Từ phép đến đạo nêu gương

(Tiếp theo và hết)

BPO - Từ thực tiễn nêu gương của cán bộ, đảng viên, đã và đang đặt ra không ít vấn đề phức tạp, nan giải. Có thể hình dung tối thiểu 15 loại biểu hiện vừa cơ bản vừa cấp bách phải sửa chữa: 1 - Thờ ơ vô cảm; 2 - Tiền hậu bất nhất; 3 - Xanh vỏ đỏ lòng; 4 - Dân túy lừa phỉnh; 5 - Tán dương mù quáng; 6 - Dễ trên khó dưới; 7 - Nói xuôi làm ngược; 8 - Tốt mình xấu người; 9 - Thực dụng chủ nghĩa; 10 - Mượn cớ thoái lui; 11 - Cáo mượn oai hùm; 12 - Công tư nhập nhằng; 13 - Giũ áo phủi tay; 14 - Khẩu phật tâm xà; 15 - Khoanh vùng pháp luật.

Những biểu hiện đó vô hình đã làm méo mó quyền và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; việc tự kiểm soát quyền lực ở không ít người trở nên nguy hiểm và việc kiểm soát quyền lực thông qua nêu gương ở không ít nơi rơi vào rối loạn, thậm chí mất phương hướng. Rốt cuộc, vấn nạn “diễn gương” và “gương diễn” giả dối, hủ bại như thế đã làm tổn hại danh dự và bào mòn uy tín của cán bộ, đảng viên; vô hình xâm hại quyền lực và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của tổ chức, theo đó, vị thế, vai trò cá nhân và tổ chức cũng bị xâm phạm hoặc trở nên phản tác dụng, thậm chí hóa thành nguy hại.

Có thể gọi đó là gương diễn và diễn gương.

Vì sao như vậy? Có thể nhận thấy 8 loại nguyên nhân cần mổ xẻ và chủ trị những loại “gương diễn” và “diễn gương”: 1 - Nặng về hô hào, hình thức; 2 - Cơ chế vận hành chưa hoàn thiện; 3 - Đạo lý chưa song hành pháp lý; 4 - Sức mạnh dư luận chưa đủ mạnh; 5 - Hệ thể chế chưa tương dung; 6 - Bộ chế tài chưa đồng bộ và đủ mạnh; 7 - Người đứng đầu được chọn chưa đủ xứng; 8 - Môi trường xã hội và pháp lý chưa hoàn thiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn: Nói miệng ai cũng nói được. Ta phải thực hành… Làm gương cả về 3 mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa… Muốn làm được, ta phải: quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công. Tới đây, lại nhớ lời cổ nhân: Quân tử lấy ngôn ngữ mà giáo hóa người, lấy hành động của mình làm gương để thu phục hay ngăn cấm người. Do thế, ngôn ngữ phải suy nghĩ trước sau, hành động phải xét kỹ những chỗ sai sót. Như vậy, ắt dân sẽ cẩn trọng ở ngôn ngữ và nghiêm túc ở hành động.

Đảng ta là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, vậy thì, theo đó, các thành viên của Đảng, những người đảng viên phải là những người “tiên phong”, gương mẫu đi đầu trong các lĩnh vực, công việc, mọi lúc, mọi nơi. Gương mẫu là “thuộc tính” của cán bộ, người đảng viên; đã là đảng viên phải gương mẫu; ai không gương mẫu thì không xứng đáng là cán bộ, đảng viên của Đảng và cán bộ của Nhà nước, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Nếu phép tắc hay cách thức nêu gương là công việc nhân sinh, nhân thế, để trả lời nêu gương là gì và vì sao cần làm để mỗi cán bộ, đảng viên, từng tổ chức, cơ quan, đơn vị tự kiểm soát mình theo chức năng, nhiệm vụ bằng nêu gương thì Đạo lý nêu gương cần tiếp tục trả lời là cần làm gì và làm như thế nào để thành tâm và thực sự nêu gương. Nó thuộc về nhân tính, nhân tâm, phẩm hạnh của mỗi cán bộ, đảng viên, từng tổ chức, cơ quan, đơn vị ứng xử tương dung và hợp lẽ với nhân sinh, nhân thế theo thẩm quyền và trách nhiệm của mình, với tư cách là người tiên phong của một Đảng cầm quyền hiện nay, công bộc trung thực, trong sạch và mẫn cán của Nhà nước.

