Tuần lễ Nobel 2023: Những ấn tượng đầu tiên

Tuần lễ Nobel - hay vẫn thường gọi là 'mùa Nobel' – năm 2023, đến hẹn lại lên đã được khởi động bằng giải thưởng Nobel Y sinh vừa được công bố hôm 2/10. Nhưng từ trước đó, những đổi mới từ giải thưởng danh giá này đã kịp tạo cho công chúng những ấn tượng khá mạnh về mùa giải Nobel với nhiều đổi mới.

Tiếp tục tăng giá trị giải thưởng

Chủ nhân của giải Nobel sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt. Về phần thưởng tiền mặt, ngay từ gần 3 tuần trước khi giải thưởng Nobel đầu tiên của mùa giải mới được công bố, Quỹ Nobel đã thông báo chủ nhân của giải thưởng Nobel năm nay sẽ được nhận được khoản tiền thưởng 11 triệu krona Thụy Điển (986.000 USD), tăng 1 triệu krona Thụy Điển so với năm ngoái.

Theo Quỹ Nobel, sự gia tăng giá trị giải thưởng nhờ vào tình hình tài chính khả quan của Quỹ. Năm 2017, Quỹ Nobel quyết định tăng tiền thưởng cho các hạng mục giải Nobel thêm 1 triệu krona Thụy Điển (khoảng 120.000 USD) so với mùa giải đó trước, lên 9 triệu krona (khoảng 1,1 triệu USD). Đây là lần điều chỉnh giá trị tiền thưởng đầu tiên kể từ năm 2012. Năm 2020, Hiệp hội Nobel đã quyết định tăng thêm 1 triệu krona (khoảng 110.000 USD) so với năm trước đó, đưa con số tiền thưởng của giải Nobel lên thành 10 triệu krona.

Chủ nhân các giải thưởng Nobel và các thành viên gia đình Hoàng gia Thụy Điển tại Lễ trao giải Nobel ở Stockholm, ngày 10/12/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nói tới giá trị giải thưởng Nobel không thể không nói tới cội nguồn ban đầu của Quỹ Nobel. Alfred Nobel là nhà khoa học, nhà phát minh đại tài, chủ nhân của 355 bằng sáng chế, trong đó đáng chú ý nhất là phát minh về thuốc nổ. Sau khi qua đời vào năm 1896, Alfred Nobel đã để lại một bản di chúc trong đó ghi rõ, gần toàn bộ tài sản ông được đem bán thành tiền mặt, tương đương với 70 triệu krona Thụy Điển lúc đó, để gửi ngân hàng. Số tiền lãi hàng năm sẽ trích ra, chia làm 5 giải thưởng tặng “cho những người có đóng góp lớn nhất cho nhân loại” trên các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Sinh học (hoặc Y học), Văn chương, và Hòa bình. Một chi tiết nữa đáng lưu ý là một giải Nobel thường được trao cho tối đa 3 người. Nếu một giải thưởng bị từ chối hoặc không được chấp nhận, số tiền thưởng sẽ được trả vào quỹ.

“Hiện tượng Hungary” trở lại

Ngày 2/10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Y sinh năm 2023 thuộc về hai nhà khoa học Katalin Karikó, nữ giáo sư chuyên ngành hóa sinh - sinh học phân tử người Hungary và Drew Weissman, nhà khoa học người Mỹ với công trình nghiên cứu về công nghệ mRNA trong sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Theo Ủy ban Nobel, những khám phá của hai nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển vaccine mRNA hiệu quả trong đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020. Phát hiện đột phá của hai nhà khoa học này đã thay đổi căn bản hiểu biết của chúng ta về cách mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch của con người. Điều đáng nói là trong tương lai, công nghệ mRNA cũng có thể được sử dụng để cung cấp các protein trị liệu và điều trị một số loại ung thư. Điều đáng nói là bà Karikó và ông Weissman là hai trong số ba nhà khoa học được trao Giải thưởng Khoa học Công nghệ Toàn cầu VinFuture tại Hà Nội tháng 1/2022 cũng với công trình nghiên cứu về mRNA giúp cứu sống hàng triệu người.

Lễ công bố giải Nobel Y sinh 2023 cho nhà khoa học người Hungary Katalin Kariko và nhà khoa học người Mỹ Drew Weissman. Ảnh: AP

Sự đăng quang của nữ giáo sư Katalin Karikó khiến không ít tờ báo nhìn nhận “hiện tượng Hungary” đã trở lại. Cụm từ “hiện tượng Hungary” được sử dụng để chỉ sự thán phục của quốc tế trước việc Hungary, một quốc gia nhỏ bé với diện tích 93.000 km2, chỉ chiếm 1% diện tích châu Âu với số dân khoảng 10 triệu người, nhưng cho đến nay, nếu tính cả giải thưởng Nobel Y sinh 2023 của nữ giáo sư Katalin Karikó, có ít nhất 16 người Hungary đã đoạt giải Nobel danh giá. Người Hungary ghi danh đầu tiên trên bục cao danh dự của giải Nobel là Lénárd Fülöp trong lĩnh vực Vật lý (năm 1905).

Tiếp nối sau giải Y sinh của Tuần lễ Nobel 2023, chiều 3/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Vật lý 2023 thuộc về 3 nhà khoa học Pierre Agostini (người Pháp), Ferenc Krausz (người Áo gốc Hungary) và Anne L’Huillier (người Thụy Điển gốc Pháp) do “các phương pháp thực nghiệm tạo ra xung ánh sáng atto giây phục vụ nghiên cứu động lực học điện tử trong vật chất”. Ba nhà khoa học đã được vinh danh vì những thí nghiệm mang lại cho nhân loại những công cụ mới để khám phá thế giới electron (điện tử) bên trong nguyên tử và phân tử. Họ đã chứng minh được phương pháp tạo ra những xung ánh sáng cực ngắn có thể dùng để đo các quá trình nhanh chóng, trong đó các electron chuyển động hoặc thay đổi năng lượng. Sau giải Nobel Vật lý, ngày 4/10, giải thưởng Nobel Hóa học được công bố, sau đó là giải Nobel Văn học (ngày 5/10), Nobel Hòa bình (ngày 6/10) và Nobel Kinh tế (ngày 9/10).

Trang Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tuan-le-nobel-2023-nhung-an-tuong-dau-tien-post267354.html