Từ Sputnik 1 đến Luna 25

Vụ thất bại của Luna 25 (Луна 25) khi hạ cánh xuống mặt trăng mặc dù được nhiều người quy thành thất bại chung trong chương trình thám hiểm vũ trụ của Liên bang Nga, tuy nhiên ngay con số 25 cũng đã nói lên nhiều điều: trước nó đã có 24 con tàu khác thuộc chương trình này được phóng lên mặt trăng, và nhiều lần thành công. Tên của con tàu, Луна (Luna) trong tiếng Nga chính là mặt trăng.

Chương trình Luna

Luna 1, phóng ngày 1/1/1959, là phi thuyền đầu tiên tiếp cận vùng lân cận của mặt trăng và thực hiện quỹ đạo quanh mặt trời.

Luna 16, phóng vào ngày 12/9/1970, là robot tự động chở mẫu vật mặt trăng đầu tiên thành công. Sau khi hạ cánh xuống mặt trăng, con tàu này đã khoan sâu 35 cm xuống bề mặt. Mẫu đất nặng 100g được chuyển lên tàu mẹ để đưa về, sau đó hạ cánh ở Liên Xô vào ngày 24/9 cùng năm.

Hai tháng sau đó, ngày 10/11/1970 - Luna 17 được phóng lên với nhiệm vụ chở robot tự hành đầu tiên thành công. Con tàu này hạ cánh ở khu vực Biển Mưa và thả thành công robot Lunokhod 1 (Луноход 1). Những người thuộc thế hệ 7x, 8x chắc đều nghe danh con robot Lunokhod nổi tiếng này. Nó là robot tự hành đầu tiên của loài người từng hạ cánh xuống bề mặt một thiên thể ngoài Trái đất. Và với ý nghĩa lớn lao ấy, hình ảnh của nó từng có mặt trên nhiều con tem trên toàn thế giới.

Lunokhod 1 (1970) robot tự hành đầu tiên hạ cánh xuống bề mặt một thiên thể ngoài trái đất.

Lunokhod 1 cao 1,92m, dài 4,42m (với pin mặt trời đã mở), rộng 2,15m, nặng 756 kg, có tám bánh dẫn động chủ động với động cơ và phanh. Lunokhod được điều khiển bởi sóng vô tuyến từ Trái Đất, trang bị 2 camera truyền hình và 4 camera toàn cảnh cùng nhiều thiết bị lấy mẫu vật khác. Lunokhod 1 chạy khoảng 10,5 km trong nhiệm vụ kéo dài 302 ngày. Camera của nó đã truyền về Trái đất hơn 20.000 ảnh chụp, bao gồm 206 ảnh toàn cảnh với độ phân giải cao. Ngoài ra, nó thực hiện 25 lần phân tích đất đá mặt trăng bằng máy quang phổ huỳnh quang tia X RIFMA và sử dụng mũi khoan xuyên thấu tại 500 điểm khác nhau trên bề mặt mặt trăng. Lunokhod 1 cũng mang theo gương chiếu hậu cho phép các nhà khoa học thực hiện thí nghiệm laser để xác định khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng với độ chính xác đến 3m.

Với công nghệ cách đây nửa thế kỷ mà Liên Xô đã chế tạo được robot này thì quả thật là một thành tựu đáng kinh ngạc của loài người.

Chương trình Luna của Liên Xô chấm dứt với Luna 24 - cất cánh vào ngày 9/8/1976. Con tàu hạ cánh xuống Mặt trăng ở vùng đông nam biển Khủng hoảng (theo tiếng Latinh) , sau đó khoan sâu 2m. Nó đem về Trái đất 170 g đất của hành tinh này.

Trên thực tế, Liên Xô là nước đầu tiên thực hiện được những bước nhảy vĩ đại của nhân loại vào vũ trụ, với vệ tinh đầu tiên — Sputnik 1, nhà du hành vũ trụ đầu tiên — Gagarin và robot tự hành đầu tiên ngoài vũ trụ — Lunokhod 1.

Sau đó, Mỹ là nước đầu tiên thành công trong dự án Apollo — đưa người lên mặt trăng. Đây là một chương trình cực kỳ tốn kém và vô cùng phức tạp về mặt kỹ thuật. Cho đến nay vẫn không ít người đa nghi, cho rằng chương trình này của Mỹ chỉ là một sự giả mạo công phu, giống như một sản phẩm của Hollywood. Tuy nhiên, có thể đó cũng chỉ là một trong các thuyết âm mưu như rất nhiều thuyết âm mưu khác trong thế giới chúng ta.

Những chương trình thám hiểm vũ trụ chỉ có thể thực hiện được khi có được nguồn kinh phí khổng lồ. Mỹ đã bỏ ra 25,8 tỷ đô la cho dự án Apollo vào những năm từ 1960 đến 1973, tương đương 257 tỷ đô la vào năm 2020 khi điều chỉnh theo lạm phát. Nên nhớ tổng thu nhập quốc dân của Trung Quốc vào năm 1968 chỉ là 70 tỷ đô la! Riêng chương trình Apollo đã tốn kém hơn 1/3 tổng thu nhập một năm của Trung Quốc hồi đó.

