Tự hào truyền thống anh hùng, vẻ vang của QĐND Việt Nam

Nhìn lại 79 năm qua (1944-2023), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, QĐND Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh với những thành tựu quan trọng; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, tích cực tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở các khu vực trên thế giới.

Các sĩ quan của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan. Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

Trung với Đảng, hiếu với dân

Quân đội ta được thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ban đầu gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy với tên gọi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đội được trang bị 34 khẩu súng, chia thành 3 tiểu đội, có chi bộ đảng lãnh đạo, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã nhận định: “Tuy lúc đầu quy mô nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang”. Vì theo Người, đội quân cách mạng này sẽ phát triển “từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”. Vừa mới ra đời, vào ngày 25/12/1944, Đội đã tập kích diệt Đồn Phai Khắt thuộc tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tiếp đó, ngày 26/12/1944, Đội đánh Đồn Nà Ngần (cách Phai Khắt 15km về phía Đông Bắc).

Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), từ quân số 8 vạn cán bộ, chiến sĩ những ngày đầu kháng chiến, đến cuối năm 1949, bộ đội thường trực đã lên tới 23 vạn cán bộ, chiến sĩ. Các đại đoàn (đơn vị tương đương sư đoàn) chủ lực quan trọng như 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351 lần lượt được thành lập. Bên cạnh đó, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã được quan tâm xây dựng. Đây là nền tảng để Quân đội ta lập những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7/5/1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp. Đặc biệt, tổng quân số của Quân đội ta điều động tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ lên đến 5,5 vạn cán bộ, chiến sĩ, bao gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Quân đội ta được xây dựng tiến lên chính quy, hiện đại và xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Binh chủng Đặc công. Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được Đảng ta thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc, là một bộ phận không tách rời của QĐND Việt Nam. Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các Quân đoàn chủ lực 1, 2, 3, 4 của Quân đội ta được thành lập để nhân lên sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn, góp phần quyết định thắng lợi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Có được những thắng lợi này là do Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một QĐND do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(1). Người cũng nhận định: “Bộ đội ta là bộ đội nhân dân, bộ đội cách mạng có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần cù, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo đức, tác phong tốt, phải luôn được giữ vững và phát triển”(2).

Nghĩa vụ quốc tế cao cả, trong sáng

Càng phát triển và trưởng thành, bên cạnh việc lập được nhiều chiến công to lớn và hiển hách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Quân đội ta còn thực hiện xuất sắc nghĩa vụ quốc tế trong sáng và cao cả theo chủ trương của Đảng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào (30/10/1949 – 30/10/1999), Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Khamtay Siphandone lúc đó đã đánh giá: “Trong hai thời kỳ đấu tranh gay go, quyết liệt và lâu dài, gian khổ chống đế quốc, thực dân cũ và mới, trên đất nước Lào không có nơi nào là không có dấu chân của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam. Chiến công và tấm lòng của các đồng chí không thể nào mô tả hết và không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của nhân dân các bộ tộc Lào”.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn bộ đội tình nguyện Việt Nam rằng: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”(3). Do đó, vào ngày 7/1/1979, từ lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả là giúp dân tộc Campuchia giải phóng khỏi ách thống trị của tập đoàn Pol Pot, những kẻ đã cướp đi sinh mạng của gần 1/4 dân số Campuchia lúc đó. Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk từng nhận định: “Nếu Việt Nam không đánh đuổi bọn Pol Pot thì tất cả mọi người Campuchia có thể đã bị chết. Khmer đỏ có thể đã giết chết tất cả chúng ta... Chúng ta có thể nói rằng, Đảng Nhân dân Campuchia không mắc sai lầm khi đề nghị Việt Nam giúp đỡ chống Khmer đỏ, bởi vì nếu chúng ta không được giải phóng khỏi bọn Pol Pot thì toàn dân tộc có thể đã bị tiêu diệt”.

Việt Nam từng đảm nhiệm vai trò Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam cũng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào các thời điểm: Tháng 7/2008, tháng 10/2009, tháng 1/2020, tháng 4/2021. Bên cạnh đó, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập vào năm 2013 và sau đó nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam vào năm 2018. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và trụ sở Liên hợp quốc. Tiếp đó, Việt Nam là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023) đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam sau quá trình dài đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới.

Nguyễn Văn Toàn

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 435.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr. 307.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996, tr. 64.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tu-hao-truyen-thong-anh-hung-ve-vang-cua-qdnd-viet-nam-post470670.html