Từ tàn dư, IS gia tăng quy mô khủng bố

Những năm qua, các âm mưu khủng bố ở châu Âu được ngăn chặn khá hiệu quả, bởi hầu hết chỉ có quy mô cấp thấp. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, quy mô tấn công khủng bố đang được nâng tầm với những âm mưu cấp cao hơn.

Lực lượng an ninh Nga đứng gác tại hiện trường vụ tấn công tòa nhà Crocus City gần Thủ đô Moscow, Nga vào ngày 22/3. Ảnh: Reuters

Tàn dư chưa thể khai tử

Tháng 3/2019, IS bị liên quân do Mỹ dẫn đầu đánh đuổi khỏi thành trì cuối cùng ở miền Đông Syria. Từ đó đến nay, tổ chức từng tự xưng là vương quốc Hồi giáo trên khắp Iraq và Syria hoạt động ẩn dật với mạng lưới mắt xích từ Tây Phi đến Đông Nam Á. Một trong những chi nhánh IS vẫn còn duy trì hoạt động tương đối đáng kể là Nhà nước Hồi giáo ở Khorasan (ISIS-K). Chi nhánh này hoạt động ở Afghanistan, Pakistan, Iran và đặt mục tiêu tấn công châu Âu.

Thông thường, ISIS-K hay các chi nhánh của IS khác chỉ tiến hành các vụ tấn công mang tính du kích, nhỏ lẻ, như đánh bom liều chết, ám sát... Tuy nhiên, ISIS-K vừa qua gây choáng váng toàn thế giới khi tuyên bố thừa nhận trách nhiệm tấn công tòa nhà Crocus City gần Thủ đô Moscow của Nga, khiến 139 người thiệt mạng và 182 người khác bị thương.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an ninh quốc tế khẳng định, phương thức thực hiện vụ tấn công này là “đậm chất” IS. Lý giải về động cơ ISIS-K tấn công Nga, ông Colin P. Clarke - chuyên gia chống khủng bố tại Công ty tư vấn an ninh Soufan Group, Mỹ cho biết, ISIS-K cáo buộc chính quyền Nga dính máu người Hồi giáo trong tay, ám chỉ sự can thiệp của Nga tại Afghanistan, Chechnya và Syria.

Vào tháng 1 vừa qua tại Iran, ISIS-K đã tiến hành vụ đánh bom kép khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương tại một lễ tưởng niệm vị tướng được người Iran tôn kính là Qassim Suleimani, người bị máy bay không người lái của Mỹ ám sát 4 năm trước.

Đối với Mỹ - quốc gia dẫn đầu các nỗ lực diệt trừ IS, Tướng Michael E. Kurilla - người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ ngày 21/3 phát biểu trước Hạ viện rằng, ISIS-K vẫn duy trì khả năng và ý chí tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở nước ngoài mà không có hoặc rất ít cảnh báo.

Được biết, ISIS-K thành lập vào năm 2015 bởi các thành viên bất mãn của phong trào Taliban tại Pakistan. Vào năm 2021, sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, ISIS-K đã phát triển mang tính “bùng nổ”. Ngay tại thời điểm quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021, ISIS-K đã thực hiện một vụ đánh bom liều chết tại sân bay quốc tế ở Thủ đô Kabul khiến 13 quân nhân Mỹ và 170 thường dân thiệt mạng.

Từ sự trỗi dậy mạnh mẽ này, Taliban đã dồn nhiều tâm sức chiến đấu với ISIS-K ở Afghanistan. Giới chức Mỹ cũng xác nhận những nỗ lực của Taliban trong việc ngăn chặn ISIS-K chiếm giữ lãnh thổ và tuyển mộ số lượng lớn cựu chiến binh Taliban. Dẫu vậy, mức độ và phạm vi tấn công của ISIS-K đang có chiều hướng gia tăng, nhức nhối nhất là các vụ tấn công xuyên biên giới vào Pakistan, cũng như ngày càng có thêm nhiều âm mưu khủng bố nhắm vào châu Âu. Riêng với châu Âu, phần lớn âm mưu ISIS-K đều bị ngăn chặn và lực lượng an ninh của phương Tây đánh giá, khả năng của nhóm này đã đạt đến giới hạn.

