Tự hào với sự phát triển của Lào Cai

Sinh ra và lớn lên khi đất nước đã không còn tiếng súng, quê hương Lào Cai đang trong quá trình xây dựng và phát triển, Hà Đức Anh (sinh ngày 12/7/1996), đang công tác tại Tỉnh đoàn Lào Cai luôn tự hào khi sinh nhật của mình đúng với ngày kỷ niệm thành lập tỉnh.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Công nghiệp Việt Nam - Hungari, Hà Đức Anh về công tác tại Tỉnh đoàn Lào Cai. Làm việc trong môi trường năng động, mỗi ngày được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ là lợi thế để Hà Đức Anh có cơ hội học hỏi, trau dồi thêm kiến thức và cống hiến sức trẻ cho tổ chức Đoàn và sự phát triển của tỉnh.

Hà Đức Anh chia sẻ: Sau khi tìm hiểu, tôi luôn tự hào khi sinh nhật của mình trùng với ngày thành lập tỉnh, nên ngày này đối với tôi càng ý nghĩa và đặc biệt hơn. Lào Cai đã trải qua 115 năm xây dựng và phát triển, hôm nay thế hệ trẻ chúng tôi được sống trong hòa bình, được làm việc, học tập và cống hiến cho quê hương. Đó là động lực để tôi phấn đấu, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp sức xây dựng quê hương Lào Cai thêm giàu đẹp, xứng đáng với những hy sinh, công lao của ông cha.

Năm 1977, khi ấy vừa tròn 20 tuổi, chàng trai trẻ người gốc Hà Nam Đoàn Hữu Nam là một trong cả vạn người mở, hoàn thiện con đường nối Tân An - Văn Bàn - Than Uyên - Điện Biên (nay là Quốc lộ 279). Rồi cứ thế, anh gắn bó với Lào Cai với nhiều công việc, từ công nhân cầu đường, thông tin lưu động ở các huyện vùng cao rồi trở thành nhà văn, là Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai.

Gắn bó với mảnh đất biên cương từ mấy mươi năm trước, nhà văn Đoàn Hữu Nam vẫn nhớ như in những ngày gian khó. Và mỗi bước chuyển mình của mảnh đất “đầu sông, đầu núi” đều được ông ghi lại qua các tác phẩm văn, thơ.

Ngày ấy, vừa ra khỏi chiến tranh chống Mỹ cứu nước được hơn 4 năm, Lào Cai lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979, rồi sau đó là hậu chiến tranh kéo dài hơn chục năm đằng đẵng. Vốn là tỉnh miền núi, biên giới nghèo, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá, nên đã nghèo lại càng nghèo. Điều ấy đã từng được ông xúc cảm qua từng câu thơ: “Ta đang trong Lào Cai sau chiến tranh/ Sống chết chập chờn cửa ngõ/ Đói no đè nặng kiếp người/ Sợi tóc khỏe, sợi tóc đau/ Phủ lên mái đầu sương trắng…”.

Ngày chia tách tỉnh năm 1991, cơ sở hạ tầng của Lào Cai vừa thiếu vừa yếu, chỉ có 160 triệu đồng trong tài khoản và đang nợ ba tháng lương của giáo viên toàn tỉnh - chỉ một ví dụ đó thôi cũng đủ thấy khó khăn của tỉnh mới. Vậy nhưng với ý chí “Xây đắp lại thành phố nguy nga”, cuộc tái thiết và xây dựng thị xã tỉnh lỵ rồi đến xây dựng thành phố đã được thực hiện khẩn trương: “Thị xã đang vào mùa dựng xây/ Không ai đợi một dáng chiều thư thả/ Tiếng máy nối ngày đêm căng sợi chỉ/ Bao người góp với mùa xuân/ Ngày ta đến phố còn nằm trên giấy/ Đôi mắt ta hút tới cuối con đường/ Trong bề bộn đầm, ao, gò đống/ Là bom mìn, là hoang dại giăng giăng”.

Rồi mọi điều tốt đẹp cũng đến, thay vì một thị xã nhỏ bé trước chiến tranh với những ngôi nhà cấp bốn lợp ngói đỏ đã rêu phong, những mảnh vườn nhỏ ôm lấy những mái nhà gỗ men theo chân dãy núi Nhạc Sơn, bám theo dòng sông Hồng là những ngôi nhà xây ba tầng, bốn tầng, năm tầng, thậm chí ba mươi tầng bề thế. Những ngõ nhỏ im lìm vắng vẻ nhưng ủ dưới hàng cây thay bằng những con đường rải nhựa áp phan đi qua từng cửa. Rồi những nhà hàng, cửa hàng, cửa hiệu san sát. Cuộc tái thiết và xây dựng thị xã tỉnh lỵ dù thực hiện trong thời gian rất ngắn, song với sự đoàn kết, phấn đấu không ngừng nghỉ, đến nay thành phố Lào Cai đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Khu đô thị mới đổi thay từng ngày; Khu Kinh tế cửa khẩu hoạt động nhộn nhịp và ngày càng sôi động, giữ vai trò động lực đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh và thành phố. Các khu công nghiệp lớn như Bắc Duyên Hải, Đông Phố Mới và một số cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung đã đi vào hoạt động hiệu quả. Thành phố Lào Cai tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện tốt vai trò đầu cầu trong tuyến hành lang kinh tế Vân Nam (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Gọi ngày thành phố đi lên, phát triển là những ngày nở hoa, nhà văn Đoàn Hữu Nam cũng từng cảm tác: “Theo dòng đời dung dưỡng mỗi ngày đi/ Ta và phố đã thành hoa, thành quả/ Bàn tay mở - trống dong, cờ mở/ Nắm vào - no đói trong nhau”.

Tôi có gần 30 năm công tác tại ngành lương thực huyện Văn Bàn, về tuổi Đảng nay đã gần 70 năm. Điều tôi thấy rõ nhất là so với trước đây, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều đổi thay, năng suất, chất lượng đều tăng hơn nhiều, bộ mặt nông thôn đổi mới, điều đó khiến Nhân dân rất phấn khởi - đó là lời tâm sự của đảng viên Bùi Văn Xuân, 86 tuổi, tổ dân phố số 13, thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn.

Cũng theo ông Bùi Văn Xuân, những cánh đồng Võ Lao, Khánh Yên, Liêm Phú giờ là những đồng lúa trĩu hạt, đời sống của đại bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số giờ đã tốt hơn, không còn phải lo ăn từng bữa, đói rét như trước. Đặc biệt là khả năng tự làm chủ mô hình sản xuất của nông dân ngày càng nâng cao.

Sự thay đổi từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng rất đáng khen, hiện nay đa số có trình độ năng lực cao, tôi cảm nhận được sự năng động qua mỗi lần tiếp xúc, nói chuyện, đặc biệt là những người trẻ. Họ có khả năng tư duy, sáng tạo mở ra nhiều hướng đi mới, không ngại trình bày nhiều ý tưởng mới.

Trong những năm qua, tỉnh đã đào tạo, bố trí nhiều cán bộ chủ chốt là người địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số, mừng hơn là nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai được tín nhiệm giữ chức vụ cao ở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358381-tu-hao-voi-su-phat-trien-cua-lao-cai