Tư lệnh Mỹ: Việt Nam đặt mua máy bay huấn luyện T-6

Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ, tướng Kenneth Wilsbach cho biết, Việt Nam đã đặt mua máy bay huấn luyện T-6 Texan II do nước này sản xuất.

Theo thông tin mới nhất vừa được truyền thông Mỹ đăng tải, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Kenneth Wilsbach của nước này cho biết, Việt Nam đã đặt mua máy bay huấn luyện T-6 Texan II.

Tướng Kenneth Wilsbach khẳng định rằng, "đây là một trong những điểm quan trọng và dễ thấy nhất trong hợp tác song phương" và "Việt Nam đặt mua máy bay huấn luyện T-6 Texan II nhằm cải thiện chương trình huấn luyện phi công".

Vị tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ cũng cho biết, phía Mỹ cam kết hỗ trợ bàn giao và đưa các máy bay T-6 Texan II vào hoạt động, giúp Không quân Việt Nam nâng cao năng lực đào tạo phi công.

Tuy nhiên, ông không tiết lộ về số lượng chính xác các máy bay T-6 Texan II mà phía Việt Nam đặt mua. Thời gian giao hàng và tổng giá trị hợp đồng, cũng không được Kenneth Wilsbach tiết lộ.

Trước đó từ năm 2018, phía Việt Nam đã cử hai phi công tham gia huấn luyện với máy bay T-6 Texan II ở Mỹ với thời gian kéo dài 52 tuần. Thượng úy Đặng Đức Toại đã trở thành phi công quân sự đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp khóa huấn luyện này và điều khiển thành thục máy bay huấn luyện T-6 Texan II.

Phía Mỹ cho biết, các phi công như Đặng Đức Toại đã hoàn thành khóa huấn luyện với ít nhất 167 giờ bay trên loại máy bay một động cơ này.

Ra đời từ đầu những năm 2000, T-6 Texan II là một trong những loại máy bay huấn luyện sơ cấp phổ biến bậc nhất thế giới. Loại máy bay này có hai ghế ngồi và một động cơ cánh quạt.

Về mặt lý thuyết, mọi phi công bất kể dân sự hay quân sự, đều sẽ phải học bay máy bay động cơ cánh quạt đơn trước, sau đó sẽ "nâng cấp" lên các loại nhiều động cơ hay động cơ phản lực sau này.

Máy bay T-6 Texan II được trang bị 1 động cơ P&W công suất 1100 mã lực, động cơ có 4 lá cánh, cho phép máy bay bay được với tốc độ tối đa 510 km/h, giới hạn tốc độ cao nhất 586 km/h.

Loại máy bay này có tầm hoạt động tối đa 1700 km, trần bay cao nhất 9400 mét so với mực nước biển.

Dù chỉ là máy bay có động cơ cánh quạt, T-6 Texan II vẫn sở hữu kết cấu khung thân rất vững, chịu được gia tốc trọng trường tối đa 7G, cho phép phi công làm quen dần với áp lực khi điều khiển tiêm kích phản lực sau này.

Hiện tại, loại máy bay sơ cấp một động cơ cánh quạt mà Việt Nam đang sử dụng để huấn luyện, là Yak-52 - loại máy bay được Liên Xô sản xuất từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Huấn luyện cơ Yak-52 chỉ được trang bị một động cơ 530 mã lực với hai lá cánh, tốc độ tối đa nó có thể đạt được không quá 285 km/h. Trần bay của loại huấn luyện cơ này, cũng chỉ vào khoảng 4000 mét.

Không chỉ được sử dụng vào nhiệm vụ huấn luyện phi công quân sự, Yak-52 còn được coi là loại máy bay tư nhân khá phổ biến trên thế giới, do khả năng điều khiển dễ dàng và chi phí vận hành rẻ. Nguồn ảnh: Pinterest.

Cận cảnh khoang lái của máy bay huấn luyện T-6 Texan II. Nguồn: DM.

Trần Trân

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tu-lenh-my-viet-nam-dat-mua-may-bay-huan-luyen-t-6-1545128.html