Từ điểm nóng tự tử đến quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Ít ai biết rằng mặc dù được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, Phần Lan từng là một trong những nước có tỷ lệ tự tử đứng hàng đầu thế giới.

“Thằng bé chết rồi", giọng mẹ Jaakko Teittinen vang lên trong điện thoại. Ngay lập tức, Jaakko biết rằng điều anh lo sợ trong nhiều năm đã xảy ra. Em trai anh, Tuomas, đã tự kết liễu đời mình khi 33 tuổi.

Trong tình trạng bị sốc, Jaakko gác hết lại công việc để đến chỗ mẹ anh ở Linnanmäki - công viên giải trí tại Helsinki (Phần Lan) - nơi bà đang đi cùng với hai đứa con của Tuomas vào thời điểm đó.

Trong khi mẹ anh trở về thu xếp, Jaakko chăm sóc các cháu mình, cố gắng không để lộ những gì đang diễn ra.

 Tuomas và Jaakko chụp ảnh cùng nhau. Ảnh: Guardian.

Tuomas và Jaakko chụp ảnh cùng nhau. Ảnh: Guardian.

“Tôi biết còn bọn trẻ thì không”, Jaakko nhớ lại sự kiện bi thảm của ngày 29/7/2009.

Ít ai biết rằng Phần Lan - nơi được biết đến là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - từng có có thời kỳ ghi nhận tỷ lệ tự tử cao hàng đầu thế giới, theo Guardian.

Tuy nhiên, trong 3 thập kỷ qua, nước này đã giảm một nửa số vụ tự tử thông qua hàng loạt sáng kiến và can thiệp cấp quốc gia.

Tỷ lệ tự tử giảm một nửa

Timo Partonen, giáo sư nghiên cứu tại Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan (THL), chia sẻ năm 1990 là “năm đen tối nhất trong lịch sử Phần Lan liên quan đến tỷ lệ tử vong do tự tử”.

Năm đó, Phần Lan ghi nhận 1.512 trường hợp tử vong do tự tử, trong khi dân số chỉ dưới 5 triệu người, theo THL.

Ngược lại, vào năm 2022, Phần Lan báo cáo 740 vụ tự tử với dân số 5,6 triệu người. Mặc dù con số vẫn cao hơn mức trung bình của EU một chút nhưng nó đã cho thấy sự sụt giảm rõ ràng.

Nằm trong số những sáng kiến được cho là giúp mang lại sự thay đổi này - dự án phòng chống tự tử quốc gia - được triển khai từ năm 1986 đến năm 1996, đã giúp giảm tỷ lệ tử vong do tự tử xuống 13%.

Partonen đánh giá sự thành công của chương trình nằm ở việc cải thiện việc chăm sóc chứng rối loạn trầm cảm bằng cách phát hiện nhanh hơn và sớm hơn, cùng sự ra đời của phương pháp điều trị tốt hơn.

Ngoài ra, các hướng dẫn thực tiễn tốt nhất về cách điều trị các chứng rối loạn tâm thần khác, bao gồm lạm dụng rượu và rối loạn nhân cách, cũng được công bố.

Dù vậy, biểu đồ giảm tỷ lệ tự tử ở Phần Lan không phải là quỹ đạo thẳng.

“Có một số năm biểu đồ đi lên một chút, rồi năm tiếp theo nó lại giảm xuống một chút, rồi đi xuống, đi xuống, đi xuống, rồi lại dừng lại”, Partonen mô tả.

Trong bối cảnh đó, THL hy vọng sẽ giúp thay đổi con số vốn chững lại trong những năm gần đây bằng dự án phòng ngừa mới được triển khai năm 2020-2030.

Mục đích của dự án là tiếp tục kéo giảm số vụ tự tử, một phần thông qua việc tăng cường nỗ lực giáo dục công chúng, báo giới và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Chương trình đặc biệt

Sau 2 lần cố gắng tự tử khi còn nhỏ, Veli-Matti Vuorenmaa (33 tuổi) dần học được cách chôn vùi cảm xúc của mình.

 Veli-Matti Vuorenmaa - người tham gia chương trình ngăn ngừa tự tử ở Helsinki. Ảnh: Guardian.

Veli-Matti Vuorenmaa - người tham gia chương trình ngăn ngừa tự tử ở Helsinki. Ảnh: Guardian.

Suy nghĩ về việc mình bị lạm dụng tình dục khiến anh tức giận, nhưng ngoại trừ cố gắng nói đùa về vấn đề tự tử với bạn bè, Vuorenmaa không biết giãi bày với ai về cảm xúc thực sự của mình.

“Lúc đầu mọi chuyện thật là khó khăn”, anh nói. “Nhưng đôi khi, tôi cố gắng quên đi ký ức đau buồn nhất cuộc đời mình. Vì vậy, mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Dù vậy, tôi chưa bao giờ cảm thấy dễ chịu trong lòng”.

2 thập kỷ tiếp theo, Vuorenmaa tiếp tục đi theo lối mòn, kìm nén mọi ký ức đau thương và tiếp tục tiến về phía trước trong cuộc sống.