Gia tăng quy mô, mức độ tinh vi

Các nước châu Âu thời gian qua ghi nhận nhiều chiến tích ngăn chặn các âm mưu tấn công của ISIS-K, bao gồm bắt giữ nhiều phần tử là thành viên hoặc hậu thuẫn, tài trợ cho nhóm. Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng, hầu hết những âm mưu bị ngăn chặn được tổ chức bởi các phần tử cấp thấp, nên việc phát hiện và ngăn chặn là không quá khó. Giới chức Mỹ cũng thừa nhận điều này. Gần đây, phát biểu tại một ủy ban của Hạ viện Mỹ, bà Christine S. Abizaid - Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ nói rằng, ISIS-K thúc đẩy các cuộc tấn công chủ yếu dựa vào các thành viên thiếu kinh nghiệm ở châu Âu.

Tuy nhiên, sau 2 vụ khủng bố ở Iran và Nga vừa qua, giới phân tích nhận định, có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại về việc ISIS-K nói riêng và IS nói chung đang lớn mạnh hơn với mức độ lập kế hoạch tinh vi hơn, khả năng khai thác các mạng lưới cực đoan địa phương hiệu quả hơn.

Trong tháng 1 vừa qua, IS tấn công một nhà thờ Công giáo La Mã ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng an ninh nước này sau đó bắt giữ 47 đối tượng liên quan, hầu hết là công dân Trung Á. Theo giới phân tích, hiện nay, một phần đáng kể thành viên ISIS-K có nguồn gốc Trung Á, trong khi một lượng lớn người Trung Á sống tại Nga. Có khả năng, nhiều cá nhân trong số này đã bị cực đoan hóa và đảm trách chức năng hậu cần, hỗ trợ các vụ tấn công. Ông Daniel Byman - chuyên gia chống khủng bố ở Đại học Georgetown, Mỹ nhìn nhận, các chiến binh ISIS-K là người tại khu vực Trung Á và vùng Kavkaz có thể chịu trách nhiệm về vụ tấn công ở Nga vừa qua.

Bình luận về vụ tấn công của ISIS-K xảy ra ngay sát thủ đô của một cường quốc quân sự như Nga, giới chuyên gia cho rằng, dường như Nga không coi trọng những cảnh báo công khai và chi tiết từ Mỹ về những âm mưu tấn công khủng bố của ISIS-K. Điều này cũng xảy ra tương tự với chính quyền Iran. Dù có những cảnh báo của Mỹ, song hai quốc gia này có thể đang bị phân tâm vì những thách thức an ninh khác. Sau vụ tấn công ở Nga, Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết, đầu tháng 3, Chính phủ Mỹ đã chia sẻ thông tin với Nga về một cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch ở khu vực Thủ đô Moscow. Chính phủ Mỹ cũng công khai khuyến nghị an toàn cho người Mỹ ở Nga vào ngày 7/3.

Giới chuyên gia chống khủng bố tại châu Âu lo ngại, 2 vụ tấn công ở Nga và Iran vừa qua có thể tạo động lực rất lớn cho ISIS-K nói riêng và IS nói chung tăng cường các nỗ lực tấn công khủng bố ở châu Âu. Nhiều khả năng, Pháp, Bỉ, Anh và một số quốc gia khác đang lọt vào “tầm ngắm” của ISIS-K. Giới chức của Liên hợp quốc và nhiều quốc gia châu Âu lo lắng rằng, mạng lưới tàn dư khủng bố chưa thể tận diệt này đã, đang và sẽ nâng tầm quy mô của các vụ tấn công, thay vì chỉ là các âm mưu khủng bố cấp thấp như thời gian qua.

Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Avril D. Haines khẳng định: “Mối đe dọa từ IS vẫn là mối lo ngại đáng kể về chống khủng bố. Hầu hết các cuộc tấn công do IS thực hiện trên toàn cầu đều xảy ra ngoài Afghanistan, bên ngoài lãnh địa của IS”.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tu-tan-du-is-gia-tang-quy-mo-khung-bo-post474134.html