Từ chiếc máy bay dân dụng đầu tiên đến chinh phục bầu trời-Bài 3: Xứng đáng với niềm tự hào của hàng không dân dụng Việt Nam (Tiếp theo và hết)

Chia sẻ về những định hướng phát triển đội bay, trong đó có Đoàn bay 919 thời gian tới, ông Tô Ngọc Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Đoàn trưởng Đoàn bay 919 cho biết, cốt lõi nhất là hướng đến hiện đại hóa, trẻ hóa đội máy bay, đội ngũ phi công cũng liên tục được đào tạo, chuyển loại, cập nhật kiến thức để nhanh chóng làm chủ công nghệ mới.

Tiếp tục xây dựng Đoàn bay 919 không chỉ đóng vai trò nòng cốt, nền tảng của hãng hàng không quốc gia mà còn xứng đáng là niềm tự hào của hàng không dân dụng Việt Nam.

Hiện đại hóa, trẻ hóa đội máy bay

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về vai trò của Đoàn bay 919 đối với sự phát triển của Vietnam Airlines nói riêng và hàng không dân dụng Việt Nam nói chung?

Ông Tô Ngọc Giang: Đoàn bay 919 là một trong những đơn vị đóng vai trò nòng cốt, nền tảng trong việc xây dựng và phát triển Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam rong suốt 30 năm qua. Trong đó, Đoàn bay 919 là đơn vị tiên phong nhận nhiệm vụ cũng như hoàn thành xuất sắc việc khai thác các dòng máy bay hiện đại nhất của Airbus, Boeing theo từng thời kỳ như: Boeing 777, Airbus A330 và hiện tại là Boeing 787, Airbus A350.

Ông Tô Ngọc Giang. Ảnh: BẢO LINH

Vietnam Airlines là hãng đầu tiên tại châu Á đồng thời khai thác hai loại máy bay hiện đại Boeing 787, Airbus A350. Đoàn bay 919 cũng luôn chủ động trong việc tiết kiệm chi phí bằng các sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu trên từng chặng bay, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn bay tuyệt đối và phát triển bền vững của Vietnam Airlines.

Đối với ngành hàng không dân dụng Việt Nam, Đoàn bay 919 là nơi cung cấp nhiều thế hệ phi công Việt Nam cho hàng không nước nhà. Họ là những sứ giả đưa Việt Nam kết nối với bạn bè thế giới cũng như góp phần thúc đẩy giao thương, văn hóa, chính trị qua những chuyến bay. Đơn vị cũng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng hành với cả nước trước thiên tai, địch họa với những chuyến bay đặc biệt. Đoàn bay 919 xứng đáng là niềm tự hào của Vietnam Airlines và ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

PV: Việc hiện đại hóa đội máy bay đã được Vietnam Airlines quan tâm như thế nào, thưa ông?

Ông Tô Ngọc Giang: Xác định khai thác các đội máy bay phù hợp với mạng bay và chiến lược phát triển là điều rất quan trọng với Vietnam Airlines, nhưng cốt lõi nhất là vẫn hướng đến việc hiện đại hóa, trẻ hóa đội máy bay theo hướng đơn giản về cấu trúc và chủng loại nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đối với ngành hàng không dân dụng được coi là non trẻ của Việt Nam thì việc Vietnam Airlines luôn tiên phong đưa vào khai thác những dòng máy bay thế hệ mới, hiện đại như Boeing 777, 787, Airbus A350 là minh chứng rõ ràng nhất cho sự quan tâm, đầu tư đến hiện đại hóa đội máy bay của hãng.

Hiện tại, Vietnam Airlines tiếp tục có kế hoạch đổi mới đội máy bay, lên kế hoạch bán, trả dần toàn bộ máy bay thân hẹp thế hệ cũ (A321Ceo) và thay thế bằng máy bay thế hệ mới hiện đại hơn, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường. Đi cùng với việc hiện đại hóa đội máy bay thì đội ngũ phi công của Đoàn bay 919 cũng liên tục được đào tạo, chuyển loại, cập nhật kiến thức để nhanh chóng làm chủ công nghệ mới.

Đội ngũ phi công của Đoàn bay 919 liên tục được đào tạo, chuyển loại, cập nhật kiến thức để nhanh chóng làm chủ công nghệ mới. Ảnh: BẢO LINH

Nền tảng cho sự phát triển

PV: Công tác bảo đảm an toàn bay luôn được xác định là yêu cầu hàng đầu của ngành hàng không. Chủ trương này đã được tổng công ty cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?

Ông Tô Ngọc Giang: Vietnam Airlines luôn xác định an toàn là số 1 và không đánh đổi an toàn với bất cứ giá nào. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong mọi hoạt động khai thác máy bay. Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam chủ động tham gia là thành viên của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) từ năm 2006.

