Tuần lễ cấp cao APEC 2023: Khẳng định vị thế hàng đầu

APEC tiếp tục khẳng định vị thế là diễn đàn hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương về hợp tác, liên kết kinh tế, đi đầu trong nỗ lực đa phương phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường.

Tuần lễ cấp cao APEC 2023 diễn ra từ ngày 11-17/11 tại San Francisco, bang California. (Nguồn: Reuters)

Ngày 11-17/11, Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2023 sẽ diễn ra tại thành phố San Francisco, bang California (Mỹ). Có gì đáng chú ý ở sự kiện thường niên lần này?

Lịch trình bận rộn

APEC được thành lập tại Canberra (Australia) vào năm 1989 như là một diễn đàn đối thoại không chính thức để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Ban đầu, APEC gồm 12 thành viên. Tuy nhiên, hiện diễn đàn đã được mở rộng ra với 21 nền kinh tế thành viên, với tần suất trao đổi lớn, lên tới hơn 100 cuộc họp/năm. Các nền kinh tế thành viên APEC chiếm 38% dân số toàn cầu, tương đương gần 3 tỷ người, 62% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và gần một nửa thương mại toàn cầu.

APEC hoạt động trên cơ sở các cam kết không ràng buộc, đối thoại cởi mở và tôn trọng quan điểm của tất cả các bên tham gia một cách bình đẳng. Các quyết định được đưa ra dựa trên đồng thuận và cam kết được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

Năm 2023, Mỹ lần thứ ba đăng cai tổ chức (hai lần trước là vào năm 1993 và 2011). Trong bối cảnh đó, xứ cờ hoa đã tích cực đăng cai tổ chức nhiều Hội nghị Bộ trưởng tại nhiều thành phố lớn của nước này. Những lĩnh vực ưu tiên của chủ nhà là các vấn đề kinh tế khu vực, bao gồm phát triển bền vững, số hóa, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và y tế.

Trong đó, Tuần lễ cấp cao APEC 2023, với trọng tâm là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 là tâm điểm những ngày tới. Từ ngày 11/11, các quan chức và Bộ trưởng Tài chính cấp cao của APEC gặp nhau trước thềm Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Trong khi đó, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO APEC) hằng năm sẽ diễn ra từ ngày 14-16/11. Dự kiến, lãnh đạo các nền kinh tế diễn đàn sẽ nhóm họp vào ngày 17/11.

Địa điểm nhiều ý nghĩa

Một điểm đáng chú ý khác là địa điểm tổ chức. Theo Mỹ, việc chọn San Francisco làm địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC năm nay sẽ phản ánh ưu tiên của Diễn đàn năm nay, đó là “Kết nối, Sáng tạo và Bao trùm”.

Đầu tiên, nằm bên bờ Thái Bình Dương, San Francisco đã trở thành “cây cầu” kinh tế văn hóa kết nối giữa Mỹ và châu Á, với một phần ba dân số là người Mỹ gốc Á.

Thứ hai, San Francisco không chỉ có Tổng sản phẩm nội địa lớn (501 tỷ USD), khu vực kinh tế lớn thứ tư nước Mỹ, mà còn là một trung tâm kinh tế lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ước tính, giao dịch thương mại hai chiều giữa thành phố này và các nền kinh tế APEC hàng năm hiện đã lên tới 100 tỷ USD.

Thứ ba, San Francisco có kết nối đa dạng và sâu sắc với APEC qua các thành phố kết nghĩa, thiết lập Tổng lãnh sự quán, trao đổi thương mại và giao lưu văn hóa.

Cuối cùng, Vịnh San Francisco là nơi đặt trụ sở của các công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới và “cái nôi” của ngành công nghiệp sáng tạo, tiên phong toàn cầu.

