Tử huyệt của tuyển Việt Nam trước UAE

Trước đối thủ đang đạt phong độ cao, việc tuyển Việt Nam không thể giành chiến thắng là dễ hiểu. Song cách mà ông Park Hang-seo và các học trò để thua là rất đáng suy ngẫm.

Bước vào vòng loại thứ ba World Cup 2022, chúng ta sẽ còn gặp rất nhiều đối thủ mạnh khá, thậm chí mạnh hơn UAE. Việc để thua một đội đang có phong độ rất cao trên sân nhà của họ không hẳn là vấn đề lớn.

Vấn đề là cách mà tuyển Việt Nam thua cho thấy chúng ta vẫn còn rất nhiều điều phải làm, phải cố gắng để thực sự tiến bộ hơn nữa.

 Quang Hải và các đồng đội cuối cùng cũng thua trận ở vòng loại World Cup. Ảnh: Y Kiện.

Quang Hải và các đồng đội cuối cùng cũng thua trận ở vòng loại World Cup. Ảnh: Y Kiện.

Thay đổi của UAE

Khác với các trận gặp Malaysia hay Thái Lan, HLV Bert van Marwijk không bố trí sơ đồ 4-4-2. Cầu thủ mang áo số 10 Khalfan Mubarak dù đã chơi tốt ở các trận trước cũng bị cất lên băng ghế dự bị.

UAE chuyển sang sơ đồ 4-3-3. Trong đó, tiền vệ số 8 Mohammed Al-Attas đá trụ. Hai cầu thủ con thoi dâng cao hơn là số 5 Ali Hassan và số 18 Abdullah Ramadan. Số 14 Khalil Ibrahim thay thế cho số 11 Caio Correa bị chấn thương.

Dù vậy, UAE không thực sự thay đổi về cách vận hành. Các bài bản của họ vẫn diễn ra tương tự những trận trước.

UAE chuyển sang sơ đồ 4-3-3.

Cánh trái vẫn là sự vận hành không quá mới lạ với tiền vệ biên và hậu vệ biên trái cùng tấn công một cánh. Trong khi đó, ở cánh đối diện, số 15 Fabio Lima vẫn thường xuyên lùi sâu còn số 9 Bandar Al-Ahbabi dâng cao để tạo ra khả năng kéo giãn chiều rộng.

Rất khó để đoán định một cách hoàn toàn chắc chắn về quyết định đổi sơ đồ của ông van Marwijk. Nhưng về cơ bản, sơ đồ 4-3-3 mang tới khả năng kéo căng tối đa có thể hàng phòng thủ 5 người của Việt Nam. Ngoài ra, so với Mubarak, Ramadan là cầu thủ cơ động hơn và mạnh mẽ hơn trong các tình huống tranh chấp. Để Ramadan và Hassan cùng đá số 8 có thể là cách tạo sự áp đảo cơ bắp trung tuyến.

Ramadan chơi thấp hơn so với Mubarak, từ đó thuận tiện tham gia tranh chấp hơn.

Những đường chuyền xuyên tuyến của UAE

Một trong những bài mà UAE luôn cố gắng thực hiện là những đường chuyền xuyên tuyến.

Chuyền xuyên tuyến là vũ khí lợi hại nếu có thể thi triển thành công, bởi đường chuyền này sẽ loại hẳn một tuyến phòng ngự của đối thủ. Ngoài ra, người nhận bóng thường sẽ phải chọn vị trí trong một khoảng trống, vì thế tuyến phòng thủ tiếp theo sẽ phải cắt cử người phụ trách, từ đó gây ra rối loạn nếu không có tổ chức tốt.

Lý thuyết là vậy và việc UAE thường xuyên hướng tới những đường xuyên tuyến có lẽ không phải mới mẻ. Nhưng trên thực tế, Việt Nam vẫn không khỏa lấp được.

Ví dụ trong pha bóng ở phút thứ 13 của trận đấu, hậu vệ trái số 21 Mahmoud Khamees bất ngờ xâm nhập vào bên trong, nhận đường chuyền xuyên tuyến loại bỏ hàng tiền vệ Việt Nam. Trọng Hoàng bị kéo theo Khamees vào bên trong.

Khamees đột nhập từ biên trái để nhận đường chuyền xuyên tuyến.

Nhận bóng trong khoảng trống, Khamees dễ dàng chuyển bóng ra biên cho Ibrahim đang mở rộng. Do Trọng Hoàng đã bị kéo vào trong, Duy Mạnh lập tức lao ra. Nhưng hành động này cũng mở ra một khoảng trống khác.

Khamees đột nhập từ biên trái để nhận đường chuyền xuyên tuyến.

Gần như ngay lập tức, UAE đã khai thác được khoảng trống quan trọng mà hệ thống của Việt Nam để lộ ra sau rối loạn. Cũng phải nhắc đến việc cả Quang Hải lẫn Xuân Trường đều đã nhìn bóng mà quên đi sơ hở này.