Có thể nói, đó chính là phẩm giá đạo lý nêu gương mà mỗi cán bộ, từng đảng viên từ đó và qua đó kiểm soát, tự kiểm soát quyền lực của mình một cách công khai và dân chủ trước nhân dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Theo đó, cần thiết thực hành 9 điều của đạo lý nêu gương trên 3 phương diện:

- Đối với công việc: 1 - Liêm sỉ làm đầu: Dĩ công vi thượng; 2 - Thượng tôn kỷ luật: Pháp trị công minh; 3 - Luận công ban thưởng: Xếp mình sau cùng.

- Đối với đồng chí và nhân dân: 1 - Kiềm chế tự ái: Lấy nhân đãi người; 2 - Nói thống nhất làm: Lấy tín giành người; 3 - Trung thực vô tư: Lấy lý phục người.

- Đối với bản thân: 1- Sửa mình nghiêm khắc: Khoan dung với người; 2 - Khiêm cung cầu thị: Khen người trách mình; 3 - Tự soi, tự sửa: Công tư rạch ròi.

Ấy chính là rường cột của đạo lý nêu gương vậy.

Nếu được tối thiểu 9 điều như thế, mỗi đảng viên lo gì mọi sự từ việc công tới việc riêng không thành, danh dự và sự nghiệp không cầu tất cũng tự đến!

Đến lượt mình, mỗi tổ chức đảng, chính quyền, từng cơ quan, đơn vị chủ động tiếp tục phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Xếp nêu gương là một trong những nhân tố căn bản cấu thành hệ giá trị chuẩn mực đạo đức đảng viên. Phát triển các phương thức, giá trị về tự phê bình và phê bình trong nêu gương một cách toàn diện. Xây dựng hệ công cụ để đo lường sự tín nhiệm của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên. Nghiên cứu, bổ sung và phát triển cụ thể về nêu gương trong hệ các thể chế tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và trên nền móng truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh mình trong cuộc sống và công việc hằng ngày, hợp thành yêu cầu về tư chất cá nhân cán bộ, đảng viên. Hoàn thiện thể chế, kiểm tra, giám sát, trách nhiệm giải trình, minh bạch (nhân thân, thân nhân, tài sản…) và hoàn thiện thể chế về chế tài chung quanh công việc nêu gương của cán bộ, đảng viên.

* * *

Nếu được tối thiểu như thế, cùng với đạo nêu gương gồm 9 điều nêu trên, lo gì mỗi cán bộ, đảng viên không thể không tự giác nêu gương, không tự khép mình vào vòng tự kiểm soát mình, không bài trừ những mạn “gương diễn” và “diễn gương” giả tạo, hủ bại; qua đây tự khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, tạo sự lan tỏa, góp mình thúc đẩy các phong trào cách mạng, xứng đáng là cán bộ, đảng viên của một Đảng lãnh đạo, cầm quyền của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Nhớ năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Đảng Lao động Việt Nam gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất. Nó sẽ gồm những người kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lao động, những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Như thế là rõ. Ai mà không như thế thì không xứng đáng là đảng viên.

Hơn 71 năm trước như thế, hiện nay điều ấy vẫn phải là liêm sỉ, là trách nhiệm và là lương tâm đối với mỗi cán bộ, đảng viên!

Và, ai không như thế, tổ chức nào trái thế, tất tự đào thải chính mình!

T.S Nhị Lê

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/141241/tu-phep-den-dao-neu-guong