Vietnam Airlines đã đáp ứng hơn 500 tiêu chuẩn quốc tế các lĩnh vực khai thác bay, kỹ thuật, khai thác mặt đất, an ninh hàng không để đạt chứng chỉ an toàn khai thác quốc tế (IOSA). Tổng công ty cũng là doanh nghiệp hàng không đầu tiên tại Việt Nam xây dựng Hệ thống quản lý an toàn-SMS (Safety Management System) từ năm 2008 phù hợp với quy định quốc tế.

Khi đưa vào áp dụng SMS, Vietnam Airlines đã chủ động nhận diện các mối nguy cơ tiềm ẩn có khả năng ảnh hưởng tới an toàn trong mọi hoạt động khai thác máy bay. Từ đó đưa ra những giải pháp ngăn chặn, giảm sự cố, vụ việc có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, dựa vào những dữ liệu thống kê an toàn, Vietnam Airlines có thể dự đoán được các xu hướng an toàn có khả năng xảy ra như: Các sân bay đặc thù, khoảng thời gian trong năm hay các yếu tố thời tiết theo mùa...

Vietnam Airlines đã đầu tư hệ thống phân tích dữ liệu bay để giám sát an toàn cho tất cả chuyến bay của hãng. Trong hơn 17 năm vận hành, hệ thống này đã giúp Vietnam Airlines kiểm soát rất tốt những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn lĩnh vực khai thác bay, là công cụ quan trọng trong công tác điều tra sự cố, vụ việc và hỗ trợ kỹ thuật trong công tác sửa chữa, khắc phục hỏng hóc.

Không nằm ngoài xu hướng hội nhập, chuyển đổi số của thế giới, Vietnam Airlines đã chủ động tham gia Chương trình quản lý dữ liệu hàng không toàn cầu (GADM) của IATA bao gồm chia sẻ dữ liệu bay và chia sẻ sự cố. Điều này thể hiện đóng góp tích cực của Vietnam Airlines với tư cách là thành viên có trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc này giúp lãnh đạo Vietnam Airlines có bức tranh tổng thể, cấp độ an toàn so với các hãng trên thế giới để đưa ra những định hướng và các giải pháp trong lộ trình trở thành hãng hàng không an toàn hàng đầu toàn cầu.

PV: Vietnam Airlines đã đầu tư như thế nào cho việc phát triển nguồn nhân lực phi công, thưa ông?

Ông Tô Ngọc Giang: Phát triển nguồn nhân lực là hành trình kéo dài không ngừng nghỉ, không chỉ riêng cho Đoàn bay 919 mà còn của tổng công ty, từ việc sử dụng nguồn vốn đào tạo, đầu tư trang thiết bị, công nghệ đến xây dựng hệ thống tài liệu, quản lý đào tạo chuyên nghiệp. Đồng thời từng bước nâng cao năng lực, sự chủ động trong huấn luyện đào tạo phi công của Vietnam Airlines.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước đến năm 2000, Vietnam Airlines đã có chính sách riêng đài thọ toàn bộ chi phí để đào tạo phi công với mức gần 100.000USD/người vào thời điểm đó. Từ năm 2012, Vietnam Airlines chuyển sang xã hội hóa trong công tác đào tạo phi công. Đây là bước đi đúng đắn với minh chứng gần 500 phi công đã được ra trường và hiện đang công tác tại Vietnam Airlines.

Bên cạnh hợp tác với các trường bay quốc tế ở Australia, New Zealand, Mỹ, châu Âu... Vietnam Airlines đã thành lập trường bay, từng bước chủ động trong chuỗi huấn luyện đào tạo phi công cơ bản với chi phí thấp và hợp lý hơn, mở ra cơ hội cho nhiều bạn trẻ thực hiện ước mơ trở thành phi công tại Việt Nam.

Từ năm 2015, Vietnam Airlines đã hợp tác đầu tư buồng lái mô phỏng cho loại máy bay Airbus A320, A350 và Boeing 787. Đến nay, tổng công ty đã tự chủ được tất cả loại hình huấn luyện đào tạo cho lực lượng hơn 1.000 phi công của mình từ lái phụ thành lái chính, cơ trưởng đến giáo viên cho các loại máy bay ATR 72; Airbus A320, A350, Boeing 787...

Với chính sách đúng đắn, sự chủ động trong công tác bảo đảm nguồn nhân lực, Vietnam Airlines đã xây dựng được đội ngũ phi công chất lượng cao, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp phi công nước ngoài, đáp ứng cho chiến lược sản xuất, kinh doanh của tổng công ty và góp phần vào sự phát triển của hàng không dân dụng Việt Nam.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

MẠNH HƯNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tu-chiec-may-bay-dan-dung-dau-tien-den-chinh-phuc-bau-troi-bai-3-xung-dang-voi-niem-tu-hao-cua-hang-khong-dan-dung-viet-nam-tiep-theo-va-het-773362