Từ FTU đến NEU, khi các trường kinh tế 'lấn sân' ngành công nghệ

Các trường kinh tế đều có chiến lược là trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Vì vậy, việc phát triển đào tạo thêm ngành ngoài lĩnh vực kinh tế là tất yếu.

 Nhiều trường đại học thông tin mở thêm các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ. Ảnh: UEF.

Nhiều trường đại học thông tin mở thêm các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ. Ảnh: UEF.

Mùa tuyển sinh đại học năm 2024, nhiều trường đã công bố mở thêm các ngành mới. Trong đó, các trường có truyền thống đào tạo kinh tế lại có xu hướng mở ngành công nghệ - vốn là thế mạnh của các trường kỹ thuật.

Thông tin các trường kinh tế mở ngành công nghệ khiến dư luận dấy lo ngại về chất lượng đào tạo.

Trường kinh tế lần đầu mở ngành công nghệ

Năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân có kế hoạch mở 6 ngành mới, trong đó có đến 5 ngành liên quan đến công nghệ, kỹ thuật

Năm ngành này là Khoa học dữ liệu (thuộc lĩnh vực Toán và thống kê), Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin (thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin). Cả 5 ngành ngày, trường đào tạo cả hệ cử nhân và kỹ sư.

Tương tự, Đại học Ngoại thương cũng dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính (chương trình đào tạo Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh). Chỉ tiêu trong năm nay là 30, các năm sau có thể tăng.

Cũng có thế mạnh đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, tuy nhiên, năm 2024, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM tuyển sinh ngành Kỹ thuật phần mềm.

Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng dự kiến mở thêm một số ngành liên quan đến công nghệ như Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính…

Thực tế, chuyện các trường kinh tế lấn sân mở các ngành công nghệ không phải là câu chuyện mới. Nhiều năm nay, Đại học Kinh tế TP.HCM đã đào tạo các ngành như Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Robot và Trí tuệ nhân tạo...

Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, đã mở ngành Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh từ năm 2020.

Năm 2021, Học viện Ngân hàng cũng bắt đầu tuyển sinh các ngành liên quan tới khối ngành công nghệ, bao gồm Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin.

Mục tiêu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực

Chia sẻ về lý do mở ngành công nghệ, PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại thương - cho biết việc mở ngành học này xuất phát từ chính nhu cầu của các trường đại học, từ quan điểm xã hội đã thay đổi theo thời gian. Bên cạnh đó, nhà trường có chiến lược trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Đây là xu thế chung của các trường đại học hiện nay.

"Xu hướng giáo dục trên thế giới hiện nay cho thấy các trường top hàng đầu thế giới cũng đã có sự liên ngành giữa kinh tế, kinh doanh và công nghệ rất mạnh mẽ. Các chương trình đào tạo gắn kết giữa công nghệ và kinh tế, kinh doanh đã được xây dựng. Xu hướng đào tạo trên thế giới là liên ngành, liên thông, trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên ngành, đa ngành và đa lĩnh vực”, bà Hương chia sẻ.

Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học Ngoại thương, cho biết chương trình đào tạo cử nhân Khoa học máy tính (chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh) là sự kết hợp giao thoa giữa các lĩnh vực khoa học máy tính, công nghệ, khoa học dữ liệu, kinh tế và kinh doanh.

Chương trình này được thiết kế nhằm mục đích cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng liên ngành; kiến thức về máy tính, công nghệ, phân tích dữ liệu, nguyên tắc kinh tế và chiến lược kinh doanh.

"Hiện nay, nhu cầu giải quyết những vấn đền kinh tế, kinh doanh bằng công nghệ đang hiện hữu. Để giải quyết những vấn đề đó, chương trình đào tạo phải được tiếp cận liên ngành, giữa công nghệ và kinh tế", bà Hiền nhấn mạnh.

Trong khi đó, dự kiến lên đại học vào năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết việc mở ngành mới có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa, mở rộng ngành đào tạo; đáp ứng nhu cầu xã hội và nâng cao vị thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tương tự, ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), cũng nhận định hiện nay, các trường đại học đa phần đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, các trường có truyền thống đào tạo về kinh tế cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Bên cạnh đó, mục đích đào tạo các ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ hiện nay. Thực tế, từ năm 2015, UEF đã đào tạo các ngành liên quan đến công nghệ như Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Mạng máy tính, An toàn không gian mạng...