Vậy các cường quốc nhận được gì từ các chương trình vô cùng tốn kém này? Thực ra đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Mất hàng chục tỷ đô la để bay lên Mặt trăng, đào bới rồi mang về vài lạng đất bề mặt ở đó? Chụp vài ngàn tấm ảnh? Những việc ấy nghe chừng có vẻ khó tin.

Câu trả lời có thể còn nằm ở công nghệ và an ninh quốc gia nằm sau các chương trình thám hiểm vũ trụ chứ không phải chính mục đích hào nhoáng bên ngoài của nó.

Sputnik 1 - Vệ tinh đầu tiên của loài người

Chúng ta hãy nhìn lại Sputnik 1 (Спутник 1) - Vệ tinh đầu tiên của loài người, do Liên Xô chế tạo và phóng thành công bởi tên lửa R-7 vào ngày 4/10/1957, được xem là ngày mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người.

Sputnik 1 (Спутник 1) - Vệ tinh đầu tiên của loài người

Ra đời vào đỉnh điểm của thời kì Chiến tranh Lạnh, sự kiện phóng Sputnik 1 của Liên Xô đã khiến Phương Tây bất ngờ, và để không rơi vào thế thua kém, Mỹ phải bắt đầu thời kì chạy đua khốc liệt, hao người tốn của, vào không gian.

Trên thực tế, sự thua cuộc của Mỹ trong giai đoạn đầu của cuộc đua vũ trụ dường như bắt nguồn từ nguyên nhân địa chính trị chứ không hẳn là khoa học kỹ thuật.

Liên Xô có lãnh thổ rất gần các đồng minh của Mỹ tại châu Âu. Thủ đô Moskva cách không xa các thủ đô châu Âu khác. Trong khi đó, Liên Xô lại không có nhiều đồng minh bên cạnh lãnh thổ Mỹ. Chính vì lý do trên đây, Liên Xô đã tập trung rất nhiều nguồn lực vào việc chế tạo tên lửa đạn đạo — loại tên lửa có thể vươn đến Mỹ từ trong lãnh thổ Liên Xô. Người Mỹ thì lại không quá quan tâm đến loại tên lửa mạnh như vậy, cũng vì lý do nêu trên.

R-7 ban đầu được thiết kế như một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Quyết định chế tạo được chính phủ Liên Xô đưa ra vào ngày 20/5/1954. Là tên lửa mạnh nhất thế giới vào thời điểm ra mắt; nó được thiết kế với lực đẩy lớn hơn mức cần thiết vì người ta không biết chắc trọng tải bom khinh khí như thế nào.

Nắm được tên lửa R-7 trong tay, Liên Xô lập tức thành công với việc phóng vệ tinh đầu tiên vì về bản chất, việc phóng tàu vũ trụ nói chung và vệ tinh nói riêng dựa chủ yếu trên công nghệ tên lửa. Tên lửa càng mạnh thì con tàu càng đi xa. Đôi khi việc một quốc gia phóng một vệ tinh lên quỹ đạo chỉ là để cho thế giới biết rằng họ đã nắm được công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo vượt đại châu mà thôi. Và đó là tiềm lực của một cường quốc.

Chính vì thế, những chương trình thám hiểm vũ trụ vô cùng tốn kém đều có những mục đích riêng, để chứng minh năng lực khoa học công nghệ của họ. Sau khi Mỹ thành công trong việc đưa người lên Mặt trăng, cuộc đua vũ trụ của Nga và Mỹ cũng chấm dứt, vì cả hai bên đã hiểu sức mạnh của nhau. Đặc biệt, vào thời kỳ sau khi Liên Xô tan vỡ, người Mỹ lại càng không thấy cần phải phát triển và duy trì những dự án thám hiểm vũ trụ tốn kém trí tuệ, thời gian,và tiền bạc như vậy nữa.

Hôm nay, gần nửa thế kỷ sau cuộc đua vũ trụ ấy, chúng ta lại đang chứng kiến một cuộc đua mới, lần này không chỉ giữa Liên Xô và Mỹ, mà đã có thêm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật và nhiều quốc gia khác.

Hy vọng rằng đến một lúc nào đó, các cường quốc sẽ hợp tác và chia sẻ chi phí cũng như công nghệ với nhau để con người thật sự vươn tới những vì sao, chứ không phải chỉ nhìn nhau dè chừng như hôm nay.

Và dù Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ đạt được thành tựu nào trong những dự án chinh phục vũ trụ, thì đó cũng là niềm vui chung cho nhân loại, là một bước tiến mới, dù vô cùng nhỏ, của loài người vào sự vô tận của vũ trụ. Từ Sputnik 1 đến Luna 25 - đó không phải là một chặng đường của riêng khoa học vũ trụ Nga, mà đó thực sự là bước đi của cả nhân loại.

Nói cách khác, mỗi thất bại của họ cũng là một nỗi buồn cho tất cả chúng ta.

Bài viết: Thiên Lương

Đồ họa: Thanh Nga

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tu-sputnik-1-den-luna-25-189437.htm