Từ một chương trình trên Truyền hình Nhân Dân...

Phóng sự 'Chất thép và chất nhân văn nơi trái tim người làm báo' phản ánh trung thực những phẩm chất và cống hiến của nhà báo lão thành Nguyễn Hồng Vinh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (hiện là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) trao Bằng Huân chương Sao Vàng tặng Báo chí Cách mạng Việt Nam tới các đồng chí Chủ tịch và nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (từ phải qua trái): Đinh Thế Huynh, Phan Quang và Hồng Vinh tại Hà Nội tháng 6 năm 2010

Tình cờ tôi được xem một phóng sự mang tên “Chất thép và chất nhân văn nơi trái tim người làm báo” trên Truyền hình Nhân Dân nói về nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Thú thật, xem phần mở đầu đã thấy hấp dẫn quá nên tôi gắng xem cho đến khi kết thúc phim.

Người viết và dẫn chương trình đã lồng ghép hình ảnh kết hợp, thể hiện sống động, khúc triết và cô đọng. Nhớ lại và suy ngẫm qua phóng sự này, tôi vô cùng khâm phục, ngưỡng mộ PGS, nhà báo, nhà thơ Hồng Vinh. Viện dẫn những chức danh ông từng đảm trách trước Đảng, trước Nhân dân và Tổ quốc, như Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, rồi Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương... quả là những chức danh “biết nói”. Vì mấy ai đảm nhiệm liên tục nhiều năm những trọng trách lớn và rất khó này?

PGS. TS, nhà báo, nhà thơ Hồng Vinh

Là người con sinh ra ở miền quê nghèo, đất lúa Nam Định, tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được phân công về báo Nhân Dân, rồi những bước kế tiếp đầy gian truân, nhưng rất đỗi tự hào: Hai lần vào Trường Sơn làm phóng viên chiến trường, ba lần ra Trường Sa vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Ngày 19/7/1992, ông được trực tiếp bỏ phiếu bầu cử Quốc hội ở Trường Sa giữa mùa gió chướng.

Tấm thẻ cử tri bầu cử ở Trường Sa ngày 19/7/1992

Ở mỗi cương vị, ông đều để lại dấu ấn của trí lực, tâm lực và bút lực. Con người ông thể hiện nhiều tố chất tổng hòa của người cầm bút chân chính. Phóng sự về ông khá đủ và toàn diện. Bài viết và người dẫn chương trình hay, êm nhẹ, có sức truyền cảm lạ, nghe không chán, tiếp đó là những cái gật đầu ngưỡng mộ khâm phục của thính giả - tôi tin vậy vì suy từ mình ra.

Do quý trọng một nhân cách lớn Nguyễn Hồng Vinh, tôi đã tìm và ghi được đường link video này, sau đó tìm cách truyền dẫn cho một số bạn bè thân hữu cùng nghe, cả những người có tuổi từng trải nghiệm cũng như lớp trẻ... Sau một thời gian, tôi nhận được những hồi âm nhận xét về PGS, nhà báo, nhà thơ Hồng Vinh qua phóng sự. Tôi xin đăng lại ý của họ viết:

Ông Vũ Kiên: Nghe, xem xong video: “Chất thép và chất nhân văn nơi trái tim người làm báo” nói về PGS, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, tôi chợt nghĩ ra 3 từ ngược NHV là (VHN) Vĩnh Hồng Nguyên. Các cụ thân sinh anh Vinh thật khéo lựa chọn ba từ ẩn đó, khi đảo lại mới thấy: Vĩnh là vĩnh hằng là mãi mãi, bền lâu... Hồng là đẹp, là màu hồng, màu của cách mạng, của nghị lực và thành công; Màu của mềm mại dễ yêu nhưng phủ bên trong là khối thép... Cuối cùng, Nguyên là nguyên vẹn, nguyên khí, không thể pha trộn, có đổi mới mà lại chẳng đổi màu, chính là nghị lực, bản ngã của riêng ông.

Chị Nguyễn Thị Dung: Lần đầu tiên, em mới được xem trọn vẹn một phóng sự nói về bước đường công tác, các bậc thang trưởng thành của anh Vinh. Trước đây, em chỉ nghe mang máng, giờ thì xin “ngả mũ” chào anh, lòng tâm phục, khẩu phục... Tấm gương sáng của một nhân sĩ thời nay là đây, với những suy nghĩ và việc làm rất cụ thể, có sức thu hút, lay động người đọc, người nghe.

Anh Phạm Trọng Căn: Người xưa có câu: “Điểu tận cung tàng”, tức là khi hết chim thì cung thủ cũng bỏ đi. Tưởng tượng ra: Người đủ tài đức đến mấy nhưng rồi thời cuộc đổi thay, lớp người mới lên, tân quan tân chính sách. Họ sẽ tuyển dùng ê kíp mới, cạ mới, người cũ giỏi tài cũng bằng thừa. Thế mà về hưu lâu rồi vẫn thấy nhiều báo giấy, báo điện tử, truyền hình thường xuyên giới thiệu anh. Giá trị của nhiều bài viết chính luận, xã luận, thơ ca (bài hát phổ từ thơ anh) thực hay, ai theo dõi cũng phải nể kính... Chứng tỏ anh có uy tín lớn, đúng như Bác Hồ nói “vừa hồng, vừa chuyên”.