UAE khai thác khoảng trống đến từ rối loạn, Quang Hải và Xuân Trường đều mất cảnh giác.

Hãy đến với một ví dụ khác để cho thấy rằng Việt Nam không thực sự có lời giải rõ ràng cho lối đá này của đối thủ.

Al-Attas dễ dàng chuyền xuyên tuyến cho Ramadan.

Vì sao hàng thủ và hàng tiền vệ tuyển Việt Nam quá xa nhau, để đối thủ thoải mái nhận bóng? Và Xuân Trường đang làm gì trong tình huống này? Anh không theo kịp bài đánh của đội bạn, hay anh ở đó nhằm đề phòng đường chuyển hướng cho cầu thủ áo trắng phía sau lưng?

Thật khó để biết đâu là lý do sau cùng, chỉ biết rằng UAE đã liên tục thành công với bài đánh sở trường, cũng đồng nghĩa hàng thủ tuyển Việt Nam đã thất bại.

Xuân Trường đã thực hiện nhiệm vụ phòng ngự gì?

Lại nói về Xuân Trường, đây là một trận đấu mà anh thường xuyên thực hiện một điểm kỳ lạ trong lối chơi phòng ngự. Cụ thể, Trường thường xuyên dâng lên khi đối thủ đang cầm bóng ở giữa sân, dường như để theo kèm hoặc áp sát một ai đó.

Xuân Trường rời khỏi vị trí và dâng lên.

Cũng có những thời điểm, Trường kịp thời tự lui về để khỏa lấp khoảng trống, nhưng đó là khoảng trống mà chính anh tự tạo ra.

Xuân Trường lại rời khỏi vị trí nhưng đã kịp quay về xoạc để cắt đường chuyền.

Vậy khi Trường không kịp khỏa lấp khoảng trống của Trường để lại thì sao? Câu trả lời, rất đáng tiếc, chính là bàn thắng thứ hai cho UAE.

Từ quyết định dâng lên của Xuân Trường, chuỗi domino các vấn đề đã đổ liên hoàn.

Xuân Trường để lại khoảng trống mà không gây được áp lực cho ai. Fabio Lima thực hiện đường chuyền xuyên khe sở trường sau khi nhận bóng từ trung vệ. Quang Hải định áp sát đối thủ, nhưng lại bỏ lỏng khu vực cánh mà lúc này anh là người phụ trách. Sau đó, Duy Mạnh dễ dàng bị đối thủ loại bỏ với cách di chuyển 2 nhịp căn bản. Tấn Trường không kiểm soát tốt hoặc không phán đoán tốt, dẫn tới pha phạm lỗi trực tiếp.

Quá đau đớn, nhưng đây là một dấu hỏi lớn. Vì sao Trường thường xuyên rời khỏi vị trí, rời khỏi khu vực của bản thân như vậy? Liệu có phải đây là yêu cầu của ban huấn luyện? Nếu không, khi Trường làm lộ khoảng trống thường xuyên, ban huấn luyện có quan sát được không, và họ đã chỉ đạo kịp thời để thay đổi điều đó hay chưa?

Rất nhiều câu hỏi.

Đường còn dài với tuyển Việt Nam

Cần nhớ rằng ngay từ trận gặp Malaysia, tuyển Việt Nam đã phần nào để lộ vấn đề cự ly giữa tuyến tiền vệ và tuyến hậu vệ không tốt.

HLV Park Hang-seo và các đồng sự còn rất nhiều việc phải làm. Về nhân sự, có lẽ đã đến lúc những nhân tố phong độ cao và ổn định trong những năm qua, ví dụ tiêu biểu là Cao Văn Triền, được tin tưởng, để Việt Nam có những lựa chọn tốt hơn trong những thời điểm cần thiết. Và về chiến thuật, đội tuyển cũng cần hiệu chỉnh trước một giai đoạn khốc liệt hơn.

Một khi đã vào tới vòng loại thứ ba, dù đây đã là thành tích lịch sử, người hâm mộ vẫn trông chờ các tuyển thủ sẽ thể hiện tốt kể cả khi thua.

Hiệp hai là một dấu hiệu tốt bất chấp việc đối thủ đã thả lỏng khá nhiều. Tốt bởi các tuyển thủ Việt Nam đã thể hiện sự chủ động cao với đầu tàu là Minh Vương, một cái tên cũng chưa được sử dụng đủ nhiều dù phong độ rất cao tại HAGL.

Highlights vòng loại World Cup 2022: UAE 3-2 Việt Nam Trong ngày bị UAE áp đảo, tuyển Việt Nam vẫn có trận thua sát nút với tỷ số 2-3 ở lượt trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á đêm 15/6 (giờ Hà Nội).

Dũng Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-huyet-cua-tuyen-viet-nam-truoc-uae-post1227713.html