Thành phần đa dạng

Về thành phần tham dự, hiện phần lớn trong số các nền kinh tế thành viên của APEC đều sẽ cử đại diện góp mặt. Các thành viên của APEC gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong - Trung Quốc, Đài Bắc - Trung Hoa, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

Ông Matt Murray, quan chức cấp cao phụ trách APEC của Mỹ, xác nhận đã gửi lời mời Nga. Song, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Matthew Miller cho biết, sẽ “rất ngạc nhiên” nếu nhà lãnh đạo Nga tham dự Tuần lễ cấp cao năm nay.

Theo Giáo sư Maxim Bratersky, chuyên gia Trường Kinh tế cao cấp Nga, việc Mỹ mời Nga dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cho thấy Washington muốn duy trì mức độ đối thoại nhất định về một số vấn đề nóng như eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, cũng như các mối quan tâm khác.

Người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn cũng được cho là sẽ vắng mặt tại Tuần lễ cấp cao, thay vào đó là các cựu quan chức cấp cao hoặc lãnh đạo doanh nghiệp từ hòn đảo này. Năm 2022, ông Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã đại diện tham dự Tuần lễ cấp cao ở Thái Lan. Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu nhiều khả năng sẽ vắng mặt.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/11, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh thông báo, nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến San Francisco (Mỹ) từ ngày 14-17/11, gặp nhà lãnh đạo nước chủ nhà và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 30.

Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhận chức tháng 1/2021. Trước đó, cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo là tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali (Indonesia) năm 2022.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco vào ngày 15/11 tại San Francis. (Nguồn: AP)

Kinh tế là trọng tâm

Cuối cùng, nội dung của Tuần lễ cấp cao APEC lần này tập trung vào hợp tác phát triển. Chủ đề năm nay “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người”, với ưu tiên về “Kết nối”, “Đổi mới” và “Bao trùm”. Xứ cờ hoa “thúc đẩy một chương trình nghị sự chính sách kinh tế tự do, công bằng và cởi mở, mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và các gia đình Mỹ”.

Năm 2023 là năm Diễn đàn triển khai rà soát giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Các thành viên sẽ báo cáo tiến độ triển khai Kế hoạch ở ba trụ cột: thương mại, đầu tư; đổi mới sáng tạo; tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành APEC năm qua cũng thông qua một số bộ nguyên tắc khuyến nghị không ràng buộc như Nguyên tắc chuyển đổi năng lượng công bằng APEC; Nguyên tắc để đạt được an ninh lương thực thông qua Hệ thống nông nghiệp - thực phẩm bền vững trong khu vực APEC; Đề xuất lồng ghép tính bao trùm và bền vững vào các chính sách thương mại và đầu tư; Chương trình hành động và Khung giảm thiểu rủi ro thiên tai…

Trong bối cảnh đó, Tuần lễ cấp cao APEC tới là dịp để lãnh đạo các nền kinh tế gặp gỡ, thảo luận về tiến độ thực hiện Kế hoạch Aotearoa, kết quả từ các cuộc họp Bộ trưởng chuyên ngành APEC và đề ra phương hướng để tiếp tục tiến lên.

Đây là dịp để lãnh đạo nền kinh tế thành viên gặp gỡ, trao đổi về hàng loạt vấn đề nóng, thách thức khu vực và toàn cầu hiện nay. Ông Victor Cha, Phó giám đốc Chương trình châu Á và Hàn Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ nhận định tâm điểm của các cuộc thảo luận là quan hệ Mỹ - Trung, xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas. Trong đó, cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden được đặc biệt quan tâm.

Điều này không chỉ góp phần củng cố bước tiến trong quan hệ song phương, mà còn củng cố vai trò của Tuần lễ cấp cao APEC, là dịp để lãnh đạo các nền kinh tế gặp gỡ, trao đổi, cùng nhau vượt lên bất đồng, vì tương lai của khu vực và thế giới.

Với những điểm nêu trên, APEC tiếp tục khẳng định vị thế là diễn đàn hàng đầu châu Á - Thái Binh Dương về hợp tác, liên kết kinh tế, đi đầu trong nỗ lực đa phương phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuan-le-cap-cao-apec-2023-khang-dinh-vi-the-hang-dau-249413.html