Từ hồng Vành khuyên đến các cây trồng thế mạnh làm giàu cho nông dân Văn Lãng

Với đặc thù là một huyện vùng cao, Văn Lãng (Lạng Sơn) luôn xác định nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, hướng tới phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với các cây trồng thế mạnh như hồng Vành khuyên, hoa hồi, quýt…, từ đó làm giàu cho người dân.

Với vị ngọt mát, thơm ngon đặc trưng và mẫu mã đẹp, hồng Vành khuyên đã và đang trở thành một trong những loại cây đặc sản của tỉnh Lạng Sơn. Đặc biệt, quả hồng Vành khuyên được trồng lâu đời trên địa bàn toàn huyện Văn Lãng, mang lại thu nhập khá cho hàng trăm hộ dân.

Ấn tượng hồng Vành khuyên

Theo thống kê, tổng diện tích trồng giống hồng Vành khuyên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt khoảng 660 ha, trong đó Văn Lãng là một trong những vùng trồng lớn nhất, sản lượng hàng nghìn tấn/năm, mỗi năm mang lại thu nhập gần 20 tỷ đồng.

Với sản lượng cao, chất lượng vượt trội, cùng những đặc trưng riêng có, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh “Văn Lãng” cho sản phẩm quả hồng Vành khuyên.

Hồng Vành khuyên là một trong những cây trồng thế mạnh ở Văn Lãng (Ảnh: BLS).

Hồng Vành khuyên là một trong những cây trồng thế mạnh ở Văn Lãng (Ảnh: BLS).

Để hồng Vành khuyên luôn đảm bảo chất lượng, giữ vững thương hiệu, thời gian tới, huyện đã chủ động chỉ đạo các phòng và ngành liên quan tăng cường tư vấn cho bà con nông dân trồng hồng đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng sản xuất hữu cơ, VietGAP, để đảm bảo chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường.

Đáng chú ý, sự hình thành của các HTX, tổ hợp tác đang trở thành điểm tựa dẫn dắt nhiều hộ trồng hồng phát triển sản xuất theo hướng liên kết, hướng đến chuỗi giá trị, đảm bảo cả về sản xuất đầu vào và thị trường tiêu thụ.

Điển hình, cây hồng Vành khuyên được người dân xã Tân Mỹ trồng từ hàng chục năm về trước, tuy nhiên, trước đây các hộ chỉ trồng tự phát, quy mô nhỏ lẻ, sản lượng thấp nên hiệu quả không cao, chưa hình thành được thương hiệu.

Xuất phát từ thực tế đó, HTX Thanh Tân được thành lập với mục đích liên kết các hộ dân có kinh nghiệm trồng hồng trên địa bàn xã tham gia sản xuất theo hướng tập trung, an toàn với diện tích ban đầu trên 5 ha. Đến nay, HTX đã mở rộng trồng được trên 35 ha, kết hợp sản xuất giống cây ăn quả các loại (hồng Vành khuyên, đào, mận) cung cấp ra thị trường trên 200.000 cây giống/năm.

Ông Nông Văn Hội, Giám đốc HTX, cho biết trong hơn 20 năm phát triển, các thành viên HTX đã liên tục thay đổi phương thức sản xuất, tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới vào các khâu canh tác nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, cả về chất lượng và số lượng.

Hình thành sản phẩm thế mạnh

Kết quả, những năm qua, 35 ha hồng của HTX cho thu hoạch bình quân trên 50 tấn quả/năm, bán với giá từ 15 - 20 nghìn đồng/kg. Các thành viên HTX cũng mở rộng diện tích vườn ươm lên 2 ha, ươm trên 200.000 cây giống các loại. Thị trường tiêu thụ cây giống chủ yếu là trên địa bàn huyện Văn Lãng, các huyện lân cận và tại các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc,…

Hiện, bình quân mỗi năm, HTX sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 50.000 cây hồng Vành khuyên, bán với giá 52.000 đồng/cây. Ngoài ươm, ghép hồng Vành khuyên, nhiều năm qua, HTX còn sản xuất mận, đào giống bán với giá từ 10 - 20 nghìn đồng/cây.