Nói riêng về ngành Kỹ thuật phầm mềm dự kiến mở năm 2024, ông Nguyên cho biết nhà trường tuyển sinh sau khi đã nghiên cứu, khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp đối tác.

"Hiện nay, tất cả ngành học liên quan đến công nghệ tại UEF đều trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng và chuyên sâu của ngành, đồng thời hướng tới việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực thế mạnh như kinh tế, tài chính, thương mại...", ông Nguyên thông tin.

 Các trường kinh tế đã chuẩn bị kỹ khi có kế hoạch mở các ngành liên quan đến công nghệ. Ảnh: Hải An.

Các trường kinh tế đã chuẩn bị kỹ khi có kế hoạch mở các ngành liên quan đến công nghệ. Ảnh: Hải An.

Các trường đã chuẩn bị kỹ

Trước những băn khoăn về chất lượng đào tạo khi một trường đại học chuyên về kinh tế lại mở ngành công nghệ, PGS.TS Vũ Thị Hiền cho hay nhà trường đã có sự chuẩn bị trong vòng 3 năm, từ khi có kế hoạch mở ngành.

"Từ năm 2021, nhà trường đã xây dựng đội ngũ giảng viên, chuyên gia, đối tác, cộng đồng/câu lạc sinh viên trong lĩnh vực công nghệ", bà Hiền nói.

Cụ thể, sau khi có khung, trường thực nghiệm bằng cách đưa ra các chương trình vệ tinh. Đây là các chương trình Khoa học máy tính ngắn hạn với khối lượng tín chỉ đủ lớn. Sau khi học xong, sinh viên sẽ được cấp chứng chỉ.

Sau khi thử nghiệm đào tạo, nhà trường nhận thấy nhu cầu từ phía người sử dụng lao động và người lao động là rất lớn (cả sinh viên trong và ngoài Ngoại thương).

Bên cạnh đó, ngành Khoa học máy tính của Đại học Ngoại thương có sự khác biệt trong định hướng ứng dụng, tập trung vào lĩnh vực kinh tế và kinh doanh để tận dụng được thế mạnh đào tạo.

Bà Hiền nhấn mạnh tư duy, nguyên tắc trong xây dựng chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh của Ngoại thương là căn bản, mở và linh hoạt.

Trong đó, chương trình đạo tạo tập trung xây dựng kiến thức cơ bản vững chắc cho sinh viên, đồng thời linh hoạt trong lựa chọn môn học và các nhánh chuyên sâu về phát triển phần mềm, phân tích dữ liệu kinh tế - kinh doanh, đổi mới sáng tạo và lãnh đạo - quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin...

Chương trình cũng xây dựng cấu trúc mô hình thực tập, thực tế ngay từ năm nhất để kết nối với thực tiễn, đào tạo kỹ năng nâng cao dần theo 4 năm học để rèn luyện tính thực chiến, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.

Tương tự, ThS Phạm Doãn Nguyên cho biết hiện UEF đã có 5 năm đào tạo các ngành liên quan đến công nghệ, vậy nên việc tuyển sinh ngành Kỹ thuật phần mềm trong năm nay cũng đã có sự chuẩn bị kỹ.

Ông Nguyên cho biết UEF đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật bao gồm mạng internet, hệ thống máy chủ và các công nghệ liên quan.

Về đội ngũ giảng viên, ông Nguyên cho hay trường đã xây dựng đội ngũ giảng viên có kỹ năng và chuyên môn sâu trong lĩnh vực kỹ thuật phần mềm. Chương trình học cũng tận dụng lợi thế đào tạo kinh tế của trường, gắn kết kiến thức ngành công nghệ với kinh tế, tài chính, quản trị, dịch vụ...

"Đến nay, UEF đã có 5 khóa sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan đến công nghệ. Ngoài các công việc cơ bản như lập trình viên, kỹ sư phần mềm, quản trị mạng..., các em có thể đảm nhận các công việc liên quan đến kinh tế như quản lý hệ thống kinh doanh trực tuyến, cung cấp giải pháp kinh doanh, marketing trên nền tảng số...", ông Nguyên thông tin.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-ftu-den-neu-khi-cac-truong-kinh-te-lan-san-nganh-cong-nghe-post1456949.html