Tự chữa viêm đường hô hấp, bé gái mắc hội chứng mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính

Bị viêm long đường hô hấp, gia đình tự mua thuốc không rõ nguồn gốc về uống, một bé gái 13 tuổi ở huyện Hải Hà, Quảng Ninh đã nổi mẩn da và được chẩn đoán mắc hội chứng mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính (AGEP).

Mới đây, TTYT Hải Hà (Quảng Ninh) tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi nhập viện trong tình trạng nổi mụn mủ toàn thân.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhi được các bác sĩ thăm khám và khai thác bệnh sử, phát hiện người bệnh bị viêm long đường hô hấp nhưng tự đến quầy thuốc mua thuốc không rõ loại (được cho là kháng sinh) về uống.

Qua hội chẩn, bác sĩ chuyên khoa da liễu chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính (AGEP).

Sau dùng thuốc 1 ngày, bệnh nhi xuất hiện mảng đỏ da tăng dần với nhiều mụn mủ kích thước 2-3mm phân bố đối xứng hai bên ở da đầu ngực, lưng, chân, tay, không sốt, không ghi nhận khác ở lưỡi, đau khớp cũng như bệnh lý nền khác.

Qua hội chẩn, bác sĩ chuyên khoa da liễu chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính (AGEP).

Ngay lập tức, bệnh nhi được xử trí bằng biện pháp chăm sóc hỗ trợ tại bệnh viện (bao gồm bù dịch và điện giải), corticosteroid toàn thân và tại chỗ, thuốc kháng histamin đường uống, được tư vấn về bệnh, không tái sử dụng các thuốc đã dùng trước đó.

Sau 3 ngày theo dõi, hầu hết mụn mủ, hồ mủ tróc bong nhiều vảy, không nổi thêm sang thương mới. Bệnh nhị được xuất viện sau 5 ngày điều trị.

Theo bác sĩ da liễu cho biết, di ứng thuốc là phản ứng quá mức, bất thường, có hại cho người bệnh khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc (sự kết hợp dị nguyên với kháng thể dị ứng hoặc lymoho bào mẫn cảm) do đã có giai đoạn mẫn cảm. Dị ứng thuốc thường không phụ thuộc vào liều lượng, có tính mẫn cảm chéo, với một số triệu chứng và hội chứng lâm sàng đặc trưng, thường có biểu hiện ngoài da và ngứa. Nếu dùng lại thuốc đã gây dị ứng thì phản ứng dị ứng sẽ xảy ra nặng hơn và có thể tử vong. Dị ứng thuốc chiếm khoảng 10 - 15% các phản ứng có hại do thuốc.

Hội chứng mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính (AGEP) là thể dị ứng hiếm gặp (~ 1:100.000 người bệnh điều trị), 90% gây ra do thuốc. Những loại thuốc có thể dẫn đến đến AGEP như: Kháng sinh là một trong những loại thuốc hay gặp trong các ca AGEP do thuốc nhất. Các loại thuốc khác có liên quan đến AGEP bao gồm các thuốc chống nấm đường uống.

Thế Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-mua-thuoc-uong-chua-viem-duong-ho-hap-be-gai-mac-hoi-chung-mun-mu-ngoai-ban-toan-than-cap-tinh-169240329113424875.htm