Tư vấn phong thủy: Chuyện che chắn nắng mưa

Những lo lắng che mưa chắn nắng, bảo vệ ngôi nhà trước sự khắc nghiệt của thời tiết dường như chưa bao giờ 'hạ nhiệt'.

Xây nhà thời nay vừa dễ mà vừa khó, bởi thông tin, dịch vụ tràn ngập, nhưng song hành với nhiều phân vân, áp lực cho gia chủ khi phải chọn ra một giải pháp cụ thể mà trước mắt thì… con ChatGPT cứ trả lời chung chung, nhẹ nhẹ, an toàn: nên cậy nhờ nhà chuyên môn có uy tín!

Từ thời gia chủ lẫn công ty xây dựng khệ nệ tham khảo hàng chồng catalogue của các hãng vật liệu, đến giờ khi ai cũng “cắm đầu quẹt quẹt” tìm kiếm trên điện thoại, nỗi lo làm nhà vẫn quanh đi quẩn lại mấy chuyện chống nóng và chống thấm.

Mái nhà hết lợp ngói đến lợp tôn, hết mái bằng trồng cây lại qua mái dốc tạo kiểu, khum khum Tân cổ điển hay vươn vươn nhiệt đới… gì thì cũng đến lúc nhà thiết kế nghe gia chủ hỏi lại: kiểu mái này, giàn lam này để làm gì vậy? Dĩ nhiên, nhà thiết kế trả lời rằng để che mưa che nắng! Chuyện xưa mà.

Xử lý không gian trong ngoài liên thông, tăng bề mặt mềm với cây xanh, hồ nước… là những kinh nghiệm hiệu quả từ ngôi nhà truyền thống cho đến nhà hiện đại.

Xử lý không gian trong ngoài liên thông, tăng bề mặt mềm với cây xanh, hồ nước… là những kinh nghiệm hiệu quả từ ngôi nhà truyền thống cho đến nhà hiện đại.

Nhưng vấn đề là các “tư liệu tham khảo” của giới thiết kế hiện nay dường như chỉ toàn thiên về phong cách, xu hướng, màu sắc… nào đang thịnh hành. Một số gia chủ và nhà thầu đứng tuổi có kinh nghiệm làm nhà bắt đầu bán tin bán nghi trước những bản thiết kế ghi toàn những câu “thích ứng khí hậu, bền vững và tiết kiệm” mà hỏi cụ thể làm bằng gì, vì sao làm thế… thì từ từ để em hỏi trí tuệ nhân tạo!

Bản vẽ phác thảo nhà phố mà trông như “báo cáo tác động môi trường” chứa đầy câu chữ Anh - Việt đan xen như kiểu khoe kiến thức thu lượm đó đây. Còn thực chất kết quả xây ra thực tế thì... vẫn bị giới chuyên môn kinh nghiệm lâu năm than: “bao giờ cho đến ngày xưa”. Vậy cái “ngày xưa” ấy thực chất ra sao?

Trông ra, che không chắn, rắn mà mềm

Ngày xưa ấy, cha ông ta làm nhà nơi đất Việt nắng lắm mưa nhiều, chủ yếu qua truyền tụng dân gian, điều mà khoa học hiện đại gọi là thông thái bản địa. Địa lý học và phong thủy học luôn nhắc nhở làm nhà là Trạch Cát (tìm chọn điều tốt), quan tâm Tạo Thế, chớ quá Tạo Hình. Nhà xưa biểu hiện văn hóa cư ngụ, thế nhà tránh nắng gắt, đón gió mát, giảm mưa tạt, hạn chế ngập nước… là một chuỗi hành vi ứng xử chủ động, không ứng phó thụ động.

Ngày xưa ấy, hướng nào tốt thì quay nhà về đó, tốt là nắng tươi gió lành (nam và lân cận nam), xấu là nắng gắt gió độc (tây, tây bắc, đông bắc). Tốt là trước nhà thoáng sau có chỗ dựa, trông ra ruộng đồng, sông suối chứ không “úp mặt” vào núi non, khe hốc, thế nên kiểu nhà có dùng bông gió, hạn chế mở cửa sang trục đông - tây hoặc xử lý mảng tường đầu hồi đặc giảm nhiệt, khá phổ biến.

Nhà nay có xài mô hình mô phỏng khí động học, dùng phần mềm chuyển động biểu kiến mặt trời… thì cũng “đến đích” là các ứng xử với khí hậu, cảnh quan, môi trường… như nhà xưa. Khác chăng là đất chật người đông, ruộng đồng thu hẹp, nhiều nhà ống phố thị chỉ còn mỗi phía mặt tiền là mở được cửa.

Vậy nên, nhà nay trông ra ngoài phải che mà không chắn gió đối lưu, che tầm nhìn xoi mói vào mình mà không chắn góc nhìn mở từ trong ra. Khó vậy mới cần đến kiến thức, công nghệ, kỹ thuật hiện đại hỗ trợ các kiến trúc sư thời AI. Khó vậy mới cần phối hợp, kế thừa kinh nghiệm phong thủy không ở mấy câu kiêng kỵ dọa nhau.

Sự thay đổi các tác nhân gây hại theo mùa, cộng thêm biến đổi môi trường xã hội (an ninh, tầm nhìn) cũng như đặc thù không gian bên trong sẽ quyết định kiểu thiết kế che chắn, ngăn chia, vật liệu phù hợp.

Vậy nên, kiểu làm nhà cố lấn chiếm hết mức diện tích đất làm triệt tiêu các “khoảng thở”, các bề mặt bê tông gạch đá “cứng” tích tụ nhiệt và phản xạ lại ánh sáng chói chang, không tồn tại lâu được, không “thầy phong thủy” nào gỡ được.

