Từ vụ việc cựu Phó Chủ tịch Quảng Nam, nghĩ về bản lĩnh cán bộ trước cám dỗ vật chất

Thiếu bản lĩnh trước cám dỗ vật chất là sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Người cán bộ ngoài tu dưỡng bản thân thì học 'đạo đức' ở đâu, hãy học ở dân!

Dư luận xã hội những ngày qua đang dành sự quan tâm đặc biệt đến phiên tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” với 54 bị cáo, trong đó, nhiều người từng là lãnh đạo, cán bộ nhà nước.

Trong đó, ở khu vực miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng, dư luận dành nhiều hơn sự quan tâm đến phần tranh tụng của bị cáo Trần Văn Tân – Cựu phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, bị cáo Tân bị truy tố tội “Nhận hối lộ” với cáo buộc đã 9 lần nhận hối lộ từ bị cáo Lê Hồng Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky và Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky với tổng số tiền 5 tỷ đồng trong quá trình cấp phép cách ly cho công dân về trên các “chuyến bay giải cứu” về cách ly tại địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân ở phiên tòa ngày 22/7

Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân ở phiên tòa ngày 22/7

Tại phiên tòa xét xử ngày 18/7, ở phần tự bào chữa cho bản thân, Cựu Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận và cho biết đã nhận thức được hành vi sai phạm, thừa nhận những yếu tố cấu thành tội phạm như trong cáo trạng đã nêu.

Ngày 22/7, khi nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, bị cáo Trần Văn Tân cho rằng trong suốt cuộc chiến với đại dịch Covid – 19, bị cáo đã làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ người dân quê hương Quảng Nam. Chỉ duy nhất một điều là bị cáo đã nhận quà cảm ơn bằng tiền của một vị đại diện doanh nghiệp.
“Tôi đã “Trót lòng gây việc chông gai/Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”. Tôi đã rất thấm thía với hành vi phạm tội của mình”, bị cáo Trần Văn Tân nói và cho biết ngay từ đầu bị cáo đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, bên cạnh đó, bị cáo cũng “may mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng”, bản thân có nhiều thành tích tốt trong quá trình công tác, vì vậy, bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình. Bị cáo Tân cũng nói lời xin lỗi với Đảng, Nhà nước và các công dân về nước cách ly tại các cơ sở thu phí trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do công ty Blue Sky tổ chức từ tháng 5/2021 – tháng 1/2022, gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo, cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Nam và cho biết sẽ chấp hành, thi hành án phạt thật tốt để sớm trở về với gia đình.

Ông Trần Văn Tân (SN 1979), được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam năm 2018 và là một trong những lãnh đạo tỉnh thành trẻ tuổi nhất cả nước (khi đó ông Tân mới 39 tuổi). Đến cuối tháng tháng 12/2022, ông Tân bị cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra những sai phạm liên quan đến vụ việc “chuyến bay giải cứu”. Chỉ 4 năm ở cương vị Phó Chủ tịch UBND một địa phương, ông Tân “nhúng chàm”.

Trong sáng 22/7, Viện Kiểm sát thay đổi quan điểm luận tội với bị cáo Trần Văn Tân và đề nghị Hội đồng xét cử tuyên phạt mức án tù từ 7 – 8 năm tù (so với cáo trạng ban đầu là 8 – 9 năm tù).

Vụ việc của cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là một bài học “đắt giá” về sự thiếu bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên trước cám dỗ vật chất, nói rộng hơn là bị “chủ nghĩa cá nhân” chi phối dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Thế nhưng trên thực tế, vẫn có những đảng viên khi được vào Đảng và được tin tưởng để giao chức vụ lãnh đạo địa phương, bộ ngành đã thiếu bản lĩnh, không gương mẫu, suy thoái đạo đức, tham nhũng, vi phạm pháp luật và đã lợi dụng “làm quan đển phát tài”.

Trong các Nghị quyết Trung ương của Đảng, vấn đề tu dưỡng, trao dồi, nâng cao đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô cư để không bị lợi ích vật chất cám dỗ làm tha hóa, biến chất luôn được quan tâm hàng đầu. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về chính trị đạo đức, lối sống. Trong đó có chỉ rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi… “tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định “Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, được hiện thực hóa bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cùng nhiều Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp địa phương; nhiều đại án tham nhũng cũng được điều tra, làm rõ trong giai đoạn này.

Tại chương trình tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) hồi tháng 5/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra “Cán bộ, nhất là khi có quyền, có chức dễ lợi dụng để chấm mút, đó là nói nhẹ, nói nặng là ăn cắp, ăn cướp của dân. Câu kết với nhau để tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, làm cho Đảng mất uy tín, làm cho nhà nước mất uy tín”, và nhấn mạnh khi đã phạm tội tham nhũng thì “Có mà chạy đằng trời, trốn cũng không được”. Theo Tổng Bí thư, cần phải chống tham nhũng, chống lại sự câu kết, móc ngoặc với nhau để chia chác; trên hết, cần phải làm đến gốc đó là chống suy thoái về tư tưởng, chính trị.

Con đường khang trang, rộng rãi tại xã Hòa Ninh (TP. Đà Nẵng) được đất người dân xã tự nguyện hiến tặng

Con đường khang trang, rộng rãi tại xã Hòa Ninh (TP. Đà Nẵng) được đất người dân xã tự nguyện hiến tặng

Cán bộ học từ đâu?

Từ thực tế hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải không ngừng tu dưỡng bản thân, thấm nhuần lời dạy “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để nêu chống lại những cám dỗ về vật chất.

Khi nhìn lại những đại án tham nhũng, nhìn lại những người từng là cán bộ, lãnh đạo như cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam "dính chàm", lại nghĩ đến những hình ảnh đối lập là những người dân bình thường, tự họ, hoặc tự nguyện hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích tập thể; hoặc chủ động từ chối những hỗ trợ, trợ cấp để nhường cho những người khó khăn hơn.

Trong thời chiến, là hàng triệu liệt sĩ, thương binh những người đã hi sinh thân mình vì độc lập dân tộc.

Trong thời bình, họ là những con người giản dị nhất như những người dân tự nguyên hiến đất làm đường. Điển hình như tại TP. Đà Nẵng, trong những tháng đầu năm 2023, hàng trăm hộ dân tại huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đã tình nguyện hiến hàng chục nghìn m2 đất ở và đất nông nghiệp để vì mục đích chung là mở rộng các tuyến đường liên thôn, liên xã. Hay năm 2019, cụ bà Đỗ Thị Mơ (người Thanh Hóa) đã khiến dư luận xã hội "dậy sóng" khi đã ở tuổi hơn 80 vẫn “nằng nặc” xin trả sổ hộ nghèo không nhận những hỗ trợ từ hộ nghèo. Trong một bài phỏng vấn trên báo đài, một người con của cụ Mơ đã nói “Mẹ dặn chúng tôi không được tham tiền không phải của mình, phải lao động để kiếm tiền chân chính”.

Chỉ từ những điển hình cụ thể về tư tưởng, đạo đức, lối sống của người dân như trên cũng có thể trả lời câu hỏi: Cán bộ tu tưỡng đạo đức lối sống học ở đâu. Hãy học ở dân!

Bình An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-vu-viec-cuu-pho-chu-tich-quang-nam-nghi-ve-ban-linh-can-bo-truoc-cam-do-vat-chat-263452.html