Từ câu chuyện bảo vệ cây sao cát nghìn năm tuổi

Tại khu rừng thuộc xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô (Kon Tum) hiện có cây sao cát đã nghìn năm tuổi. Cổ thụ này cao to lừng lững, đường kính thân hơn 4m, cao hơn 35m và được xem là cây thần, 'cây của Yàng'.

Cây này tồn tại là do người dân ở đây quyết tâm bảo vệ, hình ảnh 10 người cùng nắm tay nhau quanh thân cây để chụp hình, một mặt chứng tỏ độ to lớn của cây, mặt khác như là sự chở che.

Cổ thụ sao cát này từng bị nguy cơ đốn hạ, bằng chứng là trên thân cây còn vết cưa sâu vào thân khoảng 1m và hở 0,5m. Người ta nói rằng, cách nay 30 năm, những kẻ lâm tặc do khó đưa cây ra khỏi rừng nên bỏ dở ý định. Cũng có thuyết cho rằng, do cổ thụ sao cát là cây thần nên bọn người xấu không dám liều lĩnh.

Có lẽ cả hai lý do nói trên giúp cổ thụ sao cát không bị đốn hạ. Nó sống sót và lừng lững ở bầu trời Tây Nguyên, nơi vốn là đại ngàn xanh thẳm, nay rừng ngày càng cạn kiệt và cây lớn đã hiếm, cổ thụ còn hiếm hơn. Những ngày gần đây, báo chí vẫn nhắc đến những vụ phá rừng ở vài nơi tại Tây Nguyên, có nơi chặt rừng lấy gỗ, nơi đầu độc cây rừng; có vụ xảy ra đúng vào đêm 30 Tết…

Trước đó, dư luận cũng đã có nhiều cảnh báo về nạn phá rừng dưới nhiều hình thức: làm đập thủy lợi, thủy điện, trồng cao su, cà phê, khai hoang làm nương rẫy, chặt lấy gỗ làm nhà… Kiểm lâm ngăn chặn nạn phá rừng nhưng phần vì lực lượng mỏng, phần do địa hình phức tạp, phần nữa do chính cán bộ thuộc lực lượng này thoái hóa biến chất tham gia khai thác rừng trái phép, hoặc làm ngơ cho lâm tặc, tất cả khiến rừng cạn kiệt.

Rừng được trồng theo các dự án khá nhiều, nhưng xin đừng đánh đồng khái niệm rừng trồng và rừng tự nhiên.

Nhà nước hiện đã có nhiều biện pháp để bảo vệ rừng, vì tầm quan trọng của nó đến khí hậu, môi trường sống. Câu chuyện bảo vệ cổ thụ sao cát nói trên là minh chứng: rừng có thể bảo vệ được nếu người dân và cơ quan chức năng đồng lòng.

Theo báo chí, cuối năm 2023, dưới gốc cây sao cát cổ thụ, gần một trăm hộ dân, nhóm hộ, cộng đồng sáu xã ở hai huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông cùng Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô, kiểm lâm địa bàn đã ký biên bản cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, kết hợp tuần tra, truy quét.

Buổi lễ ký kết có hình ảnh thật đẹp và gợi mở ra điều: mô hình các cơ quan chức năng ký kết trách nhiệm bảo vệ rừng. Sau lễ ký kết, người dân đã tham gia với kiểm lâm để bảo vệ rừng khỏi lâm tặc, phòng ngừa cháy rừng.

Dân mới chính là người biết rừng thân thuộc và đáng quý như thế nào đối với họ. Dân cũng chính là lực lượng đông đảo, thông thuộc địa hình nhất. Có dân cùng tham gia bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm không còn đơn độc… Trên thực tế, ở những địa phương khi có dân tham giá bảo vệ rừng, rừng sẽ tồn tại và phát triển.

Nhưng tại sao mô hình “ký kết bảo vệ rừng với dân” nói trên không diễn ra cách nay 30 năm, khi “cây thần” sao cát có vết cưa sâu hoắm? Mô hình này đã được nhân rộng như thế nào trên cả nước, những nơi có rừng?

Đó là những câu hỏi mong có được những câu trả lời tích cực, để cây rừng nghìn năm tuổi hay trăm tuổi, lớn hay nhỏ... vẫn tồn tại, màu xanh rừng đại ngàn còn mãi.

Thành Thực

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tu-cau-chuyen-bao-ve-cay-sao-cat-nghin-nam-tuoi.html