Từ chuyện Trấn Thành hay khóc: Kìm nén cảm xúc có hại sức khỏe?

Liên quan đến tranh cãi Trấn Thành hay khóc trước công chúng, đã có một số khán giả góp ý Trấn Thành nên tập kỹ năng kìm nén cảm xúc để hình ảnh không phản cảm. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc kìm nén cảm xúc có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Chúng tôi ghi nhận ý kiến chuyên môn của bác sĩ để làm rõ hơn tranh cãi này.

“Tôi không quá giỏi kiểm soát cảm xúc”

Tại sự kiện ngày 21.3 công bố dự án điện ảnh Hào quang rực rỡ kể về cuộc đời ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ Trấn Thành khi phát biểu đã bật khóc: “Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ nhiều. Có nhiều thăng trầm. Nếu ai thích tiền, hào quang thì mời lên đây để nếm bốn chữ hào quang rực rỡ và biết nó là gì…”.

Sự việc sau đó đã gây tranh cãi trên mạng xã hội với nhiều phản ứng trái chiều. Đây không phải lần đầu Trấn Thành khóc trước công chúng. Năm 2021, trong buổi ra mắt phim Bố già, Trấn Thành cũng đã khóc nức nở sau khi lắng nghe và đón nhận những phản hồi tích cực của khán giả.

Trước đó, anh cũng nhiều lần khóc khi dẫn dắt chương trình Rap Việt và nhiều game show khác.

Trấn Thành khóc tại sự kiện công bố dự án điện ảnh “Hào quang rực rỡ ” kể về cuộc đời ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ngày 21.3. Ảnh: T.A.T

Chia sẻ trên trang cá nhân, Trấn Thành từng cho biết: “Chẳng ngạc nhiên gì khi người ta nói: “Cái gì? Trấn Thành lại khóc nữa à?”. Nó xảy ra một cách dĩ nhiên như kiểu tới mùa mưa thì trời cứ thế mà mưa. Nó thường xuyên đến mức làm người ta phát bực, khó chịu, chướng mắt và thậm chí phản cảm. Nickname “Thành Cry” là cái nick được đặt ra một cách dè bỉu nhất mọi thời đại. Nó là biểu tượng của sự mỉa mai về một đứa mít ướt, diễn lố đến ô dề về cảm xúc.

Và thưa quý vị, tôi có thấy những điều đó! Có người hoài nghi giọt nước mắt, có người không. Nhưng rõ ràng nếu thấy khóc ở tần suất nhiều quá thì không thể trách sao người ta phản cảm. Tôi cũng biết điều đó. Thế nhưng tôi phải làm gì đây khi cơ thể tôi nó bắt tôi làm như thế?”.

Trấn Thành kể anh đã từng thử tập cho bản thân cách nín khóc nhưng thất bại, nước mắt vẫn cứ tuôn ra. “Tôi thừa nhận tôi là một người không quá giỏi trong việc kiểm soát cảm xúc của mình. Mỗi khi tôi xúc động với cái gì đó, tín hiệu nó báo lên não, não nó truyền lệnh xuống tuyến lệ, thế là tụi nó chui ra, tôi không ngăn lại được! Bạn hãy tin là tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng tôi làm không được. Bản chất tôi là như thế. Cứ hay đồng cảm, bao đồng, cảm cái này của người này, xót hoàn cảnh của người kia, nhưng tôi luôn hạnh phúc và tự hào về sự nhạy cảm này…”, Trấn Thành bày tỏ.

Khóc có nhiều lợi ích cho sức khỏe

BS-CK2. Trần Minh Khuyên (chuyên khoa tâm thần kinh và trị liệu tâm lý, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, TP.HCM) cho biết, khóc là cơ chế phản xạ khá phức tạp.

BS-CK2. Trần Minh Khuyên.

Khi cơ thể nhận những tác nhân môi trường, stress hoặc tác động về tâm lý đến một giai đoạn nào đó cảm xúc sẽ dâng trào. Những luồng thần kinh tiếp nhận sẽ đưa về vùng hạ đồi, nơi có trung tâm điều tiết nước mắt, tạo ra phản xạ khóc.

“Khi khóc cơ thể sẽ tiết ra một số nội tiết tố về hạnh phúc như endorphin - một chất gây khoái cảm, giảm đau, cân bằng trạng thái cảm xúc. Nước mắt cũng sẽ làm cho mắt không bị khô, chống mỏi mắt, rửa sạch những bụi bẩn giúp mắt ẩm ướt, sạch và tươi sáng. Do đó, khóc là phản xạ tự nhiên giúp cho trạng thái cơ thể được cân bằng và tốt hơn...”, BS. Khuyên giải thích.

Đối với những người bị stress lâu ngày, họ có tâm lý và cảm xúc bị dồn nén quá mức, hậu quả dễ dẫn đến rối loạn lo âu, thậm chí trầm cảm. Nếu khóc được sẽ giúp họ giải tỏa vấn đề tâm lý, stress, căng thẳng, bộc lộ được cảm xúc, đưa cảm xúc về trạng thái cân bằng. Trong khi khóc, họ sẽ kể lể, bộc lộ được tâm tư. Khóc xong các hormon sẽ tiết ra và giải tỏa căng thẳng, nhịp tim chậm lại, hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, buổi tối cảm thấy ngủ ngon hơn...

