn thiếu các quy định cụ thể, chưa có tiêu chí về dự án xanh, tài chính xanh khiến doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi, bà Phạm Thị Ngọc Thủy xác nhận.

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động và gặt hái được thành công. Dẫn kinh nghiệm thực tế, đại diện Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, để thực hành ESG hiệu quả, vai trò của chủ doanh nghiệp rất quan trọng. Chủ doanh nghiệp phải có tư duy và quyết tâm thực hiện. Tiếp đến, doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân sự chuyên trách, đồng thời xây dựng lộ trình thực hiện. Trong lộ trình đó, phải xác định rõ đâu là những vấn đề thiết thân với doanh nghiệp và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, gồm những việc buộc phải làm để tuân thủ về mặt luật pháp và những yếu tố sẽ làm gia tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp.

Chia sẻ với ý kiến trên, Phó Giám đốc đầu tư toàn cầu, Bộ phận Tài chính khí hậu, Quỹ responsAbility Investments AG (Thụy Sĩ) Bùi Quang Duy cho biết, điều mà quỹ chú trọng nhất khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp nào chính là sự tâm huyết và cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp đó đối với chuyển đổi xanh, chuyển đổi bền vững. Sự tâm huyết thể hiện ở việc thay vì nhìn đầu tư cho quá trình chuyển đổi đó là chi phí của doanh nghiệp thì hãy nhìn đó là khoản đầu tư dài hạn, bởi sẽ sinh lợi từ việc nâng cao hiệu suất, sử dụng ít năng lượng hơn, qua đó giảm phát thải ít hơn.

Cũng theo ông Duy, quá trình chuyển đổi này buộc doanh nghiệp không thể đi một mình mà cần có hệ sinh thái. Ở góc độ doanh nghiệp thì phải có nhân lực (các phòng, ban), có chủ trương, chính sách phù hợp. Từ phía quỹ đầu tư sẽ đưa ra các gói hỗ trợ kỹ thuật, các khoản đầu tư dài hạn, thậm chí đưa đến các khoản viện trợ cho doanh nghiệp, thông qua các thảo luận chi tiết với từng doanh nghiệp. Đặc biệt, ông Duy lưu ý, doanh nghiệp quản lý tốt các rủi ro ESG mới là bước khởi đầu, các quỹ đầu tư còn nhìn cả vào việc doanh nghiệp đó có hối lộ, có sử dụng lao động trẻ em hay sử dụng lao động không có giấy phép? Nếu có, việc hợp tác sẽ chấm dứt.

Ông Bùi Thanh Minh khuyến nghị, muốn thực hiện hiệu quả ESG, các doanh nghiệp cần tuân thủ nguyên tắc “3T”, đó là tuân thủ, tiên phong, thực tế. Ông phân tích, hiện Việt Nam là nền kinh tế rất mở nên tất cả quy định của quốc tế đến một lúc nào đó sẽ được nội luật hóa và buộc doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ.

Phát triển bền vững là xu hướng tương lai nên Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc; khi doanh nghiệp tiên phong sẽ có lợi thế của người đi trước, được tiếp cận các quỹ đầu tư, tiếp cận tri thức. Cùng với đó, chiến lược ESG phải được bắt nguồn từ chính đặc trưng của doanh nghiệp. Hiện, đại đa số doanh nghiệp nước ta có quy mô nhỏ và vừa, nếu khởi đầu đúng thì sẽ có lợi thế rất lớn trong tương lai, ông Minh nói.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tuan-thu-3t-de-thuc-hien-hieu-qua-esg-i363949/