Từ năm 2025 sẽ thí điểm thị trường carbon

Từ năm 2025, sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 thị trường này chính thức vận hành.

Tọa đàm Thị trường carbon, cơ hội nào cho Việt Nam do Báo Giao thông tổ chức. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Tọa đàm Thị trường carbon, cơ hội nào cho Việt Nam do Báo Giao thông tổ chức. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ngày 20/4, Báo Giao thông đã phối hợp với Công ty cổ phần Sáng tạo Xanh Việt Nam - GreenID tổ chức tọa đàm “Thị trường Carbon, cơ hội nào cho Việt Nam?” nhằm thảo luận, chia sẻ cơ hội kinh doanh carbon tại Việt Nam; lộ trình phát triển thị trường này trong nước và những khuyến nghị chính sách, giải pháp phát triển thị trường này…

Với những cam kết của các bên tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, thị trường carbon toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Mặc dù vậy, tại Việt Nam, thị trường carbon còn khá mới mẻ cả về thông tin, kiến thức, hành lang pháp lý và các bên đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia, giao dịch. Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ năm 2025, sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 thị trường này chính thức vận hành.

Theo thông tin tại tọa đàm, kết thúc năm 2021, giá tín chỉ phát thải carbon tại châu Âu ở mức hơn 80 euro/tấn, cao hơn gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020, do nhu cầu từ các nhà đầu tư tăng mạnh và EU siết chặt các chính sách về khí hậu cho mục tiêu giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030.

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho hay, tín chỉ carbon ngày càng khan hiếm vì quốc gia có rừng trên thế giới không nhiều. Ở Việt Nam có 3/4 đất rừng. Lâu nay chúng ta bỏ qua rừng để trồng sẵn, cà phê và nhiều loại cây khác, như keo, tràm… thì bình quân thu nhập tương đương hơn 3.000 USD/năm. Nhưng nếu làm giảm phát thải carbon có thể đạt 150 tấn carbon/ha, tương đương 6.000 USD/ha/năm.

Cũng theo ông Phạm Hồng Lượng, Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành lâm nghiệp đang nắm giữ một lượng tín chỉ carbon khổng lồ. Việt Nam có tỷ lệ che phủ rừng khá cao so với thế giới, khoảng hơn 42%, trong khi trung bình thế giới khoảng 31%.

Với tiềm năng đó, vừa qua Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, dưới sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế như GIZ tham mưu trình Chính phủ về Luật lâm nghiệp. Đây là luật đầu tiên đưa nội dung dịch vụ hấp thụ carbon vào trong khuôn khổ pháp lý cao nhất. Sau đó là các nghị định quy định rất chi tiết về dịch vụ hấp thụ carbon, để làm sao đó thúc đẩy thị trường giao dịch, trao đổi mua bán tín chỉ carbon và kết quả giảm phát thải.

"Trong tương lai, Chính phủ, cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành làm việc tích cực với các quốc gia khác quan tâm mua tín chỉ như Hàn Quốc, Singapore…hoặc các đối tác tư nhân muốn đầu tư vào tín chỉ để thực hiện cam kết giảm phát thải tại quốc gia của mình. Tuy nhiên, quan trọng là phải cân bằng lợi ích cho doanh nghiệp về kinh tế và đảm bảo cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cơ hội cho thị trường carbon được đánh giá rất lớn, đặc biệt với nguồn tài nguyên rừng của Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cơ hội cho thị trường carbon được đánh giá rất lớn, đặc biệt với nguồn tài nguyên rừng của Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện đã có nhiều đơn vị quan tâm đến mua bán tín chỉ carbon, không chỉ cấp Chính phủ mà cả tư nhân nữa.

"Nhưng thị trường sau này hướng đến là bắt buộc nên phải đợi sự phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở phát thải khí nhà kính, đó là những cơ sở có phát thải rất lớn. Chính phủ cũng đã có danh mục các cơ sở, lĩnh vực phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp phát thải trên 3.000 tấn CO2/năm phải thực hiện giảm phát thải", ông Nguyễn Thành Công cho biết thêm.

Trong tương lai, định hướng của tín chỉ carbon sẽ tập trung nhiều hơn về các nguồn năng lượng tái tạo và nổi bật nhất là năng lượng mặt trời, điện gió ngoài khơi và năng lượng sinh khối. Thứ 2 là tập trung vào các dự án tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn, doanh nghiệp đầu tư vào điều hòa, Inverter, nếu đầu tư đủ lớn có thể mời các đơn vị thẩm định vào đo đạc, và xác định tín chỉ.

Ông Phạm Hồng Lượng cho hay, ngành nông nghiệp cũng có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện môi trường rừng, đã ký kết với các đơn vị thực hiện thỏa thuận, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải. Riêng trong lĩnh vực hấp thụ carbon thì tổng lượng carbon hấp thụ của ngành khoảng 612 triệu tấn. Đây là con số rất lớn, chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thiện các thể chế chính sách liên quan để thúc đẩy.

Việt Nam có con số hàng trục triệu tín chỉ carbon bao gồm các loại hình như rừng, biển, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng đều tạo ra tín chỉ carbon. Song, theo các chuyên gia, vấn đề là cơ chế ra sao, cơ chế đảm bảo hài hòa loại ích, doanh thu cho nhà đầu tư, phân chía nguồn doanh thu cho các bên liên quan như thế nào. Đây chính là thách thức để Việt Nam có thể bắt kịp và đồng bộ với các thị trường carbon quốc tế.

Ông Võ Chí Công, Trưởng phòng Cấp cao về ESG của Vinacapital đề xuất: "Tôi hi vọng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ, ngành liên quan có kế hoạch định hướng, thể chế chính sách rõ ràng hơn để theo kịp quốc tế, việc này cần đẩy sớm để có hành lang pháp lý, kỹ thuật và nhân lực sẵn sàng cho thị trường carbon phát triển"./.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tu-nam-2025-se-thi-diem-thi-truong-carbon/288592.html