“Nếu cố kìm nén cảm xúc, không khóc thì suy nghĩ luôn quanh quẩn những vấn đề đó. Phải vận động cả hệ thống thần kinh để dồn nén cảm xúc, khi đó nhịp tim có thể tăng, gây tăng huyết áp, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tim mạch và dẫn đến bệnh lý rối loạn lo âu. Thậm chí có những bệnh nhân bị viêm ruột kích thích, tức là khi căng thẳng quá mức sẽ bị đau bụng, tiêu chảy dồn dập. Do đó, việc cố gắng dồn nén cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến tiềm thức, gây ra những giấc ngủ không ngon, không sâu giấc, mệt mỏi sau khi ngủ dậy, kể cả những bệnh lý nặng nề trong rối loạn lo âu, trầm cảm…”, BS. Khuyên lưu ý.

Ai cũng cần được giải tỏa cảm xúc

Theo BS. Khuyên, mọi người thường cho rằng phụ nữ thì yếu đuối nên dễ bộc lộ cảm xúc, còn đàn ông là trụ cột gia đình và bảo vệ phụ nữ nên cần che giấu cảm xúc. Hình tượng đàn ông phải mạnh mẽ nên khi con bị té đau, cha mẹ hay dạy con trai thì không được khóc, mặc dù khóc sẽ giúp trẻ giảm đau.

“Tôi ủng hộ việc khóc để giải tỏa stress và đàn ông cũng cần phải khóc. Quan trọng là khóc thời điểm nào, không gian nào thì đúng mực. Đôi khi đàn ông phải nuốt nước mắt vào trong để giải quyết công việc và làm trụ cột gia đình. Họ cần xử lý công việc bằng lý trí, không được đau buồn, khóc lóc khi gặp khó khăn nhưng sau khi giải quyết mọi việc họ có thể khóc ở một không gian riêng tư để cảm xúc căng thẳng được giải tỏa, như khóc trong phòng tắm để nỗi buồn trôi đi hết”, BS. Khuyên nói. Khi chia sẻ cảm xúc cũng cần phải đúng người, đúng nơi và đúng đối tượng. Bày tỏ cảm xúc với người không đủ thân thiết hoặc người không biết cách chia sẻ thì nhiều khi sẽ nhận những lời tổn thương hơn.

BS-CK2. Trần Minh Khuyên lưu ý, khi cơ thể bị stress quá mức nhưng không thể giải tỏa thì những ý nghĩ tiêu cực sẽ nằm trong đầu, gây stress nặng, thậm chí những người thần kinh yếu sẽ gây loạn thần cấp, trầm cảm, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tự tử.

BS. Khuyên lưu ý, khi cơ thể bị stress quá mức nhưng không thể giải tỏa thì những ý nghĩ tiêu cực sẽ nằm trong đầu, gây stress nặng, thậm chí những người thần kinh yếu sẽ gây loạn thần cấp, trầm cảm, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tự tử. Với những người muốn khóc mà không khóc được, có thể đến khám và chia sẻ tâm tư với các chuyên gia tư vấn tâm lý.

Những câu hỏi đúng vào tâm lý sẽ khiến bệnh nhân bật khóc và xả ra những căng thẳng. Khi họ dồn nén cảm xúc sẽ phải dùng hết lực cơ thể, người gồng cứng, huyết áp tăng, tim đập nhanh hơn. Khóc được thì huyết áp, nhịp tim sẽ giảm xuống, người bệnh thả lỏng và bắt đầu tâm sự nhiều hơn.

Sau khóc, hiệu quả cải thiện tâm lý sẽ rõ rệt, giải tỏa được các ức chế trong lòng. Nếu bệnh nhân nặng hơn thì có thể sử dụng thuốc giảm rối loạn lo âu, thuốc chống trầm cảm. Việc kết hợp trị liệu về hành vi và thuốc sẽ mang lại hiệu quả điều trị rất cao.

“Trong cuộc sống có nhiều vấn đề cần giải quyết. Do đó bản thân mỗi người phải chuẩn bị tâm lý để vượt qua thử thách, không để bản thân hụt hẫng. Nếu chuẩn bị tốt thì sẽ tiếp nhận những vấn đề đó một cách bình thản, bình tĩnh giải quyết. Khi rơi vào tâm trạng tiêu cực, mọi người cần phải bộc lộ cảm xúc của mình, quan trọng là đúng người, đúng thời điểm, đúng không gian… Khi giải tỏa được cảm xúc tiêu cực sẽ thấy mọi việc ổn hơn và bình tĩnh để vượt qua khó khăn của mình. Nếu cảm thấy bản thân không ổn về mặt tâm lý thì có thể đi gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn và điều trị hợp lý”, BS. Khuyên chia sẻ.

Anh Tuấn - Tấn Khải

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tu-chuyen-tran-thanh-hay-khoc-kim-nen-cam-xuc-co-hai-suc-khoe-39002.html