Tự lực vươn lên, giảm nghèo bền vững

Bằng nhiều hình thức hỗ trợ, các cấp ngành, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ sinh kế phù hợp

Chồng mất nhiều năm nay, một mình bà Hà Thị Đại ở thôn Núi, xã Quế Nham (Tân Yên) phải nuôi hai con ăn học nên cuộc sống khó khăn. Thực hiện kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo, Hội Nông dân xã đã rà soát, nắm bắt gia đình bà Đại có diện tích vườn rộng rãi nhưng canh tác chưa hiệu quả nên đề xuất với Đảng ủy xã tặng "Vườn cây giảm nghèo".

Bà Hà Thị Đại, xã Quế Nham (Tân Yên) và cán bộ Hội Nông dân xã thăm khu vườn trồng cây ăn quả được hỗ trợ.

Bà Hà Thị Đại, xã Quế Nham (Tân Yên) và cán bộ Hội Nông dân xã thăm khu vườn trồng cây ăn quả được hỗ trợ.

Bà Đại phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi được tặng 90 cây bưởi Diễn, bưởi da xanh, mít, hồng xiêm kèm theo phân bón, máy bơm nước phục vụ canh tác. Cùng đó các cán bộ, hội viên còn đến giúp trồng cây và thường xuyên thăm vườn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Được chia sẻ, hỗ trợ, tôi mạnh dạn áp dụng kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh giúp cây trồng phát triển tốt”. Hai năm nay, vườn cây đã cho thu hoạch. Thu nhập thêm tăng khi bà Đại kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Kinh tế dần ổn định, gia đình xây dựng được nhà mới khang trang thay cho ngôi nhà cấp bốn lụp xụp trước kia. Cuối năm 2022, hộ bà Đại được công nhận thoát nghèo.

Mấy năm gần đây, mô hình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo được Hội Nông dân xã Quế Nham nhân rộng. Bà Nguyễn Thị Luyến, Chủ tịch Hội cho biết: “Tùy điều kiện mỗi gia đình mà hội có cách hỗ trợ phù hợp. Đối với hộ có ruộng vườn thì tặng cây giống để canh tác, hộ nào sẵn chuồng trại thì giúp con giống chăn nuôi. Biện pháp thiết thực tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, từ đó thoát nghèo bền vững”. Cũng với phương châm “cho cần câu hơn xâu cá”, bốn năm trước, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Minh Đức (Việt Yên) đã hỗ trợ gà giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà Thi Thị Đãng (SN 1969) ở thôn Cầu. Nhờ chăn nuôi hiệu quả, năm 2021, gia đình bà Đãng đã thoát nghèo.

Trên cơ sở định hướng của tỉnh, các huyện, TP tập trung xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp với đặc thù từng địa phương giúp người dân thoát nghèo bằng nội lực. Tại Lục Ngạn, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép nguồn hỗ trợ theo hướng khai thác tối đa thế mạnh địa bàn.

Hội LHPN huyện nhận ủy thác tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ nghèo trên địa bàn vay vốn với lãi suất ưu đãi. Qua đó, nhiều chị em có điều kiện đầu tư trồng cây ăn quả như vải thiều, cam, bưởi… hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2022, huyện Lục Ngạn còn hơn 2,7 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,56%, giảm 1,81% so với năm trước.

Thúc đẩy tinh thần tự lực

Năm 2022, toàn tỉnh còn hơn 17,9 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,81%; 19,7 nghìn hộ cận nghèo, chiếm 4,2%. Các sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục chung tay thực hiện nhiều giải pháp nhằm hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tỷ lệ giảm hộ nghèo hằng năm đạt 1,09%. Trong đó đã hỗ trợ cây, con giống, vốn, phương tiện lao động giúp các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh có thêm động lực và điều kiện để phát triển kinh tế.

Mô hình chăn nuôi gia cầm của hội viên phụ nữ xã Minh Đức (Việt Yên) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Mô hình chăn nuôi gia cầm của hội viên phụ nữ xã Minh Đức (Việt Yên) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đơn cử từ đầu năm đến nay, Hội LHPN TP Bắc Giang đã vận động gần 1,6 nghìn lượt phụ nữ có điều kiện kinh tế khá giúp 551 chị khó khăn về tiền, thóc, phân bón, con giống trị giá nhiều tỷ đồng. Hiện các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh duy trì gần 3,5 nghìn mô hình tiết kiệm, tổ phụ nữ liên kết giúp nhau vốn, kỹ thuật, phân bón. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được hỗ trợ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn hai năm qua, các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh đã giúp 2,1 nghìn lượt hộ thoát nghèo, 443 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững.

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh triển khai hơn 200 dự án, mô hình giảm nghèo với khoảng 49 nghìn lượt hộ nghèo tham gia. Hiện toàn tỉnh có hơn 17,9 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,81%, giảm 1,46% so với năm 2021; 10/10 huyện, TP đều hoàn thành kế hoạch giảm nghèo.

Là địa phương tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền huyện Hiệp Hòa đã quan tâm bố trí, lồng ghép nhiều nguồn lực hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho người nghèo xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với lợi thế địa phương. Trong 3 năm qua, có gần 2,3 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn được vay vốn phát triển kinh tế với tổng kinh phí 188 tỷ đồng. Để các mô hình giảm nghèo phát huy hiệu quả, sau khi lựa chọn và bàn giao cây, con giống, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các xã thường xuyên theo dõi tiến độ triển khai, phổ biến kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh tới người dân.

Theo ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc hỗ trợ người nghèo sinh kế bằng vốn hoặc cây, con giống phù hợp với điều kiện gia đình giúp các hộ tiếp cận với các mô hình sản xuất phù hợp, phát huy hiệu quả. Đặc biệt, việc thay đổi phương thức hỗ trợ, chuyển từ “cho không” sang trợ giúp một phần, giúp đỡ có điều kiện đã khắc phục đáng kể tư tưởng trông chờ vào chính sách ưu đãi. Hộ nghèo nhận vốn, giống sẽ có trách nhiệm hơn, mạnh dạn và quyết tâm hơn trong phát triển kinh tế.

Thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho UBND cấp xã, ban quản lý các thôn, bản quyền tự chủ trong việc thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất; thực hiện tốt phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” để giảm nghèo bền vững.

Vi Lệ Thanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/411539/tu-luc-vuon-len-giam-ngheo-ben-vung.html