Cha ông ta xây nhà thời chưa có vật liệu hiện đại chủ yếu dùng mảng đặc rỗng và trổ cửa có tính toán, dùng hành lang bao bọc, tường gắn gạch hoa gió hoặc lam che nắng bố trí hợp lý... đều có các thông số nhiệt độ và độ thoáng bên trong lý tưởng, dễ chịu. Với cách xử lý khuôn viên bao quanh “mềm” chứ không rắn, như rào bằng cây, thảm cỏ, không bê tông hóa mặt sân, giữ mặt nước bốc hơi bên ngoài... để giảm lượng nhiệt phản xạ chung quanh vào nhà, đồng thời làm mát cả về thị giác, “nhà sạch thì mát” cũng ở chỗ này, sạch thoáng, tự nhiên, không bày vẽ.

Mái nhà phố xứ nóng cần nhiều “lớp” cấu trúc và khai thác sử dụng, cũng lá cách chống nóng chống thấm hữu hiệu.

Mái nhà phố xứ nóng cần nhiều “lớp” cấu trúc và khai thác sử dụng, cũng lá cách chống nóng chống thấm hữu hiệu.

Trông vào, cách không ngăn, tăng mà giảm

Đi vào nội thất nhà ở nhiệt đới, phong thủy đúng sẽ cần giảm nóng song hành cách nhiệt, nhưng cách chứ không được ngăn, để tránh Nội Khí tù hãm, bức bí, cản trở đối lưu trong ngoài. Mái ngói, mái tôn, hay mái chất liệu gì thì cấu tạo cũng nên liên kết hệ khung, như chiếc nón lá úp nhẹ, đặc trưng trong cách ứng xử với cái nắng xứ nhiệt đới nhờ sự vươn rộng nhẹ nhàng, như khẽ chạm lên mái đầu chứ không quấn chặt lấy, chụp cứng lại, siết kỹ vào… ngăn bức xạ trực tiếp, tạo bóng đổ xuống thấp và thoát khí nóng lên cao.

Cộng thêm với tấm liếp đan kiểu đặc rỗng xen kẽ, lỗ rỗng thoát khí, ngăn nắng chói hữu hiệu. Lớp đệm bằng hành lang, bậc thềm… là kiểu cách nhiệt hiệu quả với xứ nóng ẩm, rất khác với xứ nóng khô (sa mạc Trung Đông) vốn bít bùng tường dày, “trùm mền” công trình lại.

Phong thủy nhà Việt, vì thế khi so với các nước khác sẽ khác biệt, mà cái khác cơ bản từ cách ứng xử về môi trường. Cha ông ta dù giàu hay nghèo hầu như đều chỉ cấu tạo và hoàn thành nhà với một số loại vật liệu cơ bản như gạch, ngói, gỗ, đá… nhưng làm xong phần thô (cất nóc) là đã coi như xong nhà, không phải “tô son trát phấn” gì nhiều. Việc tăng tính đồng nhất về chọn lựa chất liệu hợp lý thực sự giúp giảm lãng phí, giảm pha trộn qua nhiều chủng loại khác nhau, xét về khả năng che chắn, chống chói thời tiết khắc nghiệt sẽ hợp lý hơn nhờ tính đồng bộ về cơ, lý, hóa trong cấu trúc vật liệu.

Phần trong và phần ngoài của ngôi nhà “cách mà không ngăn” còn giúp cơ động khi sử dụng mà không cần gắn thêm, cơi nới. Tính linh hoạt trong văn hóa Việt biểu hiện ở khả năng co giãn điều chỉnh khi trời lạnh hoặc gió bão (hệ cửa bức bàn, cửa lá sách, tấm chắn gấp xếp) chứ không làm một “hộp kính” trơ trụi rồi gắn máy lạnh như nhà thời hiện đại. Mà nếu dùng kính cũng phải lưu tâm đến hiệu ứng nhà kính, một loại “bẫy” tích tụ nhiệt trong nhà khi đóng kín cửa, vì thế chọn hình thức cửa dạng nan chớp, cửa lật xoay được, hộp kính có lớp chân không cách nhiệt…) sẽ quyết định không nhỏ đến nhiệt độ trong nhà.

Chuyện che chắn nắng mưa biểu hiện khía cạnh bền vững mà ngôi nhà hiện nay phải giải quyết, nhưng không bó hẹp trong bản thân cách thức, giải pháp, kỹ thuật. Nếu chiếu theo các tiêu chí cần đạt đến của kiến trúc phương Tây đã đề ra là thích dụng - bền vững - kinh tế - thẩm mỹ, thì Đông và Tây không hề mâu thuẫn mà luôn gặp nhau trong quan niệm và giải pháp, chỉ khác ở tên gọi.

Tây gọi là kiến trúc sinh khí hậu, Đông thông qua kinh nghiệm chọn đất cất nhà, đề ra các kiêng kỵ cần tránh. Khi khoa học phương Tây giải quyết bài toán vật liệu, cấu tạo, thông gió… thì phong thủy phương Đông dùng kinh nghiệm xoay xở, chế tác chi tiết, liên kết âm dương, chọn lọc chất liệu bản địa, khôn khéo, tiết kiệm. Đông - Tây vì thế bổ sung cho nhau và hội ngộ hài hòa, phong thủy và kiến trúc không tách rời.

Việc tương quan, tương hỗ, tương giao, tương hòa các yếu tố đối lập để tạo nên thực thể hữu dụng chính là tuân thủ quan điểm kiến trúc sinh thái, bền vững, trong lộ trình kế thừa truyền thống để hướng đến tương lai.

Bài: ThS-KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tu-van-phong-thuy-chuyen-che-chan-nang-mua-39139.html