Văn Lãng đang có nhiều sản phẩm đặc trưng có tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao (Ảnh: BLS).

Văn Lãng đang có nhiều sản phẩm đặc trưng có tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao (Ảnh: BLS).

Ông Nông Văn Thành, thành viên HTX Thanh Tân, chia sẻ khi tham gia HTX, các thành viên và nông dân liên kết được tạo điều kiện tham dự các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồng Vành khuyên. Đồng thời, được hỗ trợ vật tư đầu vào, như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

“Với sự đồng hành của HTX, tôi mở rộng diện tích vườn hồng lên 3 ha. Bình quân mỗi vụ, gia đình tôi thu trên 4 tấn quả, thu về gần trên dưới 70 triệu đồng. Ngoài ra, tôi cũng tăng diện tích vườn ươm cây giống từ 3 sào lên 5 sào, sản xuất khoảng 10.000 cây hồng vành khuyên, trên 20.000 cây đào và mận. Từ vườn hồng cho thu hoạch quả và vườn ươm cây giống các loại, gia đình tôi có thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm”, ông Thành phấn khởi nói.

Có thể thấy, cây hồng Vành khuyên đang trở thành cây kinh tế chủ lực ở Văn Lãng. Tuy nhiên, với thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, Văn Lãng không chỉ có cây hồng mà còn có nhiều cây trồng thế mạnh khác.

Minh chứng là đến nay, toàn huyện có 9 sản phẩm được công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao là hồng Vành khuyên Nà Mò xã Tân Mỹ, hồng Vành khuyên xã Hoàng Việt; 7 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao là Dầu lạc Linh Khôi, lạp sườn Phong Liên, gạo Nhật J02, thạch Chu Hạnh, bún Gấc Lệ Tri, rượu Hội Hoan, mật ong tự nhiên Phai Nà.

Các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP đều được đảm bảo chất lượng, điều kiện sản xuất theo đúng quy định; hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong năm 2023 huyện lựa chọn 4 sản phẩm để xây dựng đạt chuẩn OCOP gồm Măng mai khô Đồng Tân, Hồng Treo gió, Hồng sấy dẻo và gạo nếp Mèng Thương.

Giảm nghèo bền vững

Văn Lãng có địa hình cơ bản là vùng đồi núi thấp với dải cánh đồng nằm trong thung lũng. Trong đó, diện tích đất có khả năng khai thác phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, kết hợp chăn nuôi đại gia súc chiếm 60,6% diện tích đất tự nhiên thuận lợi cho phát triển ngành nông - lâm nghiệp một cách toàn diện, đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Không chỉ vậy, với 36 km đường biên giới có nhiều cửa khẩu như: Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, có trục quốc lộ 4A chạy qua nối Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với tỉnh Cao Bằng là lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ, hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Với những thế mạnh trên, cùng với nông nghiệp, lâm nghiệp cũng là một lĩnh vực được Văn Lãng tập trung phát triển nhằm đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, hướng tới làm giàu cho người dân.

Theo đó, những năm qua, các chương trình, dự án trồng rừng như dự án Việt - Đức, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, trồng cây nhân dân được triển khai ở nhiều xã kết hợp với việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất cho nhân dân...

Trong 5 năm, huyện trồng mới 2.009 ha, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng từ 55% năm 2010 lên hơn 70% hiện tại. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung nguồn lực từ ngân sách và huy động sức dân để đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội. Với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, hiện nay diện mạo nông nghiệp, nông thôn của huyện đã có những thay đổi toàn diện, đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh.

Dựa trên những điểm tựa đang có, thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh như hồng Vành khuyên, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc,… từ đó hướng tới mục tiêu cốt lõi là phát triển kinh tế xã hội, làm giàu cho người dân.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/tu-hong-vanh-khuyen-den-cac-cay-trong-the-manh-lam-giau-cho-nong-dan-van-lang-1097209.html