Nhưng vào năm 2020, ý định tự tử quay trở lại sau khi anh tham gia lớp học xã hội tại trường. Giáo viên đã nói về việc khoảng 80% vụ tấn công tình dục không được báo cáo.

“(Lúc đó), tôi nhận ra: ‘Trong số đó có tôi’”, anh kể lại.

Trong 6 tháng tiếp theo, Vuorenmaa không nói chuyện với ai trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ tại trung tâm chăm sóc sức khỏe của trường đại học.

Mặc dù điều đó giúp ích được một chút, suy nghĩ đó vẫn không biến mất. Vào tháng 10 sau đó, Vuorenmaa một lần nữa cố gắng tự tử.

May mắn thay, anh không thành công. Sau đó, trong cùng tuần, anh tìm đến trung tâm phòng chống tự tử Mieli ở Helsinki. Tại đây, thông qua Linity - phương pháp đặc biệt hướng đến người cố gắng tự tử, anh bắt đầu bước đầu tiên trên con đường phục hồi.

Buổi nói chuyện đầu tiên đã được quay phim, giúp Vuorenmaa có được góc nhìn mà trước đây anh không hề biết đến.

“Nó thực sự cho tôi thấy bản thân mình như thế nào”, anh kể lại. “Rằng tôi cần được cứu giúp”.

Vuorenmaa chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi trải nghiệm ở Mieli - tổ chức chức phi chính phủ cung cấp hỗ trợ cho người cố gắng tự tử và điều hành đường dây trợ giúp khủng hoảng 24 giờ.

Cuối cùng, Vuorenmaa quyết định thực tập tại đây vì muốn làm công việc giúp đỡ trẻ em, thanh thiếu niên. Anh cũng muốn thấy Linity (còn được gọi là Chương trình can thiệp tự tử ngắn hạn có chủ đích, hay Assip) được triển khai rộng rãi hơn.

Thay đổi thái độ

Harri Sihvola (59 tuổi), người huấn luyện các chuyên gia về phòng chống tự tử cho Mieli, đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi thái độ đối với vấn đề tự tử ở Phần Lan.

 Harri Sihvola (trái) với giám đốc Sanna Vesinkansa tại trung tâm khủng hoảng ở Helsinki. Ảnh: Guardian.

Harri Sihvola (trái) với giám đốc Sanna Vesinkansa tại trung tâm khủng hoảng ở Helsinki. Ảnh: Guardian.

Mặc dù đây vẫn là chủ đề cấm kỵ đối với nhiều người lớn tuổi, bức tranh ngày nay khác hẳn so với những năm 90. Sihvola kể lại: "Cha tôi sinh năm 1943 và có lẽ ông ấy biết khoảng 5-15 người cùng tuổi đã tự tử”.

Mặc dù nó đã ít hơn khi Sihvola lớn lên, khi chỉ mới 6 tuổi, chồng của dì ông tự kết liễu đời mình. “Đó là lần đầu tiên tôi phải đối mặt với từ ‘tự tử’”, ông cho hay.

Năm 25 tuổi, ông tiếp tục mất đi một người bạn thân do tự tử.

Sihvola nói rằng văn hóa uống rượu nhiều là yếu tố góp phần mạnh mẽ vào thời điểm đó. “Tỷ lệ tự tử của chúng tôi đã giảm xuống cùng với việc tiêu thụ riêng”.

Hiện nay, tỷ lệ cố gắng tự tử cao nhất vẫn thuộc về nhóm đàn ông trung niên, nhưng tổng thể đang dần có xu hướng chuyển sang phía nữ giới.

Trong những năm 90, 80% trường hợp tự tử liên quan đến nam giới. Giờ đây, trong số những người dưới 25 tuổi, tỷ lệ này là 60%. Sihvola cho rằng điều này có thể do “sự phân cực khuôn mẫu giữa nam và nữ được giảm bớt”.

Số vụ tự tử ở trẻ dưới 14 tuổi cũng tăng lên, từ gần như không có vụ nào lên tới 6 vụ mỗi năm. Theo Sihvola, mặc dù không có bằng chứng khoa học nào, “điều này có thể liên quan đến vấn đề bắt nạt trên mạng xã hội”.

Tuy nhiên, phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể tác động tích cực đến sự cô đơn. Chỉ vài thập kỷ trước, “tự tử” là từ cấm kỵ gần như không thể nói trong các câu chuyện.

Nhưng giờ đây, thái độ của giới trẻ thay đổi đến mức đôi lúc họ cảm thấy thoải mái khi nói về vấn đề sức khỏe tâm thần của mình hơn cả các chuyên gia được đào tạo để nghe về nó.

“(Giờ đây), người trẻ có thể nói chuyện, chia sẻ dễ dàng hơn bao giờ hết”, Sihvola cho hay. “Chúng ta đang ngày càng tốt hơn. Chúng ta đang ngăn chặn nhiều vụ tự tử hơn bao giờ hết ở Phần Lan”.

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-diem-nong-tu-tu-den-quoc-gia-hanh-phuc-nhat-the-gioi-post1461660.html