Giờ giải lao trên đỉnh Đồng Tiền ở Trường Sơn vào cuối chiều, giữa chặng hành quân

Anh Phan Hữu Hùng: Được anh Hoa Thanh cho xem kỹ video: “Chất thép và chất nhân văn trong trái tim người làm báo”, nói về PGS, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, tôi không biết nói thế nào cho hết. Chỉ liên tưởng về ngày nay: Người tốt cũng nhiều nhưng người xấu không ít, tính đố kỵ thị phi lẫn nhau có ở mọi cấp, mọi nơi. Từng thấy kẻ cao chót vót vẫn xin từ chức, gã nọ từng là cán bộ cao cấp vẫn vào tù bóc lịch hay bị kỷ luật cảnh cáo, tôi càng nể phục sự bền bỉ, toàn đức, toàn tài của PGS, nhà báo, nhà thơ Hồng Vinh.

Giai đoạn ông làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, là lúc chúng ta đang chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường, xuất hiện nhiều khó khăn, thử thách trong công tác tư tưởng.

Tại trọng trách này, ông là người thực sự “chép bút” cho Đảng, cho Dân. “Chất thép, chất nhân văn” được hòa quyện, tích cực góp sức định hướng phát triển của cách mạng, hướng công luận đi theo đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đâu phải giản đơn.

Anh Đỗ Mạnh Khánh: Nhận được video, cứ tưởng Hoa Thanh muốn “quảng cáo” cho ông Vinh nhưng xem lần một, lại muốn xem lần hai. Thời cơ chế thị trường hiện đại, mẫu người cầm bút tận tụy, trách nhiệm như thế này thật đáng quý trọng!

PGS. TS, nhà báo, nhà thơ Hồng Vinh dự mít tinh kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Nam Định (ngày 19/5/2923)

Chị Lê Thị Hạnh: Tôi là người đã xem chương trình “Chất thép và chất nhân văn nơi trái tim người làm báo” phát trên truyền hình Nhân Dân. Với tựa đề như vậy đã thu hút tôi xem hết từ đầu đến cuối.

Quả thật, tôi thật sự kính nể PGS, nhà báo, nhà thơ Hồng Vinh. Phải nói anh đã đạt tới đỉnh cao trong làng báo, với những bài viết chính luận sắc sảo mà chỉ có từ những người với bản lĩnh vững vàng, trình độ chuyên môn sâu chắc, có tầm nhìn rộng, luôn theo sát cụ thể tình hình đất nước.

Tôi khâm phục anh ở tinh thần làm việc, từ khi còn là một phóng viên non trẻ mới bước vào nghề, luôn học tập, làm việc tận tâm, tận lực, biết kế thừa kinh nghiệm của các thế hệ đàn anh, với phương châm: “Muốn biết bơi thì phải lao xuống nước”. Rồi khi trưởng thành có địa vị cao trong xã hội, anh không quên và biết ơn lời căn dặn ấy.

Còn chất nhân văn thì sao? Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, anh vẫn nhớ về nguồn cội, biết ơn quê hương, dòng họ, thương nhớ người mẹ, đã sinh thành ra mình trong nghèo khó... Xem đến đây tôi cũng lệ thấm mi, thầm biết ơn thân mẫu đã sinh ra người con chí hiếu như Nguyễn Hồng Vinh. Trong anh, luôn khắc ghi hình ảnh làng quê vùng chiêm trũng ngày xưa để rồi sáng tạo những câu thơ, bài thơ sâu lắng tình người.

Tôi tìm đọc nhiều bài thơ của anh, thấy rõ một trái tim Hồng Vinh thấm đẫm tình yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu Đảng, yêu Tổ quốc vô bờ. Với sức lao động miệt mài không ngừng nghỉ, anh đã để lại cho đời nhiều tác phẩm báo chí văn học, nghệ thuật không phai mờ.

Với tôi, đọc qua những cảm nhận nêu trên, tôi muốn nói vắn tắt: Anh Hồng Vinh là một hiện thân của: Văn (văn hóa) trí - Văn tâm - Văn đẹp và Văn lực, xứng đáng được gọi là nhà văn hóa đích thực. Điều căn cốt tiềm năng trong Nguyễn Hồng Vinh chính là chất “Người” ở anh, nói cách khác, video này là một “đắc nhân tâm” cho khán giả, rất mong được giới thiệu thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chúc anh Hồng Vinh sắp sang tuổi bát thập, trí lực vẫn sung mãn và tiếp tục “nhả tơ” cho đời!

Hà Nội tháng 6/2023

Theo Hoa Thanh/Tuoitrethudo.com.vn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tu-mot-chuong-trinh-tren-truyen-hinh-nhan-dan.html